Cuộc sống con người đúng là có nhiều ngã rẽ và con đường để lựa chọn, đặc biệt là về chuyện nghề nghiệp. Với nhiều người, lộ trình hạnh phúc là đi học, ra trường cầm tấm bằng trong tay rồi có một công việc ổn định, lấy chồng, sinh con thế là yên phận. Tuy nhiên, với những người khác thì sẽ chọn con đường ngược chiều, tức là thay vì cảm thấy viên mãn với những gì đang có thì họ sẽ tự đi tìm định mức mới cho bản thân bằng hướng đi hoàn toàn khác và mục tiêu cũng vì thế mà cao hơn.
Võ Thị Thu Hạnh là mẫu người phụ nữ độc lập và dám quyết định thay đổi cuộc đời mình như vậy. Từng tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh và làm công chức trong cơ quan Nhà nước nhưng sau khi có con, mọi thứ với Hạnh hoàn toàn đảo lộn. Hai vợ chồng ở riêng không có người hỗ trợ, Hạnh lại không đành lòng cho con đi học quá sớm nên đã quyết định nghỉ việc ở nhà vừa chăm con vừa khởi nghiệp bằng những sản phẩm đồ ăn homemade.
Sau gần 3 năm cố gắng, đến nay, lượng khách hàng của cô đã trải dài khắp Bắc Trung Nam và mang về thu nhập tới hơn nửa tỷ đồng mỗi năm, sau khi đã trừ chi phí. Đây quả thực là con số mà trước đây, khi còn làm ở cơ quan cũ, nằm mơ Hạnh cũng chưa từng nghĩ đến.
Võ Thị Thu Hạnh đã quyết định nghỉ việc Nhà nước để theo đuổi đam mê với đồ ăn homemade của mình.
Làm Nhà nước lương 3 cọc 3 đồng, không người trông con nên đành nghỉ
Vốn là một người khéo tay hay làm, Hạnh trước khi làm nhân viên kinh doanh ở một cơ quan Nhà nước tại Đắc Nông cũng từng tự nấu dầu dừa để bán. Đi làm, cô bỏ hết, thành thử lúc chấm dứt hợp đồng lao động, Hạnh hoàn toàn chẳng có chút tư liệu sản xuất nào trong tay.
"Mình nghỉ sinh xong theo chế độ thì đi làm lại. Đến khi bé nhà mình được 8 tháng thì mình thấy tình hình thật sự không ổn, bé khóc nhiều, không có người trông và lại chưa thể đi trẻ. Công việc của mình ở cơ quan thật ra cũng không phù hợp với chuyên ngành mình đã học, lương lại chỉ được vài triệu nên mình nghỉ cũng không phân vân lắm.
Nghỉ làm, mình định quay trở lại làm dầu dừa bán nhưng bắt đầu lại thứ đã bỏ khó hơn mình tưởng, mình chuyển sang làm cà phê sạch. Ý tưởng kinh doanh đến khi mình chia sẻ những thứ mình biết về cà phê nguyên chất, bất ngờ có khách nhờ làm giúp một ít. Lúc ấy mục tiêu của mình chỉ là đủ chi phí sinh hoạt chứ không có ý định phát triển thương hiệu, mình bán sản phẩm với giá khá rẻ, chỉ lấy công làm lãi mà thôi".
Vì yếu tố gia đình mà Hạnh mới nghỉ việc nhưng cô không ngờ đây lại là bước đi thay đổi cuộc đời.
Có người đã từng nói công sở giống như một mối tình, nếu không yêu nhau nữa thì mình nhẹ nhàng chia tay. Nhưng cũng hệt như người ta yêu nhau vậy, Hạnh đã chia tay môi trường văn phòng hành chính và thời gian đầu đúng là có chút khủng hoảng khi chưa thể định hình mình sẽ làm những gì và làm ra sao. Nhưng dần dần duyên cũ qua đi, duyên mới lại đến và Hạnh lại tìm được "chân ái" mới cho mình.
"Mình rất thích nấu ăn, mê làm bánh cho nên thường chia sẻ công thức trên Facebook cá nhân để mọi người cùng làm. Lần đó, có một chị ở Thái Lan về, nói là chị muốn ăn bánh mình làm, nhưng sẽ mua chứ không nhận biếu. Mình trộm nghĩ, hay là bắt đầu công việc mới từ đây".
Cơ duyên đến với nghề làm bánh này của Hạnh cũng thật tình cờ.
