Thông thường quá trình thay răng của bé sẽ diễn ra trong khoảng 6 – 12 tuổi, cũng có những trường hợp thay răng sớm khi trẻ còn 4 tuổi hoặc ngược lại là muộn khi trẻ 8 tuổi. Chiếc răng sữa cuối cùng sẽ rụng khi bé được 12 - 13 tuổi.

1. Lưu ý đến quá trình phát triển răng sữa và răng vĩnh viễn

Bạn nên chú ý đến quá trình phát triển của răng sữa và răng vĩnh viễn của bé bởi hàm răng được coi là phát triển bình thường khi thứ tự của các răng vĩnh viễn sẽ mọc tương tự như răng sữa, nghĩa là chiếc răng sữa nào mọc trước thì sẽ rụng trước. Vì thế, có thể đoán được thứ tự rụng của những chiếc răng sữa này, đồng thời biết được thứ tự của những chiếc răng vĩnh viễn sẽ mọc lên.

Nếu thấy có hiện tượng như: răng vĩnh viễn đã mọc lên nhưng răng sữa chưa rụng đi, khoảng cách giữa hai răng cửa hàm trên quá lớn, răng vĩnh viễn mọc ở vị trí bất thường… bạn nên nhanh chóng đưa bé đến phòng khám nha khoa để được tư vấn, điều trị và có giải pháp về lâu dài mà hiệu quả.

Bên cạnh đó bạn nên đưa bé đi khám răng thường xuyên trong độ tuổi thay răng để các nha sĩ có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và đưa ra biện pháp điều trị tốt nhất.

6 điều cần đặc biệt chú ý khi con thay răng 1
Ảnh minh họa.

2. Nhắc bé đánh răng mỗi ngày

Bạn nên đặt chế độ “giám sát” con đánh răng mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối để ngăn ngừa bệnh sâu răng. Nếu bé có tính tự lập và kỷ luật khá cao thì bạn có thể tập cho bé thói quen tự giác đánh răng vào giờ đã định.

Bạn nên lựa chọn loại kem đánh răng và bàn chải đánh răng phù hợp với độ tuổi của bé. Mỗi lần đánh răng của bé chỉ nên kéo dài 2 – 3 phút. Ngoài việc đánh răng, sau mỗi bữa ăn nên cho bé súc miệng bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước muối loãng để duy trì sức khỏe răng miệng.

3. Không nên chỉ ăn thức ăn mềm

Một vài bậc cha mẹ nghĩ rằng trong giai đoạn thay răng sữa, thức ăn được băm nhỏ, nấu chín mềm, nhừ là tốt cho con nhưng thực tế không phải vậy. Không những thế, chỉ ăn thức ăn mềm cũng ảnh hưởng đến sự phát triển hàm dưới của bé.

Vì vậy, khi bé bắt đầu bước vào độ tuổi thay răng, các bác sỹ khuyên bạn nên cho bé ăn các loại thực phẩm có nhiều chất xơ và có độ cứng nhất định như: thịt bò, cà rốt, ngô, cần tây… Làm như vậy sẽ kích thích quá trình thay răng, giúp răng vĩnh viễn mọc lên dễ dàng hơn, đồng thời cũng thúc đẩy quá trình phát triển của nướu răng, xương hàm và xương mặt.

6 điều cần đặc biệt chú ý khi con thay răng 2
Ảnh minh họa.

4. Ngăn ngừa một số thói quen xấu của bé


Trẻ nhỏ thường có một số thói quen không có lợi cho việc thay răng như: đá lưỡi, chạm tay vào phần lợi khi răng sữa đã rụng hoặc khi răng vĩnh viễn mới nhú lên; cắn đầu ngón tay hoặc bút chì… Bạn cần nhắc nhở để bé hạn chế và bỏ dần các thói quen xấu này để tránh làm biến dạng răng và ảnh hưởng đến quá trình thay răng .

5. Đặc biệt “bảo vệ” chiếc răng hàm đầu tiên

Khi bé được khoảng 6 tuổi, bạn cần đặc biệt chú ý bảo vệ chiếc răng hàm đầu tiên của răng vĩnh viễn. Bởi việc thay răng đã khiến lượng canxi trong cơ thể bị thiếu hụt, hơn nữa khả năng kháng axit chưa cao nên chiếc răng này tương đối yếu ớt và dễ bị sâu răng. Trong vòng một năm sau khi thay răng, nếu phát hiện chiếc răng này bị sâu hoặc có khe hở, bé cần được đưa đến bác sỹ nha khoa để điều trị kịp thời.

6. Hạn chế các lực tác động bên ngoài

Không chỉ giới hạn trong giai đoạn thay răng, việc bảo vệ và hạn chế các lực tác động bên ngoài để tránh nguy cơ tổn thương răng miệng cần phải được thực hiện trong suốt cuộc đời của mỗi người. Đối với độ tuổi nhi đồng, nếu chẳng may răng bị gãy, rụng do chịu tổn thương từ lực tác động bên ngoài, cần nhanh chóng tìm lại phần răng bị gãy, rửa sạch nếu bị bẩn rồi ngâm vào trong sữa tươi hoặc nước sạch. Sau đó ngay lập tức mang đến bệnh viện gần nhất thì có thể trồng lại chiếc răng đã gãy.



Việc cho bé ăn cơm quá muộn cũng khiến cho hàm răng của trẻ bị lệch, các mẹ đã biết điều này chưa?
6 điều cần đặc biệt chú ý khi con thay răng 3