Ở Hà Nội đất chật người đông, chỗ nào cũng bon chen tận dụng từng phân đất nhưng tôi may mắn được sống trong một khu phố rất yên bình. Đường đi lối lại rộng rãi, hàng xóm thân thiện, an ninh tốt, lại có nhiều tiện ích xung quanh. Chẳng biết sau này lấy chồng sẽ ở đâu nhưng 26 năm qua tôi rất yêu khu nhà mình ở.

Chỉ cách mặt phố lớn một đoạn thôi nhưng cứ về nhà là tôi cảm giác như xóm quê vậy. Mấy chục ngôi nhà cũ quây quanh chiếc sân tập thể, rất nhiều cây to và hoa do mọi người tự trồng. Một dãy thùng xốp đặt quanh chân tường trồng toàn rau, gừng, hành, tỏi. Tới giờ cơm là cả khu í ới qua lại xin rau nhiệt tình. Bố tôi còn dựng hẳn giàn leo để thu bầu với mướp, chim chóc ong bướm bay dập dìu suốt ngày.

Tôi thích nhất là 2 cây hoa giấy siêu to khổng lồ màu hồng cam trồng cạnh cột điện. Mùa hè tới là bóng cây râm mát che gần kín sân, chiều chiều cả khu tụ tập vui chơi thể dục thích vô cùng. Các bà các mẹ ngồi tám chuyện, các ông với bố đánh cờ chạy bộ. Lũ trẻ con thì đùa nghịch chơi đá bóng, đánh cầu lông, thi hát hò rất ngộ nghĩnh.

Xung quanh sân còn có mấy hàng tạp hóa với ăn vặt. Từ chè, cháo đến hoa quả, ốc luộc, tiết hầm… tôi ăn suốt mấy chục năm không thấy chán. Toàn người quen bán nên tôi ăn gì cũng chẳng cần mang tiền. Lúc nào rảnh thì trả sau, không thì mẹ tôi lại đem món gì đó ra đổi để… trừ nợ.

Cuộc sống ấy với tôi quả thực quá đỗi hạnh phúc. Hàng xóm xung quanh toàn người tốt bụng chan hòa, nhiều tiền chắc gì đã mua được những gì tôi đang có.

Ấy thế mà từ lúc thằng Tít ra đời, một mình nó đã phá vỡ sự yên ả quanh đây. Nó mới 4 tuổi thôi mà cả khu phố đã sợ xanh mắt. Đám con nít trong khu đông như trường mẫu giáo nhưng tất cả cộng lại chỉ bằng 1 góc thằng Tít thôi.

Tít là con út của cô Lệ bán tạp hóa. Mẹ nó hơn 40 rồi vẫn bị “nhỡ”, cả khu phố ngỡ ngàng vì cháu trai cô ấy 8 tuổi vẫn phải gọi một thằng bé 8 tháng là cậu!

Chị hàng xóm bênh đứa con hư hỏng, mẹ tôi “xuất chiêu” cao tay đòi lại thỏi son 3 triệu đầy ngoạn mục - Ảnh 1.

Đúng như cái tên bố mẹ đặt cho, thằng Tít nghịch phá. Nó thấp còi, da ngăm đen, chạy nhảy thoăn thoắt như con sóc. Càng lớn nó càng quậy, mấy tháng nay mẹ nó cho đi học mẫu giáo còn đỡ. Chiều bố nó đón về là cả khu tôi chỉ muốn khóa cửa ở yên, không ai muốn cho thằng bé con vào nhà. Chẳng phải do mọi người ích kỷ đâu mà vì thằng Tít xấu tính quá. Mẹ nó suốt ngày bênh con nên cũng mất lòng cả khu.

Thằng Tít hay hò hét mồm to, chơi với lũ trẻ con chuyên cào cấu gây thương tích. Người lớn quát mắng mà nó lì không nghe, bố mẹ nó thì chẳng nghiêm khắc dạy bảo. Bị bọn trẻ trong khu tẩy chay thì nó quay sang phá, thấy tụ tập ở đâu nó sẽ chạy tới đập gậy hoặc giành giật đồ chơi vứt đi chỗ khác.

Cô Lệ bình thường ít nói, không hay cười nhưng cũng chưa từng gây sự với ai. 2 con lớn của cô 1 người đã lập gia đình 1 người đi làm xa, đang yên bình vậy thì tự dưng mọc ra đứa út tiểu quỷ.

Tật xấu nhất của thằng Tít là hay lấy đồ của hàng xóm mang về. Vì nó nhỏ con nên ít ai phát hiện ra, nó cứ im ỉm luồn vào lục lọi, khám phá hết nhà nọ nhà kia. Hở cái khe cửa ra là nó chui tọt vào lúc nào không biết. Xong nghe tiếng đồ đạc loảng xoảng như có chuột thì mọi người mới biết thằng tiểu quỷ đang quậy ở trong nhà.

Có lần bác Phú trưởng khu sang bắt đền cô Lệ vì thằng Tít nghịch hỏng cái bể cá đắt tiền của bác. Nó ném đủ thứ linh tinh xuống bể khiến cá chết. Lúc ra về nó còn cầm theo 1 con “chiến lợi phẩm” khiến bác Phú muốn khóc thét.

