Nhiều bà mẹ vì muốn buổi sáng trước khi đi làm thảnh thơi hơn một chút nên đã nấu sẵn đồ ăn từ tối hôm trước để sáng hôm sau chỉ việc đun nóng lại, hoặc cũng có bà mẹ nấu nhiều cơm và thức ăn tối để sáng hôm sau đảo lại cơm và thức ăn là có ngay món cơm giang vừa chắc bụng vừa tiết kiệm cho cả nhà.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết một số món ăn, trong đó đặc biệt là các món rau nếu để qua đêm có thể sản sinh một chất gây ung thư và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Vì vậy, các mẹ không nên tận dụng rau từ bữa tối hôm trước để nấu bữa sáng cho bé.
Ngoài ra, các đồ ăn khác (nấu chín hay chưa chế biến) nếu để trong tủ lạnh từ tối hôm trước thì phải đun nóng và chế biến kỹ mới có thể yên tâm cho bé ăn trong bữa sáng.
2. Cho con ăn đồ ăn nhanh
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, bữa sáng với thức ăn theo kiểu phương Tây như bánh mì kẹp thịt, cánh gà chiên, cà phê, sữa… trở nên phổ biến và thuận tiện với mọi gia đình. Nhưng thực đơn ăn sáng như vậy có thể tốt cho người trưởng thành nhưng không có lợi cho sức khỏe của bé. Bởi thức ăn nhanh thường chứa nhiều dầu mỡ mà thiếu các vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác nên rất dễ gây ra hiện tượng béo phì.
Giải pháp cho các bà mẹ khi cho ăn thức ăn nhanh vào bữa sáng là kết hợp với các loại trái cây hoặc rau để cân bằng các chất dinh dưỡng. Tuy vậy, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo bạn không nên để “thực đơn” thức ăn nhanh có mặt quá nhiều lần trong bữa sáng của con.
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, vì vậy cha mẹ nên "đầu tư" chu đáo hơn cho con. (Ảnh minh họa)
3. Dùng đồ ăn nhẹ
Một số bà mẹ có thói quen dự trữ trong nhà một số đồ ăn vặt hoặc ăn nhẹ như socola, bánh quy, bánh gạo… để “cấp cứu” mỗi khi không có thời gian chuẩn bị bữa sáng cho con. Trên thực tế, các thực phẩm khô này phù hợp với các bữa ăn nhẹ trong ngày hơn là thực đơn cho bữa sáng. Bởi cơ thể con người thường ở trong trạng thái mất nước nhẹ vào buổi sáng nên khi ăn các thực phẩm khô sẽ không có lợi cho hệ tiêu hóa.
Bên cạnh đó, các mẹ nên biết là các đồ nhẹ dạng khô như bánh tuy có thể cung cấp năng lượng trong thời gian ngắn nhưng lại khiến bé mau đói, khi đến gần trưa sẽ làm giảm lượng đường trong máu, lâu dần gây suy giảm thể lực.
Theo các chuyên gia, bữa sáng của các bé không nên có quá nhiều đồ khô và phải có sữa hoặc nước uống đầy đủ. Nếu bữa sáng của bé là bánh mì hoặc thực phẩm khô, bạn có thể bổ sung thêm món dưa chuột tươi.
4. Vừa đi vừa ăn
Hiện nay, không khó để bắt gặp vào buổi sáng hình ảnh em bé nào đó vừa ngồi sau xe bố mẹ chở đi học vừa “thưởng thức” bữa sáng của mình hoặc đi vào cổng trường mà miệng vẫn đang nhai. Bữa ăn sáng như vậy hoàn toàn không có lợi cho hệ tiêu hóa và sự hấp thu của cơ thể bé, chưa tính đến những loại bụi bặm, tạp chất, vi khuẩn… có mặt trên đường phố dễ dàng xâm nhập vào bữa sáng của bé.
Để hạn chế tình trạng trên, các mẹ nên bố trí thời gian hợp lý để sắp xếp một bữa sáng tại nhà để không chỉ bé mà cả gia đình có một bữa sáng vừa đủ chất dinh dưỡng vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cho dù ở một thời điểm nào đó những đứa trẻ nhà bạn nói hoặc thậm chí khóc bảo không đói thì bạn vẫn nên "ép" con ăn sáng đều đặn.