Để con vui vẻ chơi đùa

“Con vào nhà ngay. Chân tay, quần áo dính đầy bùn đất bẩn thỉu kìa. Con có biết con nghịch đất như thế bao nhiêu là giun sán sẽ chui hết vào bụng con không?”. Đó là những lời mà chị Hồng, mẹ của bé Bông 4 tuổi thường phát ra khi thấy con ra ngoài vườn trồng cây, nhổ cỏ cùng với ông.

Thực ra tiếp xúc, chơi đùa với thiên nhiên có tác động tích cực với hệ miễn dịch của trẻ. Trẻ được tận hưởng không khí trong lành, và hấp thụ được Vitamin D từ ánh sáng mặt trời, giúp bé khỏe mạnh, chống còi xương. Khi say mê các hoạt động ngoài trời bé sẽ có những trải nghiệm thực tế ngay từ nhỏ, khả năng cảm nhận thế giới xung quanh của trẻ phát triển và phong phú hơn. Bạn chỉ nên hạn chế bé ra ngoài vào lúc trời quá nóng hoặc quá lạnh, chỗ có gió lùa mạnh chứ không nên cách li con với thiên nhiên.

Tập cho con làm những việc nhỏ

15 tháng tuổi Bon đã được mẹ dạy cho cách xúc cơm ăn. Cứ đến bữa là mẹ lại chuẩn bị cho em một cái bát nhựa hoặc inox để tránh bị vỡ, một cái thìa và một chút cơm, để con ngồi ngay ngắn và tự xúc cơm ăn. Bà nhìn thấy thường trách mẹ Bon: “Bận rộn gì mà không xúc cơm cho con ăn, để cho nó nghịch thế, dây bẩn hết quần áo, nhà cửa”. Nhưng mẹ Bon vẫn kiên trì, chấp nhận những động tác gượng gạo và quần áo dấy bẩn của con ngày đầu tập ăn. Không những thế chị còn dạy con cách tự cất đồ chơi của mình sau khi chơi xong. Ban đầu có sự hướng dẫn, động viên và làm cùng của mẹ. Sau chị để cho con tự làm.
 

Lớn hơn chút nữa chị dạy con cách tự rửa tay trước khi ăn, giật nước sau khi đi vệ sinh, gấp chăn của mình sau khi ngủ dậy, tự gấp và cất quần áo của mình… Giờ dù con mới 4 tuổi chị hoàn toàn yên tâm khi cho con đi học và để con ở nhà với bố mỗi lần đi công tác. Các mẹ khác cũng học hỏi được rất nhiều từ cách dạy con của mẹ Bon: Thương con không có nghĩa phải cơm bưng nước rót. Dạy con cách tự làm những việc nhỏ từ bé sẽ giúp trẻ học được tính tự lập, ý thức lao động, mẹ nhàn mà con cũng ngoan hơn.

Con ngã, mẹ không nâng

Trong thời gian mới tập đi hoặc lúc chơi đùa, chạy nhảy, không tránh khỏi những lúc con bị vấp ngã. Khi ấy nếu thấy không nghiêm trọng, cha mẹ đừng vội đến nâng đỡ, nựng nịu con ngay. Hãy đứng từ xa và động viên con: “Bon của mẹ giỏi quá. Đứng lên đi con”, hoặc hướng dẫn con “đánh chừa” vào chỗ vừa bị ngã. Khi chân tay bé bị chầy xước, ba mẹ cũng không nên xuýt xoa làm cho bé quá chú ý vào vết thương mà trở nên nhõng nhẽo, khóc to và tỏ ra nghiêm trọng hơn. Ba mẹ nên hướng sự chú ý của con vào chỗ khác và xử lý nhanh vết thương cho con. Sau vài lần như thế trẻ sẽ tự đứng dậy sau khi ngã. Hãy nới lỏng vòng tay để con trưởng thành hơn.