Biến việc đi mua hàng thành một chuyến đi chơi vui và bổ ích cho bé như thế nào? Dưới đây là những lời khuyên giúp bạn hoàn thành được nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi này.

Có ý kiến cho rằng đi mua sắm với trẻ nhỏ không hề đơn giản. Đặc biệt đi siêu thị lớn, nơi bạn phải mua nhiều đồ cho cả tuần. Nhưng nếu sáng tạo một chút bạn có thể biến việc mua hàng thành một trò chơi phát triển thực thụ. Bạn mua hàng, bé tìm hiểu và biết nhiều điều mới về thế giới xung quanh, luyện nói, làm giàu vốn từ hơn, biết một chút về kinh tế, luyện sự chú ý và trí nhớ. Bạn có tin không? Dưới đây xin giới thiệu "thời khóa biểu" cho năm môn học trong siêu thị.
 
Bài học về thiên nhiên

Trò chơi nào cũng có thể biến thành giờ học phát triển. Nhưng cần một điều kiện nhỏ: người mẹ phải nói chuyện nhiều với bé, hãy kể cho bé nghe về tất cả những gì bé thấy xung quanh mình. Ví dụ đi trong gian hàng rau quả, bạn kể cho bé nghe rau mọc ở đâu, trái cây mọc ở đâu, và chúng đã xuất hiện trong siêu thị như thế nào; tại sao một số thực phẩm thuộc nhóm thực vật, động vật; người ta chế biến sôcôla từ cái gì và từ hạt lúa mì làm thế nào để có được cái bánh ngọt.

Hãy chú ý tới bao bì. Chúng được làm từ gì? Thủy tinh, nhựa, giấy, các-tông, gỗ, giấy xốp, vải, sắt,... Đối với các em bé nhỏ chỉ nêu tên các đồ vật xung quanh cũng bổ ích rồi. Trong các siêu thị lớn bây giờ hầu như cái gì cũng có. Bạn hãy nghĩ mà xem những khả năng cho bé tập nói và phát triển vốn từ lớn như thế nào. Hãy suy nghĩ cùng bé, từ cây gì ta có được hạt gạo, hạt lúa mì, hạt bắp, hạt đậu,... Bột là gì? Mì sợi làm từ gì? Cháo ăn sẵn cho bé làm từ gì? Sữa tươi từ đâu mà có.

Bài học về toán

Siêu thị - một chỗ tuyệt vời, nơi có bao nhiêu thứ để đếm. Ví dụ, ra cho bé đề toán, đếm tất cả các nhân viên siêu thị bé thấy. Hoặc có bao nhiêu loại nước hoa quả trên các giá. "Các máy tính bé nhỏ" sẽ sẵn sàng làm những gì mẹ nói: chẳng hạn lấy 5 thanh sôcôla nhỏ, xếp vào giỏ 8 quả cà chua, 2 hộp sữa tươi và 3 hộp sữa chua. Hai với ba, vậy sẽ là bao nhiêu? Nải chuối này có bao nhiêu quả nhỉ? Bạn có thể nghĩ ra vô vàn bài toán kiểu như vậy cho bé.

Tất nhiên toán học không chỉ có đếm. Còn những khái niệm về hình khối và kích thước nữa. Ví dụ, cho bé so sánh hộp to và nhỏ. Hãy để cho bé nghĩ xem trong hộp nào nhiều nước trái cây hơn. Cho bé tự tìm các hộp nước trái cây giống nhau và khác nhau. Hãy gây sự chú ý cho bé: đồ lỏng đo bằng lít, mililít, đồ cứng đo bằng kilogam và gam. Trên các giá có bao nhiêu đồ được đóng gói với các hình khác nhau: hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật,...

Bạn đừng quên kiến thức về không gian: cái gì ở trên, cái gì nằm ở dưới? Bên phải gói bách bích quy là cái gì, bên trái gói bột là gì? Cái gì nằm giữa những hộp nước cam và đào? Gian hàng nào gần hơn, xa hơn?...
 

Bài học về phát triển ngôn ngữ

Trong siêu thị có một không gian mênh mông để học nói. Bạn có thể nghĩ ra nhiều trò chơi hữu ích. Ví dụ, nêu tên chủng loại hàng, sau đó hỏi bé những đồ nào thuộc chủng loại này. Bạn nói "thực phẩm sữa" và nói: "phomat", bé nói: "sữa chua". Tiếp theo là những thực phẩm sữa khác: váng sữa, yaourt, kem,... Tốt nhất mỗi lần nên cho bé nhắc lại những từ đã nói, sau đó mới nói từ mới. Trò chơi như vậy giúp phát triển tốt trí nhớ và sự chú ý của bé.