Thời điểm Hạnh bắt đầu sự nghiệp bánh trái cũng là lúc bánh mì hoa cúc đang độ "hot" với các chị em. Theo lời Hạnh, loại bánh này khá khó làm vì hỗn hợp ướt và nhiều bơ cho nên khâu nhồi bột phải cực kỳ cẩn thận. Nhiều người cũng làm món bánh này nhưng không đủ cầu kỳ và kiên nhẫn thì sẽ khó có thể ngon như bánh nguyên bản chuẩn vị Pháp.
Lúc mới làm bánh hoa cúc, Hạnh chỉ có chiếc lò nướng nhỏ nên nhận order 50 ổ/ngày, còn hiện tại thì mỗi ngày cô xuất đi khoảng 200 ổ với giá đơn vị là 90 nghìn/chiếc. Khách hàng của cô khởi điểm cũng chỉ là các chị em trong một hội nhóm dành cho các bà mẹ nuôi con nhỏ. Nhưng cũng từ ấy, cô tiếp cận được với nguồn khách hàng khổng lồ từ bạn bè mình, và ngày càng đông khách hơn.
Bánh mì hoa cúc chính là sản phẩm bánh trái đầu tiên mà Hạnh làm kinh doanh.
"Khách hàng mua bánh của mình cũng có người từng so sánh giá và nói mình bán đắt hơn nhưng mình vẫn tự tin vào chất lượng bởi vì mình chọn nguyên liệu hữu cơ, trứng gà ta nuôi tự nhiên, bột loại tuyển chọn, men bánh tự nuôi, không có phẩm màu, hương liệu hay chất bảo quản gì cả... để đảm bảo những gì tốt nhất có thể cho chiếc bánh trước khi đến tay người mua.
Ngoài bánh hoa cúc thì mình còn làm thêm đủ thứ khác như Almond Bar, Cookies, Baugette, Dark Rye, dòng bánh ngàn lớp như Croisant, Tart, Patechaud, Panettone... Tới mùa trung thu thì mình quay cuồng với bột, nước và lò nướng đến 2 tháng ròng rã luôn".
Đầu tư gần 200 triệu học nghề để cho ra lò những chiếc bánh ngon
Bà mẹ trẻ cho biết, khi quyết định làm nghề nghiêm túc, cô đã mời thầy dạy làm bánh đến tận nhà để kèm dạy. Quá trình khám phá công thức cũng như bí quyết làm bánh của Hạnh tốn khá nhiều công sức và tiền của. Bù lại thành quả thu về lại rất lớn. Mùa đầu tiên làm bánh trung thu, Hạnh đã xuất xưởng được tới 28.000 chiếc và những khách quen thì đều nhớ Hạnh nên năm nay đã "ép" cô phải nướng bánh sớm từ tận cuối tháng 5 âm lịch vừa rồi.
"Mình học làm bánh mì của một đầu bếp chuyên nghiệp làm ở bếp bánh Âu. Thầy lên nhà mình tổng cộng 3 đợt, mỗi đợt kéo dài 1 tuần để dạy cho mình những gì quan trọng nhất. Việc học 1 thầy 1 trò rất hiệu quả khiến mình tiếp thu khá nhanh và tay nghề cũng cứng lên trông thấy.
Thầy dạy cho mình 3 chuyên đề nên cũng tốn một khoản tiền kha khá. 2 chuyên đề đầu tiên là các loại bánh thường, mình học hết 40 triệu. Còn lại riêng bánh trung thu thì hết những 120 triệu và mình cũng học từ một cô đầu bếp người Hoa. Cô ấy không phải là người buôn bán mà chỉ truyền nghề vì đã lớn tuổi mà gia đình lại cũng không có ai theo nghề. Bao nhiêu tiền lãi bán bánh là mình đổ vào đi học hết nhưng lại thấy đó là khoản đầu tư xứng đáng vì mình vẫn giữ lại được kiến thức cũng như bí quyết cho riêng mình. Dạy xong cho mình là thầy cũng nghỉ hưu luôn và không nhận thêm lớp nữa nên mình thấy may mắn lắm khi gặp được thầy".
Hạnh đầu tư rất nhiều cho việc học làm bánh, đặc biệt là bánh trung thu, thứ bánh vô cùng kén người ăn.
