Anh là một kỹ sư cầu đường, đôi bàn tay rắn rỏi đã quá quen với những thứ rắn chắc nhưng lại run rẩy khi đối diện với cậu con trai bé bỏng 3,1 kg. Vợ chồng anh lên Hà Nội sinh sống, lập nghiệp, bố mẹ hai bên đều ở dưới quê. Khi chị vào viện, chồng chị vẫn đang làm công trình ở ngoại thành Hà Nội, bố mẹ chưa kịp lên.
Vợ anh dí dỏm kể: “Khi sinh con xong, mình được chuyển về phòng hồi sức. Đang nằm nghỉ không chỉ mình mà nhiều bà bầu khác giật nảy mình khi thấy một chú công nhân đóng nguyên cả bộ đồng phục như dân lao động đầy đường đất hùng hục lao vào. Mọi người tưởng có chuyện gì, đến khi thấy anh ấy kêu: ‘Em, đẻ chưa. Con anh đâu?’ thì mới biết là chồng vào chăm vợ đẻ”.
(Ảnh minh họa - Minh Minh)
Anh Hoàng Anh tâm sự: “Mình lần đầu làm bố, chưa bao giờ phải đụng tay vào những việc pha sữa, thay bỉm nên giờ lóng ngóng lắm. Ngày đầu tiên ôm con trên tay, nhìn hai mẹ con nhà nó, mình vừa mừng vừa lo. Con mới sinh được mấy hôm mà mình cái gì cũng lo lắng, rón rén, chẳng hiểu lần làm bố thứ 2, 3 sau này còn lo lắng như vậy không?”.
Dù không được chứng kiến vợ sinh nở nhưng anh biết chuỗi ngày chị đối diện với vết mổ đau đớn lắm, anh thấy mình phải có trách nhiệm và chia sẻ với vợ nhiều hơn. Chính vì thế mà ngay sau khi vợ con được từ viện về nhà, anh dành luôn phần chăm con thay cho vợ, để vợ ngủ cho ngon giấc.
Vợ sinh con, hai vợ chồng lại sống riêng nên anh xin phép không đi công tác nữa mà chỉ làm việc tại công ty giờ hành chính trong thời gian đầu. Một ngày chăm vợ con, anh cũng phải khẳng định: “Cũng mệt đấy, chẳng đơn giản tẹo nào”. Sau 5 hôm nằm trong viện chăm sóc vết mổ, chị Sâm – vợ anh Hoàng Anh được trở về nhà. Sáng hôm sau là ngày khá đặc biệt với anh.
5h30: Trong khi vợ và con ngủ say, anh mắt nhắm mắt mở tất bật chợ búa, mua rau xanh và móng giò về cạo sạch, ninh cháo cho vợ. Anh gãi đầu gãi tai chia sẻ: “Mình nghe nói, cháo móng giò là có nhiều sữa mẹ lắm. Công ty mình không xa nhà là bao, mình vo gạo, sơ chế thức ăn, 11 giờ đi làm về sớm một chút rồi nấu cơm nóng sốt cho vợ luôn thể”.
6h: Những công việc như giặt giũ hay dọn nhà trước đây là phần việc độc quyền của vợ thì nay anh thoăn thoắt làm tất cả.
6h30: Đang dọn dẹp, chuẩn bị cơm nước, anh nghe tiếng thằng bé khóc, ba chân bốn cẳng chạy lên, hai vợ chồng người chuẩn bị nước ấm, người vệ sinh "mặt mũi, chim cò" cho con. Sau khi xong màn "khởi động", anh chuẩn bị sữa cho con, vì chị sinh mổ nên mấy ngày đầu sữa về ít, anh chị thống nhất cho con ăn sữa ngoài.
7h45: Chuẩn bị đâu ra đấy cho hai mẹ con xong, anh thoăn thoắt phóng xe lao đến công ty. Cuộc họp quan trọng đầu giờ sáng, việc nhiều nhưng tâm trí anh lúc nào cũng nghĩ: “Hai mẹ con nó đang làm gì, mẹ nó có vất vả không, con có ngoan không hay quấy mẹ?”. Cứ 10 phút anh lại gọi điện thoại về một lần để kiểm tra. Cả buổi sáng, anh cứ nhấp nhổm không yên.
