1. Chọn độ tuổi phù hợp để mang thai
Phần lớn các chuyên gia y tế đều cho rằng độ tuổi sinh nở thích hợp với phụ nữ là vào khoảng 25 – 29 tuổi. Trong độ tuổi này chị em dễ dàng mang thai và sinh con thuận lợi hơn. Tuổi càng cao thì độ nguy hiểm khi mang thai, sinh nở đối với chị em càng lớn. Đó là vì khi đã có tuổi, các vùng sản đạo (đường thai nhi từ bụng mẹ chui ra ngoài), xương chậu và vùng giữa hậu môn – âm hộ đàn hồi kém, không dễ nở rộng. Khả năng co bóp của tử cung và giãn nở của âm đạo cũng kém đi nhiều. Vì thế, trong thời gian mang thai 9 tháng 10 ngày, chị em phụ nữ dễ phát sinh tình huống ngoài mong muốn.
Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi mà mang thai còn dễ bị cao huyết áp, tiểu đường, các chứng bệnh về tim mạch.
2. Dinh dưỡng hợp lý, khống chế cân nặng trong thời gian mang thai
Nếu em bé nặng khoảng 4 kg thì tỉ lệ sinh khó của mẹ tương đối lớn. Nguyên nhân khiến cân nặng của em bé tăng lên thường xuất phát từ việc mẹ ăn quá nhiều chất dinh dưỡng, ăn nhiều mỡ trong thời kỳ mang thai mà ít vận động, luyện tập cơ thể. Phụ nữ bị bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ sinh con béo phì.
3. Tập thể thao trong thời kỳ mang thai
Tập thể thao trong giai đoạn thai kỳ không những có lợi cho việc khống chế cân nặng mà còn giúp bà bầu sinh nở dễ dàng. Tập thể thao khiến vùng cơ xương chậu, cơ lưng, cơ bụng được co dãn, tăng cường tính đàn hồi; các xương khớp, dây chằng cũng dẻo dai hơn. Điều này giúp cơ thể trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn, giảm thiểu áp lực lên sản đạo. Bên cạnh đó, thể thao còn có tác dụng giúp bà bầu giảm mệt mỏi, căng thẳng và trở nên vui vẻ, tự tin trong suốt thời gian mang thai.
Một điều cần chú ý là khi tập luyện thể thao, bà bầu nên chọn các động tác nhẹ nhàng, thời gian tập luyện không nên kéo dài. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sỹ sản khoa và các chuyên gia sức khỏe để có bài tập thích hợp.
4. Định kỳ kiểm tra sức khỏe bà bầu và thai nhi
Trong suốt thai kỳ, bà bầu nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám sức khỏe theo từng thời kỳ phát triển của thai nhi. Việc kiểm tra sức khỏe cả mẹ và con giúp theo dõi và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các khả năng biến chứng cũng như những tình huống ngoài mong muốn.
5. Chuẩn bị trước khi sinh
Trước thời gian dự sinh khoảng 2 tuần, bà bầu nên sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, ăn thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như: sữa bò, trứng gà… chuẩn bị sức khỏe để vượt cạn. Nếu có dấu hiệu sắp sinh, bà bầu nên giữ tinh thần ổn định. Nếu thấy tử cung mở, bà bầu phải đặt niềm tin vào bác sỹ và nhân viên bệnh viện có nhiệm vụ đỡ đẻ, đặc biệt cần tin tưởng chắc chắn rằng mình sẽ “mẹ tròn con vuông”.