Kết thúc mùa trung thu đầu đầy mồ hôi với đủ loại nhân bánh và còn khá bị động do chưa đo được phản ứng của khách hàng, Hạnh vẫn lãi được đến 300 triệu. Điều thú vị hơn cả là Hạnh không đến từ thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn - nơi có lượng khách hàng cực kỳ dồi dào, mà ở vùng tỉnh lẻ là Đắc Nông. Chưa kể, mặt hàng bánh trái của cô lại là hàng thực phẩm, rất khó bảo quản.
"Thời gian đầu với mình khá khó khăn vì không căn được thời gian vận chuyển, bánh dễ bị hư. Sau này khi đã có kinh nghiệm hơn thì sản phẩm nào ổn mình mới tiếp cận khách ở xa. Hàng khô thì mình gửi bưu chính, còn hàng có hạn sử dụng ngắn thì mình canh bột để làm trong ngày rồi đóng gói gửi đi cho khách luôn. Khách của mình chủ yếu ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng và Vinh.
Thật ra khách hàng mua hàng nhưng người bán cũng phải tính chi phí tối ưu đó. Những khách ở xa, mình phải làm sao cho đơn hàng ra đến đó vói chi phí thấp nhất. Thường thì 1 đơn hàng gửi ra Hà Nội cước phí sẽ là 150 nghìn, nên mình sẽ dặn khách sỉ gom đơn, tính toán sao cho khi chia ra đầu sản phẩm, mỗi chiếc bánh chỉ hết khoảng 1 đến 3 nghìn tiền ship thôi. Các chị em gom đơn sỉ thì mình cũng bán giá ưu đãi hơn nữa nên họ cũng rất hào hứng hợp tác".
Hạnh phải tính toán để làm sao khách hàng không phải chịu nhiều chi phí vận chuyển khi mua hàng nhà mình.
Một số sản phẩm do chính tay Hạnh làm và cung cấp ra thị trường.
Cái kết ngọt ngào cho những chuỗi ngày vất vả ngược xuôi
Phải nói ra là trào lưu mua hàng online của các chị em bỉm sữa bây giờ đúng là tạo điều kiện cho nhiều người có thu nhập tốt. Như Hạnh chẳng hạn, sau 3 năm khởi nghiệp, cô đã có lượng khách hàng trung thành khá lớn và lợi nhuận cũng không phải dạng vừa. Mỗi năm Hạnh sẽ vất vả nhất trong 2 mùa là mùa bánh trung thu và mùa Tết với bánh cookies, mứt và trà. Ngoài ra rải rác trong năm Hạnh còn làm các loại bánh ngọt, trà bí đao khô, detox, máy ép dầu…, không để cho mình ngơi tay ngày nào.
Theo như Hạnh thống kê, năm 2017, cô đã thu lời khoảng 500 - 600 triệu còn năm nay thì chưa tính. Trong đó, doanh thu hàng tháng của Hạnh rơi vào khoảng 120 - 150 triệu. Hạnh cũng chi phí khá nhiều cho việc kinh doanh, mỗi tháng khoảng 30 triệu cho điện nước, nhân công, phí hao mòn máy móc.
Chỉ riêng năm 2017, Hạnh thu lãi tới 600 triệu. Đây là con số đáng mơ ước với bất cứ ai làm kinh doanh.
Khi được hỏi về công việc gia đình, liệu khi một người phụ nữ bỏ quá nhiều thời gian và tâm sức vào việc kinh doanh như vậy thì chồng con có ý kiến gì không, Hạnh chia sẻ: "Ông xã nhà mình hiện đang làm tín dụng ngân hàng chứ không tham gia kinh doanh cùng vợ. Được cái anh ấy khá tâm lý, đi làm về là giúp mình chăm con, cơm nước để mình tập trung công việc. Nhưng để có được như vậy là mình cũng phải trải qua thời gian dài tập tành huấn luyện đó, mình cứ lúc rảnh là lại rủ rê bếp núc cùng chứ nhờ trực tiếp là ổng không chịu làm đâu". (cười)
Hạnh thấy may mắn vì có chồng tâm lý và thấu hiểu cho công việc của cô.
Hạnh bảo, cô chẳng dám nhận mình là doanh nhân hay danh xưng gì to tát, mặc dù quy mô công việc mà cô làm cũng là khá lớn so với người kinh doanh online ở Đắc Nông. Hạnh chỉ tự thấy mình rất vui khi hàng ngày được mân mê những thứ mình thích như bột, như đường, men và thỏa mong muốn được mang thực phẩm sạch, ngon đến với mọi người.