Một phương pháp giáo dục trẻ em thông qua hình ảnh đã giúp một bé gái năm tuổi có được trí nhớ sắc nét, có thể ghi nhớ 500 hình ảnh khác nhau. Cô bé dược đào tạo những kỹ năng này để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá quốc gia thường niên NAPLAN dù 3 năm tới bé mới đủ tuổi dự thi.
Julia đọc thuộc lòng 500 hình ảnh đã được ghi nhớ.
Julia Rozenkova là một trong số ít những học viên của phương pháp giáo dục Shichida, một hình thức giáp dục trẻ nhỏ gây nhiều tranh cãi ở Nhật Bản, thường được áp dụng với trẻ em từ sáu tháng tuổi. Dù chưa đủ tuổi dự thi NAPLAN, cha mẹ bé vẫn bỏ ra 3,157 đô la mỗi năm để cho bé theo học phương pháp này. Gia sư của Julia cho biết, tại đây bé được dạy cách ghi nhớ nhiều đồ vật khác nhau, điều đó giúp ích cho bất cứ cuộc thi nào.
Trong một video được cha của Julia, ông Vladislav đăng tải trên internet, cô bé có thẻ phân biệt hàng trăm hình ảnh của nhiều đồ vật mà không hề suy nghĩ. Mỗi nhịp vỗ tay, bé lại đọc tên đồ vật như một bài hát. Bé chỉ bị nhắc một lần duy nhất ở mục 494, đôi tất.
Ông Vladislav Rozenkov, một nhà nghiên cứu y học đã cho Julia theo học chương trình này khi cô bé mới ba tuổi. Trả lời phỏng vấn báo Daily Mail Australia, ông cho biết: “Bé thích học hơn bất cứ việc gì. Chúng tôi rất hài lòng với sự tiến bộ của bé. Mỗi hai tuần, trung tâm đưa cho bé 50 hình ảnh đồ vật để ghi nhớ nhưng bé không cần bằng ấy thời gian”.
Ông cũng chia sẻ thêm: “Con bé chỉ cần đọc đi đọc lại vài lần là có thể ghi nhớ. Như vậy, chỉ cần vài ngày hay một tuần, bé đã có thể nhớ hết 50 hình ảnh. Bạn thấy đó, bé rất thoải mái khi đọc tên đồ vật và chẳng cần suy nghĩ. Trí nhớ của con bé giống như một chiếc máy ảnh vậy”.
Kể từ thời điểm video được đăng tải, Julia đã học thêm được 150 đồ vât nữa. Hiện tại, cô bé có thể phân biệt 650 đồ vật khác nhau. Nói về việc chuẩn bị cho kỳ thi, ông Rozenkov cho biết: “Julia chỉ mới năm tuổi nên vẫn còn một chặng đường dài để tiến đến kỳ thi NAPLAN. Chúng tôi chỉ mong bé có kết quả trên trung bình. Điều quan trọng nằm ở những gì bé học được mỗi ngày”.
Bên cạnh đó, Julia còn học tiếng Nga và piano. Cô bé có thể chơi toàn bộ bản nhạc sau khi đọc qua nhạc phổ vài lần mà không cần nhìn nốt nhạc. Giáo viên của trung tâm, cô Hanako chia sẻ: “Tuy phương pháp giáo dục thông qua hình ảnh sẽ phát huy hiệu quả tối ưu đối với trẻ từ 6 tháng đến ba tuổi, nhưng trên thực tế phương thức này có tác dụng với trẻ em bất cứ độ tuổi nào. Khi còn nhỏ, não phải của trẻ phát triển mạnh, giúp bé có khả năng ghi nhớ tuyệt vời bằng hình ảnh. Đó là kỹ năng chỉ não phải mới có thể thực hiện”.
Bên cạnh những đánh giá tích cực, nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản bác kịch liệt phương thức giáo dục trên. Họ cho rằng ép buộc trẻ ghi nhớ là điều không cần thiết, làm giảm khả năng học tập tự nhiên của trẻ. Giáo sư Micheal Nagel, chuyên gia nghiên cứu và lĩnh vực giáo dục sớm tại đại học Sunshin Coast cho hay không có bằng chứng nào cho thấy trí nhớ của trẻ được cải thiện trong giai đoạn trứng nước. Ông nói: “Có thể đây chỉ là một bé gái có khả năng ghi nhớ tốt bẩm sinh. Hơn nữa, việc ghi nhớ hình ảnh và đạt kết quả tốt trong kỳ thi NAPLAN dường như không mấy liên quan đến nhau”.
Bình luận về xu hướng ép buộc trẻ em học càng nhiều, càng sớm, càng tốt phổ biến trong giớ phụ huynh gần đây, ông cho biết: “Tất nhiên cha mẹ nào cũng muốn con trẻ có sự khởi đầu tốt nhất để gặt hái những thành công sau này, nhưng họ đã vô tình tước đi sự ngây ngô đầu đời của trẻ. Khả năng thành công của trẻ đâu phụ thuộc vào kết quả của một hai kỳ thi”.
Trung tâm giáo dục Shichida hiện có 4 cơ sở ở Australia và 30 cơ sở trên khắp Nhật Bản, từng gây ra nhiều tranh luận trong quá khứ. Nhiều chuyên gia cho rằng việc cha mẹ áp đặt tham vọng của bản thân vào trẻ nhỏ, khuyến khích trẻ cạnh tranh có thể hủy hoại trẻ. Trẻ phải chịu áp lực từ những kỳ vọng quá lớn trong khi trẻ còn quá nhỏ. Năm ngoái, trung tâm đã đưa ra phương thức đào tạo trẻ em sáu tháng tuổi có thể nói tiếng nước ngoài và nhận biết các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
(Nguồn: Daily Mail)