Câu chuyện “nhồi vịt” và “sang chảnh”
Nhìn con cái bạn bè, đứa nào đứa nấy cũng vượt chuẩn trong khi nhìn thằng Khánh con mình "bé tin hin", chị Nhi (Quận 1, TP HCM) lo ngay ngáy. Nghe bạn bè mách, chị về ép con ăn như "nhồi vịt".
Mỗi bữa ăn là cả một cuộc chiến gay go của chị và bé Khánh (2 tuổi). Nghe tiếng khóc của cháu, tiếng hét của con dâu, từ tầng 4 ông bà nội lục đục kéo xuống, thấy ông bà không hài lòng, chị mới nức nở phân bua: “Bố mẹ cứ để kệ con, ép ăn thế mới béo được chứ ai đời 2 tuổi mà có 10kg bao giờ không cơ chứ”.
Gia đình chị bây giờ lúc nào cũng căng như dây đàn: chị thì ra sức nhồi nhét, bé Khánh thì chạy loạn nhà, gào khóc đòi chơi không chịu ăn, ông bà nội thì xót ruột cháu, chồng chị thì ngồi chống cằm nhìn hai mẹ con vật lộn.
Thấy các con “quá ác”, ông bà nội nằng nặc đòi về quê “không thể ở với bọn nó được, chúng có coi mình ra gì đâu. Làm thế này sẽ khiến thằng bé ‘đụt’ đi vì có một tuổi thơ thường xuyên bị ‘nhồi vịt".
Bố mẹ về quê, anh chị lại quay ra chê trách, mắng mỏ nhau. Nhà chị Nhi như cái chợ với tiếng gào của chị và tiếng khóc của cậu con.
Cũng vấn đề "ép" con ăn, cả dãy phố Hàng Bông ai cũng biết tiếng nhà anh Hoàng chị Thắm là “thừa tiền, sang chảnh”. Anh chị đều làm ở ngân hàng lớn, có lẽ bởi vậy nên tiền là biển.
"Nhồi vịt" hay "sang chảnh" đều là những điều mà bố mẹ cố làm để hoàng tử,
công chúa của mình ăn được hết bát cháo, để lớn bằng bạn bằng bè (Ảnh minh họa)
Anh chị lại sinh ra đúng cô tiểu thư nhõng nhẽo, khó chiều, bé nhất quyết không chịu ăn cơm ở nhà mà phải ngồi trên ô tô rong ruổi khắp phố bé mới chịu ăn.
Thế là nếu anh chị có nhà thì không nói làm gì, cứ thế mà thay phiên nhau thành ca, đến ca của ai thì người đó đánh xe đưa con đi một vòng với cô giúp việc.
Những lúc anh chị bận đi làm thì cô giúp việc cứ thế mà tự động lấy tiền để trên bàn để vẫy taxi. Những hôm trời mưa to gió lớn, chẳng có chiếc taxi nào thì cô bé nhất định không thèm ăn lấy một miếng, nghe chị giúp việc gọi điện, dù mưa to nhưng xót con, anh chị lại phân công nhau về đưa rước tiểu thư đi dạo.
Nhiều khi mệt mỏi lắm nhưng cứ nghĩ đến cảnh, con cái bạn bè đứa nào cũng lớn đùng, phổng phao trong khi con mình thì còi dí dị, anh chị lại bấm bụng: “Thà mệt tí còn hơn bị bọn bạn cười chê, giàu mà không biết chăm con”.
Dạy con ăn ngoan không khó
Theo ý kiến chuyên gia, cho bé ăn như vậy là hoàn toàn chưa ổn. Thay vì mẹ gầm gừ, nhồi con như nhồi vịt, con gào khóc từ chối, cha mẹ hãy tạo cho trẻ một nề nếp ăn uống nghiêm túc, văn minh nhưng vẫn vui vẻ. Phương pháp đó đơn giản có khi chỉ là một câu mời mọc “A nào, bé ngoan” hay phải ngồi yên tại bàn tuyệt đối không đi rong.
Bố mẹ cần kiên nhẫn với bé nơi bàn ăn bởi đỏng đảnh, kén cá chọn canh là "bệnh" cố hữu của cái tuổi bé bỏng này. Bạn có thể chèn vào bữa ăn là một loạt câu chuyện để khích lệ bé ăn hết.
Ví dụ như trên diễn đàn, mẹ Thùy Chi (Quận 3, TP HCM) chia sẻ: cứ đến bữa ăn, chị lại kể cho bé nghe một câu chuyện về hoàng tử và công chúa.
Đại loại là công chúa ăn no quá nên ngủ quên, chàng hoàng tử không tài nào gọi nàng dậy được. Giờ chỉ trông chờ vào mỗi Cún (3 tuổi), Cún phải chén sạch bát thức ăn này thì công chúa mới bớt no và… tỉnh.
Câu chuyện tuy đơn giản vậy thôi mà hiệu quả với Cún vô cùng, bữa nào bé cũng ăn sạch sành sanh bát cháo mà mẹ không hề vất vả.
Hay như mẹ bé Ca, chị Huyền Anh (Lê Văn Hưu, Hà Nội) chia sẻ, bé đã 4 tuổi, ăn cơm với gia đình nhưng bé vẫn chưa thực sự tự giác ăn. Kể từ khi chị thay đổi mầu sắc của thức ăn trong bát của bé: thức ăn mang hình dáng hoa lá, chim chóc, con giống thế là bé ăn... như bắt được.
Tuy nhiên, nếu thử rất nhiều chiêu thức mà bé vẫn nói "ứ" với đồ ăn, lúc này bạn cần cứng rắn cho bé… nhịn tới khi bé đói và đòi ăn. Bạn hãy tập thói quen kiên trì với đường lối "chỉ cho con ăn khi đói" nhất định bạn sẽ nhận thấy thái độ "chiến" thức ăn của bé được cải thiện rõ rệt.
Bố mẹ nên coi bữa ăn là một cơ hội để trò chuyện cùng con. Có nhiều bà mẹ vừa cho con ăn, vừa tỉ tê vài câu chuyện thế là bé ăn xong lúc nào không biết mà không hề cự nự.
Một cách cho trẻ thích ăn mà chị Ngọc Hà (Lãn Ông, Hà Nội) chia sẻ đó là, khi cho bé ăn, chị chuẩn bị sẵn một vài loại rau củ quả, thậm chí xúc ra một bát cháo con con để bé vầy. Nhược điểm của cách này đó là nhà sẽ bừa nhưng bé lại rất hứng thú. Theo chị, đây là phương pháp cho bé ăn và trải nghiệm với tất cả các giác quan.
Bố mẹ có thể cho bé được ngồi cùng bàn ăn với người lớn, khi được ăn chung, thấy mọi người hào hứng, bé sẽ thấy bữa ăn đầy hứng thú và ngon miệng hơn.
Hẳn là đã không ít lần, bạn phải trổ đủ "ngón nghề" mới dụ bé ăn nổi vài thìa cháo?
Có rất nhiều cách có thể làm bé hứng thú hơn với chuyện ăn uống mà bạn chưa biết.