Ở quầy dầu ăn bạn có thể nêu tên loại dầu ăn, và hỏi bé: Nó được làm từ cây gì, hạt gì: dầu hướng dương, dầu ôliu, dầu bắp, dầu đậu nành, dầu mè, dầu mù tạt, dầu dừa, dầu lanh...

Tại quầy rau quả nên nhớ lại cái gì gọi là rau củ, cái gì gọi là trái cây. Mẹ cầm quả táo, bé nói: "trái cây". Mẹ chỉ củ cà rốt, bé nói: "củ". Nên nhớ cả màu sắc của rau củ và trái cây. Nhiều tên màu xuất phát từ tên rau quả: màu cam, màu canh, màu cà tím,... Thử xem bé có biết được các màu như: màu sôcôla, màu mận, màu quế, màu ôliu, màu nước biển. Bé sẽ dễ nhớ nếu bạn giải thích vì sao con người lại gọi các tên màu như thế.

Bài học về logic

Nếu bạn và bé thường chỉ đi mua sắm ở một siêu thị nhất định, hãy để cho bé tìm thử quầy nước hoa quả, quầy rau củ hoặc quầy bánh kẹo. Đó là sự luyện trí nhớ và cảm giác không gian tuyệt vời.

Trò chơi "tìm kiếm" phát triển sự chú ý của bé. Trong siêu thị hãy ra bài toán cho bé: tìm một bạn trai mặc quần xanh, hoặc bạn gái có đôi tóc tết. Nếu bé tìm thấy, nghĩ ngay cho bé nhiệm vụ khác. Điều quan trọng là đừng để bé bị lạc.

Luyện trí nhớ bằng trò chơi "mách bảo". Trước khi đi siêu thị hãy nói cho bé biết bạn cần mua những gì, dặn bé: "Con cố gắng nhớ nhé. Mẹ có thể quên, con nhắc mẹ". Dĩ nhiên, bé sẽ gắng nhớ lời bạn dặn. Bạn đã trao cho bé một "sứ mệnh" quan trọng như vậy cơ mà! Khi mua hàng, hãy giả vờ quên một vài thứ gì đó, hỏi bé xem bạn đã mua hết tất cả những gì cần chưa.

Nếu bạn cho bé ngồi vào xe mua hàng, nên đưa cho bé một quyển sách tranh hoặc tạp chí nào đó. Khi bạn bận lấy hàng, bé có thể xem tranh.

Bài học về kinh tế

Môn học này rất cần cho "chương trình học" trong siêu thị của chúng ta. Hơn nữa đây là một trong những phương pháp hiệu quả nhất tránh những nũng nịu và quấy nhiễu của bé. Bạn phải làm thế nào? Đơn giản là lôi kéo bé vào quá trình mua hàng. Khi tham gia vào công việc người lớn như vậy bé sẽ dễ quên chuyện bé có thể làm nũng, đòi hỏi và nghịch ngợm một chút.

Bạn hãy thử cùng bé lập danh sách những gì cần mua ở siêu thị. Sau đó, cắt hình những thứ đó từ những tờ quảng cáo, dán chúng vào tờ giấy trắng hoặc vào quyển sổ. Dán thì bé tuổi nào cũng làm được. Còn cắt chỉ nên cho bé từ 2,5 tuổi trở lên, bằng những chiếc kéo an toàn dành cho trẻ em.

Với tờ giấy có những hình vẽ dán sẵn bé sẽ giúp bạn tìm hàng trong siêu thị, bỏ vào giỏ. Bé sẽ tự hào vì cảm nhận được mẹ đã tin tưởng giao cho bé một việc đầy trách nhiệm như vậy. Đồng thời bé còn làm quen với những tên hàng khác nhau và lợi ích của chúng. Đứng xếp hàng, thay vào việc luôn miệng nhắc bé: "Đứng yên nào", "Đừng sờ vào", "Đừng loay hoay", tốt hơn bạn hãy đề nghị bé đọc giá của hàng hóa.

Nếu bé chưa biết đọc, lặp lại với bé các chữ cái và số. Bé lớn hơn thì giải thích ý nghĩa của các chữ số, hãy để cho bé so sánh, cái gì đắt hơn: ví dụ hộp sữa hay lon sữa chua. Cho bé tự mua bánh mì hoặc kem. Khi đã làm quen với tiền, bé sẽ học cách tự mua hàng nhanh. Hơn nữa, bé cũng sẽ được luyện cách giao tiếp.
 
Theo Mẹ&bé