Theo một nghiên cứu của Ấn Độ, cắn móng tay sẽ đưa vi trùng và vi khuẩn ở móng vào miệng, qua dạ dầy, sinh sản và gây nhiều bệnh đường ruột. Cứ 4 bệnh nhân bị bệnh đường ruột – dạ dầy, có 1 người là do tật cắn móng tay.

Với bé, cắn móng tay còn làm hại các răng cửa, ảnh hưởng sức nhai, phát âm... Bé có thói quen cắn móng tay cũng hay cắn da xung quanh, làm trầy xước da và chuyển vi khuẩn cũng như vi rút có trong miệng lên đó. Cắn móng tay lâu dài còn làm ảnh hưởng sự phát triển móng và làm xấu móng.

Theo các chuyên gia, khoảng 50% trẻ từ 10-18 tuổi cắn móng tay lúc này lúc khác, 23% người lớn từ 18-22 tuổi cũng cắn móng tay.
 
Stop ngay hành động cắn móng tay

Bố mẹ hãy để mắt tới bé, đặc biệt là khi bé sắp sửa cắn móng tay, chẳng hạn khi đang xem TV, hay trên ôtô… Hãy đưa cho bé cầm một thứ gì đó như một con rối, quả bóng nén hay đồ chơi có chất liệu dẻo. Cắt móng tay thường xuyên để bé không còn gì để cắn.

Cắt móng tay thường xuyên cho bé cũng là một giải pháp hữu hiệu!

Ở các hiệu thuốc có bán một số loại dược phẩm mùi vị không dễ chịu lắm để chữa tật cắn móng tay.

Hầu hết các bố mẹ không chú ý hoặc cha mẹ thường không xem triệu chứng này là nghiêm trọng. Đây là quan niệm sai lầm vì càng để lâu trẻ càng khó bỏ, trong khi trẻ không có ý thức về việc mình đang làm dần dần dẫn đến thói quen không thể bỏ được khi đã trưởng thành.

Bố mẹ cũng cần nói chuyện với con một cách nhẹ nhàng, giải thích cho con biết đó là việc làm không hay và tại sao các bé không nên làm. Nên tìm cách lôi cuốn con trẻ vào những chú ý mới như những trò chơi bổ ích, có thể là các hoạt động cần sử dụng tay để bé không có cơ hội cắn móng tay.

Nếu bé cứ liên tục gặm móng tay đến mức chảy máu, hoặc bé nhai nhai móng tay và kèm thêm một số động tác khác như kéo tóc..., bạn nên nhờ bác sĩ nhi khoa tư vấn. Con bạn có thể đang phải chịu đựng nhiều sự lo lắng và căng thẳng hơn những bé khác.

Các bác sỹ nhi khoa cũng thường khuyên cha mẹ không nên để trẻ vào tâm trạng căng thẳng, lo âu vì đối với trẻ em những lúc như vậy nhu cầu cắn móng tay hay làm những tật xấu khác sẽ giúp trẻ cảm thấy yên tâm, bớt cô đơn, buồn chán và kết quả là không từ bỏ được tật xấu này. Người lớn cũng không nên có hình phạt nặng nề với con trẻ vì phạt thường không mang lại kết quả.

Bảo Châu
(Tổng hợp)