Đối với mỗi người làm cha mẹ, thật khó khăn khi phải thừa nhận rằng mình đang nuôi dạy con một cách sai lầm và khiến con trở thành một đứa trẻ "hư" trong mắt mọi người. Tuy nhiên thật may mắn, bạn vẫn sẽ còn thời gian để sửa chữa sai lầm của mình trước khi bé trở thành một "người lớn hư". Hãy bắt đầu ngay bằng việc xem xét 9 dấu hiệu dưới đây:
1. Con chế nhạo người khác
Nếu con bạn cười lớn khi xem một bức hình chế của bạn học, hoặc con cười khi đọc những bình luận mang tính mỉa mai, nhạo báng bất cứ ai trên mạng xã hội - đó là một dấu hiệu báo động. Đừng nghĩ rằng đó chỉ là chuyện trẻ con, bởi hành động này dẫn đến thói quen nhạo báng và mỉa mai, bắt nạt người khác trong tương lai.
2. Vô cảm với nỗi đau của người khác
Việc đồng cảm với nỗi đau của những người quanh mình - cả về thể chất và tinh thần - dường như là một chuyện tất yếu đối với mỗi chúng ta. Bởi vậy nếu bé của bạn nhìn thấy ai đó đang khóc hay đang đau đớn mà không hề tỏ ra mảy may quan tâm thì đó chính là một dấu hiệu rất xấu cho thấy bạn cần điều chỉnh cách nuôi dạy con của mình.
3. Từ chối mọi thứ mới
Thức ăn mới, ý tưởng mới, những người bạn mới... tất cả đều là một phần của cuộc sống. Trẻ có thể cảm thấy lo lắng, hồi hộp trước những thứ mới đó, nhưng không phải là thẳng thừng từ chối. Nếu con từ chối không chơi với một bạn mới ở trường, hãy nhìn nhận rằng con đang đóng những cánh cửa cơ hội tuyệt vời của bé và đây là một dấu hiệu không hề tốt đẹp đối với sự phát triển của con.
4. Phàn nàn nhiều
Việc phàn nàn, than thở về cuộc sống là điều thường thấy, tuy nhiên không vì thế mà nó trở thành chuyện bình thường. Việc con quá thường xuyên phàn nàn, than thở cho thấy sự thiếu tôn trọng của bé đối với mọi người xung quanh. Nếu bé phàn nàn về bữa tối, hãy nhắc bé rằng như vậy là rất thiếu lịch sự đối với người đã nấu ăn - ở đây chính là bà hoặc mẹ của bé. Và hẳn bạn không muốn khi tới nhà người khác ăn mà bé mắc phải lỗi này, đúng không? Hãy giúp con điều chỉnh thái độ sống ngay bạn nhé!
5. Không thể sống thiếu công nghệ
Đối với những trẻ không thể sống thiếu trò chơi điện tử, điện thoại thông minh hay các thiết bị điện tử khác, chúng không thích sự giao tiếp với những người xung quanh. Chúng cần hiểu rằng thế giới của những màn hình chỉ là một phần rất nhỏ của thế giới thực rộng lớn này, và nếu chúng không thể giao tiếp tốt thì sự thành công trong cuộc sống sau này sẽ là vô cùng xa vời. Bằng cách hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của con, bạn sẽ giúp chúng giao tiếp nhiều hơn, hoạt động thể chất lành mạnh hơn đấy!
6. Không tôn trọng các luật lệ chung
Nếu cô giáo của con ở trường trao đổi với bạn về việc con không thể giữ trật tự trong lớp, hoặc con cãi hỗn, to tiếng với bạn thì đây chính là lúc bạn cần dạy con rằng các luật lệ sinh ra là để được tuân theo, và nếu không tuân theo các luật lệ chung, con sẽ khó có thể tồn tại trong thế giới này.
7. Không biết xin lỗi
Ai cũng đều đã từng mắc lỗi - đó là điều không thể chối cãi. Tuy nhiên không phải ai cũng biết nhận lỗi và xin lỗi khi cần thiết. Nếu con bạn không thể chấp nhận được việc bé đã mắc lỗi và không biết xin lỗi khi làm điều sai, bạn cần giúp bé điều chỉnh thái độ cũng như học cách sửa sai mà không lún sâu thêm vào các sai lầm khác.
8. Thiếu linh hoạt
Các kế hoạch cũng như cuộc sống luôn thay đổi, và một phần của quá trình trưởng thành là việc học cách thích nghi với những sự thay đổi ấy. Nếu con bạn giận giữ, gào khóc vì trời mua bé không thể ra công viên chơi, hoặc bạn của bé không thể tới nhà chơi như đã hứa thì rõ ràng đây là dấu hiệu cho thấy bé cần được luyện tập nhiều hơn nữa để có được sự linh hoạt trong cuộc sống.
9. Chơi với những trẻ hư
Nếu bạn không ưa nổi bất kì người bạn nào của bé - hãy hiểu rằng chúng có thể là những hạt đậu trong cùng một hũ. Các phụ huynh khác có thể cũng cảm thấy điều tương tự về con của bạn, và đây chính là lúc bạn cần nhận ra không phải nhóm bạn của bé có vấn đề, mà chính là bản thân bé cũng có vấn đề cần được điều chỉnh đấy!