Trước sự giận dữ của bác thì cô Lệ chỉ nhún vai nói mấy con cá bé tẹo có gì đâu mà đền. Rồi cô đổ lỗi tại bác không trông nom cẩn thận, ham đánh cờ “chém gió” nên mới để nhà không đất trống cho thằng Tít vào chơi! Bác Phú tức nghẹn họng cũng chả làm gì được, cuối cùng đành cấm thằng Tít không được thò mặt sang.

Bữa khác thì Tít kéo hẳn xe chòi chân của con nhà người ta về dùng. Lọ nước hoa của shop trong ngõ nó cũng lấy, đem về bôi đầy lên con chó của anh Quân. Nó nhổ bung hết mấy chậu hoa của tiệm cafe góc sân tập thể mang về nhà chơi. Quán phàn nàn ngay nhưng cô Lệ giả điếc.

Biết là Tít còn nhỏ nhưng phần lớn mọi người đều nhìn ra do bố mẹ nó nuông chiều sai cách, lại không chịu dạy bảo uốn nắn ngay và luôn. Cô Lệ cứ lấy cớ bận rộn để dung túng cho thằng Tít nghịch phá. Cả xóm không ai dám đánh nó vì sợ phiền. Nhưng quả thực ai cũng khó chịu vì thằng Tít.

Đến hôm nay thì xảy ra một chuyện khiến cô Lệ cứng họng không bênh nổi thằng con. Nguyên do là nó sang nhà tôi nghịch không đúng lúc, giở cái tật lấy đồ bừa bãi ra khi mẹ tôi đang cáu. Trưa nay tôi đi vắng nên về nhà nghe bố kể mới biết suýt nữa thì “bay” mất thỏi son 3 củ.

Số là thằng Tít được cô Lệ dỗ ăn rong buổi trưa, thấy bóng nhóc tiểu quỷ là mọi người đóng cửa hết. Riêng nhà tôi thì mở vì bố lỡ kho cháy nồi thịt. Mẹ tôi cáu giận quá nên mắng chửi um nhà, phải bật quạt mở cửa khắp 3 tầng để mùi khét bay đi. Dĩ nhiên theo thói quen thằng Tít lại ập vào quậy phá. Nó leo cầu thang thoăn thoắt tới phòng tôi, cô Lệ chạy theo thấy thằng con vớ được thỏi son thì mừng lắm. Nó khoái chí nghịch son xong ăn hết nửa bát cơm luôn, tiện tay cô Lệ bế con về cũng không trả đồ của tôi về chỗ cũ.

Mẹ tôi trông thấy liền chạy đến giật son lại. Thằng Tít khóc ré lên đòi, cô Lệ lại giở giọng văn “trẻ con mượn chơi tí thì có sao”. Mẹ tôi chẳng thèm đôi co nhiều liền đi vào bếp lấy rổ quả đậu bắp ra. Xong mẹ tôi đưa cho thằng Tít bảo đây cũng là son, cầm về chơi thích hơn son của chị Bống.

Thằng Tít thấy quả đậu màu xanh bắt mắt hơn cái cục đen sì, lại có hình dài dài giống nhau nên nín khóc nhận đổi ngay. Mẹ tôi kệ cho nó lựa cả rổ, lát sau nó hí hửng cầm 2 quả 2 tay chạy về. Ai dè 1 phút sau nó khóc ré lên, cô Lệ bế qua bắt đền bảo mẹ tôi hại con cô ăn ớt.

Thì ra trong rổ đậu bắp có lẫn 1 trái ớt sừng bố tôi xin về định pha nước mắm! Thằng Tít không biết nên cầm về cắn 1 miếng xong cay quá khóc lụt cả trời đất. Mẹ nó ăn vạ nhà tôi dữ lắm, nhưng bố kể khoảnh khắc ấy mẹ tôi đáp trả lại cực ngầu.

- Mẹ mày khoanh tay á, xong hất mặt nói làm bà Lệ kia chết nhục. Đại loại là cô kêu con cô thích thỏi son nên tự tiện lấy, con tôi cũng thích nên tôi phải giữ lại cho nó dùng. Con trai thì tô vào đâu được, chỉ tô cho cái tật quậy phá xấu xí thêm thôi. Còn thằng Tít đúng trẻ con nên chả biết gì cả, tự lấy ớt mang về không phải lỗi mẹ mày. Đấy “khét” chưa, mẹ mày độp lại đâu ra đấy, nay bà Lệ khỏi lý sự câu nào luôn!

Nhìn thỏi son giá bằng nửa tháng lương nằm trên bàn ngay ngắn, tôi xúc động ôm mẹ muốn khóc oà. Mẹ tôi tuyệt vời, mẹ tôi số 1, mẹ tôi quá xịn luôn! Cả khu biết chuyện xong ai nấy cười ha hả. Cuối cùng thì nhóc kia cũng phải nhận bài học cay đắng đầu đời rồi!