"Trẻ con, đứa nào chẳng thích ăn ngọt" chắc hẳn là câu nói cửa miệng rất quen thuộc với nhiều ông bố bà mẹ. Chúng ta thản nhiên mua cho con sữa có đường, sữa chua dành cho trẻ em chứa đầy đường có vị dâu, vị vani, thản nhiên cho con uống nước hoa quả, nước ngọt, cho con ăn kẹo, bánh không kiểm soát. Đường thật ngọt ngào, nó làm thức ăn và đồ uống trở nên hấp dẫn hơn với trẻ nhưng nó cũng chính là thủ phạm gây nguy hại đến sức khỏe của con bạn hiện tại và sau này.

Không phải tất cả mọi loại đường đều không tốt. Các loại quả, rau củ chứa tinh bột (như khoai tây, khoai lang) và sữa đều chứa một lượng đường tự nhiên nhất định đi kèm với những chất dinh dưỡng quan trọng khác. Thật không may khi đây lại không phải là loại đường chính mà chúng ta cho con tiêu thụ hàng ngày.
6 sự thật về việc cho con ăn đường có thể bố mẹ chưa biết 1

6 sự thật về việc cho con ăn đường có thể bố mẹ chưa biết 2
Trong hình này, một viên đường được tính bằng một thìa cà phê đường, các loại hoa quả là đường tự nhiên, còn lại là đường phụ gia trong thực phẩm và đồ uống.

6 sự thật về đường mà bố mẹ có thể chưa biết

1. Hầu hết các thực phẩm tự nhiên đều chứa đường và khi cho con ăn các thực phẩm đó hàng ngày tức là cơ thể của con đã được nạp vào một lượng đường nhất định.

2. Đường phụ gia (Added Sugar) là đường được thêm vào những thức ăn hoặc đồ uống được chế biến sẵn hoặc là nguyên liệu để chuẩn bị các món ăn thức uống. Đường phụ gia trong chế biến có thể được ghi dưới dạng: đường trắng (phổ biến nhất), đường nâu, đường thô, xi-rô bắp (hay có trong sữa bột), xi rô ngô dạng rắn, fructose, mật ong, mật đường, dextrose khan, dextrose tinh thể và dextrin.

3. Theo hướng dẫn của hiệp hội tim mạch Mỹ (AHA), trẻ em từ 2-4 tuổi không nên tiêu thụ quá 4 thìa cà phê đường phụ gia một ngày - trẻ em từ 4-8 tuổi không nên tiêu thụ quá 3 thìa cà phê đường phụ gia mỗi ngày.

4. Đường phụ gia chủ yếu là đường trắng. Đây là loại tinh luyện, tất cả chất dinh dưỡng đã bị loại bỏ trong quá trình tinh chế . Đường trắng chỉ có năng lượng rỗng. Nó không chứa bất cứ vitamin, khoáng chất, enzim, chất béo hay chất xơ nào.

5. Những ảnh hưởng của đường tinh luyện lên sức khỏe của trẻ gồm có:

- Gây sâu răng: Thực phẩm chứa đường nuôi sống các vi khuẩn gây sâu răng.

- Gây những bất thường về hành vi: Mặc dù nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ đường không gây tăng động ở trẻ em, nhưng đường dường như có tác động mạnh mẽ lên hành vi của các con.

Đường tinh chế và carbohydrate thẩm thấu vào máu một cách nhanh chóng. Do đó, chúng gây ra những thay đổi nhanh chóng về  nồng độ đường trong máu. Điều này có thể làm cho trẻ trở nên nghịch ngợm hơn hoặc khó ngủ, hay cáu gắt hơn.

- Gây béo phì: Thực phẩm và đồ uống chứa đường chỉ chứa toàn năng lượng rỗng và không có thêm chất gì khác. Do đó trẻ em sẽ tăng cân nhanh khi nạp vào lượng calo nhiều hơn lượng calo chúng đã đốt cháy.

- Thiếu chất, lười ăn: Khi cho trẻ ăn nhiều các thực phẩm và đồ uống chứa đường cơ thể trẻ no bởi năng lượng rỗng do đó trẻ sẽ không muốn và không có đủ sức chứa để hấp thụ thêm các loại thức ăn bổ dưỡng và đầy đủ khoáng chất khác. Đường cũng cản trở việc hấp thu các loại Vitamin (A,C,B12), Canxi, Sắt....khiến cho trẻ bị thiếu chất, ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng nguy cơ  tiểu đường: Đường không gây ra bệnh tiểu đường, nhưng một chế độ ăn giàu đường có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 hoặc kháng insulin, một tình trạng tiền đái tháo đường.

- Tăng nguy cơ bệnh tim mạch. 

6 sự thật về việc cho con ăn đường có thể bố mẹ chưa biết 3
Vì sức khỏe của các con, bố mẹ hãy điều chỉnh lại chế độ ăn của các bé ngay từ bây giờ! 

Bí kíp giúp chế độ ăn của con lành mạnh hơn

- Hạn chế hoặc ngừng hẳn các loại sữa tươi và sữa chua có đường, chuyển sang sữa  tươi và sữa chua không đường.

- Hạn chế hoặc ngừng hẳn các loại đồ uống đóng sẵn, các loại đồ uống có ga, các loại nước hoa quả mua sẵn. Ưu tiên ăn hoa quả trực tiếp hơn là cho con uống nước hoa quả.

- Giới hạn hoặc cắt giảm số lượng bánh quy, bánh ngọt, kẹo và các thực phẩm chứa đường khác trong bữa phụ của trẻ. Ưu tiên những món tráng miệng có thành phần chín là hoa quả và rau xanh.

- Hạn chế sử dụng thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh ưu tiên nấu ăn tại nhà, sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên để tẩm ướp như nước ép táo, lê để ướp thịt hay giảm lượng đường xuống 1/3 khi làm bánh.

Có một thực tế tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới là trẻ em và cả người lớn đang tiêu thụ đường nhiều hơn mức cho phép và vì tác hại của đường thường không xuất hiện ngay lập tức mà để lại hậu quả về sau này nên chúng ta càng sử dụng nó một cách thiếu thận trọng.

Vì sức khỏe của các con, bố mẹ hãy điều chỉnh lại chế độ ăn của các bé ngay từ bây giờ!

 Bạn cứ nghĩ 4 thìa cà phê đường là nhiều lắm nhưng bạn có biết rằng: 

- 1 hộp sữa tươi có đường chứa từ 2-3 thìa cà phê đường. 

- 1 hộp sữa chua có đường chứa từ 3-4 thìa cà phê đường. Sữa chua với các vị chứa từ 4-5 thìa cà phê đường. 

- 1 chiếc bánh quy chứa xấp xỉ 1 thìa cà phê đường.

- 1 cốc nước quả hoặc sữa hoa quả, sữa có vị  (180ml) chứa 5-6 thìa cà phê đường.

- 1 đĩa tương cà để chấm chứa 1-1.5 thìa cà phê đường.

- 1 cái kẹo mút chứa 3-4 thìa cà phê đường.

- 1 lon sữa đặc chứa khoảng 55 thìa cà phê đường.

- 1 hộp kem 500g chứa khoảng 20-22 thìa cà phê đường.

- 1 lon nước có ga chứa 9 thìa cà phê đường.

(Lưu ý là đường ở đây là đường trắng)


(Nguồn: Tổng hợp từ Familyeducation và Rodalenews)