(Ảnh minh họa - Minh Minh)
11h trưa: Anh phóng như bay về nhà. Nhìn vợ đang cho con ti, anh vui lắm. Nghe 3 tiếng đồng hồ tưởng dài nhưng thời gian trôi qua nhanh như cắt. Hai vợ chồng người nấu cơm, trông con, người là quần áo tã lót cho con, anh chị thay nhau trông con để ăn cơm trưa.
13h45: Xách xe phóng tới công ty nhưng tâm trí anh cũng để mãi ở nhà. Bình thường 7h tối anh mới đi làm về, nhưng hôm đó 4h anh đã về.
16h00: Việc đầu tiên khi về nhà đó là anh lao vào nhà vệ sinh rửa tay rồi chạy ào vào thơm con, cưng nựng con. "Trộm vía" cu cậu rất nghịch khiến mẹ không được ngủ chút nào.
17h00: Lên chăm con cùng vợ một lát rồi anh chạy xuống dưới bếp nấu cơm. Được một lát, chị cũng ôm con xuống bếp nấu nướng cùng chồng.
17h45: Lần đầu tiên tắm cho con với anh là điều có lẽ chẳng bao giờ anh quên được. Ban đầu chị Sâm định tắm cho con nhưng vì hẵng còn mệt, thấy chồng hăng hái chị cũng bằng lòng. Anh chị cũng muốn tự tay tắm cho con chứ không thuê người tắm. Anh bảo cầm máy khoan bê tông trong tay còn dễ hơn khi ẵm cu Tí. Tắm cho con chỉ sợ làm rơi con vì trơn hoặc làm xà phòng rơi vào mắt con. Thế nhưng nỗi sợ nhanh chóng trôi qua khi trộm vía bé thích nước. Bố cứ cho bé vào chậu, đỡ dưới lưng là cậu bé lại thích thú, cười toe toét.
19h00: Hai vợ chồng thay phiên nhau ăn cơm, người còn lại chăm cu Tí.
20h00: Sau khi đã rửa bát, cất quần áo xong, anh chị chơi đùa cùng con.
22h00: Cả nhà đi ngủ.
00h hôm sau: Bé hay uống sữa đêm, cứ tầm hơn 1 tiếng, bé lại ọ ẹ lúc thì tè, lúc thì đòi ăn. Dù chưa quen nhưng cứ khi nào thấy con ọ ẹ là anh như có phản xạ vô điều kiện, bật dậy kiểm tra tã, pha sữa trong trạng thái vừa lắc sữa vừa ngủ. Vừa chăm con, anh còn chủ động bóp vai, bóp chân vợ. 22h00: Cả nhà đi ngủ.
2h sáng: Anh chồm dậy vì cu Tí ọ ẹ nhưng đã thấy vợ đang ngồi ôm cho ti, ti mẹ vừa đưa vào miệng, cu Tí im thin thít ăn ngon lành.
Chỉ vài lần thức dậy dỗ con, đồng hồ đã chỉ 6h sáng, trộm vía vào khoảng thời gian này, cu Tí ngủ có vẻ sâu hơn, anh yên tâm để hai mẹ con ôm nhau ngủ để mình đi chợ búa bắt đầu một ngày mới như hôm trước.
Khác với nhiều ông bố khác, anh không có khoảng thời gian liên tục chăm vợ con sau giờ hành chính bởi thường phải đi theo công trình nay đây mai đó. Anh tâm sự: “Trước thông tin vợ đẻ, chồng có thể được nghỉ 5-7 ngày theo dự thảo Luật bảo hiểm xã hội vừa đưa ra, mình hoàn toàn ủng hộ và mong mỏi dự thảo sớm được thông qua. Không biết với những người khác thì thế nào nhưng với tôi, việc mình được nghỉ khi vợ sinh rất cần thiết. Khi sinh nở, vợ cần nhất có chồng ở bên. Sau sinh vợ còn yếu, đau, mệt, dễ tủi thân,... nếu mình ở bên cạnh, vợ có thể chia sẻ với mình. Mình rất muốn được nghỉ trọn vẹn vài ngày với vợ để toàn tâm toàn ý chăm con chăm vợ. Chứ 'một nách hai mang' thế này, chẳng việc nào khiến mình yên tâm".
Mặc dù đón Tết Trung thu trên giường bệnh nhưng bé Mai Trinh (22 tháng tuổi) vẫn vui vẻ, hạnh phúc vì bé không hay biết mình đang đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo: ung thư máu.