Tuy mới bước sang tháng thứ 22, bé Soju đã có thể hát được rất nhiều bài hát, bài đồng dao, vè, thơ. Nhà anh chị luôn đầy ắp tiếng cười bởi những câu nói lúc hồn nhiên lúc lại như bà cụ non của bé Soju.

Hạnh phúc khi con gọi: "Mệ"
 
Chào Thùy Dương, được biết bé nhà bạn đã bập bẹ gọi ba mẹ từ tháng thứ 5?
 
Đúng vậy, trộm vía bé nhà mình biết gọi bố gọi mẹ sớm lắm. Bé gọi “mệ ơi” chứ lúc đó chưa gọi mẹ được đâu (cười).
 
Mình không biết diễn tả cảm giác đó thế nào nữa. Lúc ấy, mình thấy lâng lâng khó tả, hạnh phúc vô bờ bến. Ngày đầu tiên con cất tiếng gọi "mệ ơi" cái miệng xinh xinh thật đáng yêu. Cho đến bây giờ dù con đã nói được bô lô ba la biết bao cái rồi nhưng mình vẫn thấy tiếng gọi “mệ ơi” lúc đó đáng yêu nhất.
 
Dù vợ chồng mình có mệt mỏi tới đâu nhưng cứ khi về đến nhà, nghe thấy giọng của Soju thì mọi ưu phiền đều tan biến.
 
Thế rồi ngày đó đã đến khi bé được gần 7 tháng, chồng mình vô cùng xúc động và thấy thực sự hạnh phúc, tự hào khi nghe bé gọi: “Bố Ánh ơi”.
 
Cái cảm giác lần đầu tiên bé gọi “Bố Ánh ơi!” nghe sao mà tình cảm, đáng yêu thế, tự hào và hạnh phúc đến thế. Mình cũng không biết phải diễn tả thế nào. 

Chồng mình bảo: “Có lẽ cũng không có từ ngữ nào có thể đủ để diễn tả hết được cảm xúc dâng trào, lâng lâng khi con cất tiếng gọi: “Bố Ánh ơi!”. Lạ lắm…! Mà chắc chỉ có những người làm cha, làm mẹ khi nghe con gọi mới hiểu được thôi". 

Bí quyết dạy con biết nói từ tháng thứ... 7

Bây giờ mỗi sáng đi làm con đều chạy ra đòi theo và cất tiếng chào: "Bye bye bố Ánh". Ngày hôm đó, chồng mình còn tâm sự rằng: "Thấy công việc của mình đều may mắn và thuận lợi đến lạ kỳ".
 
Khi sinh bé, vợ chồng mình rất mong nghe được những tiếng gọi mẹ, gọi bố đầu tiên và từ đó mình luôn cố gắng hướng dẫn để bé mau nói. Thêm vào đó, bố mình bảo rằng, hồi còn nhỏ mình biết nói rất sớm nên có lẽ bé cũng “bắt chước” mẹ (cười).
 
"Phụ đề" để con biết nói sớm hơn

Vậy Dương đã có bí quyết gì?
 
Theo mình, bé đã có thể cảm nhận được những cử chỉ yêu thương và những lời trìu mến của mẹ ngay từ khi còn trong bào thai. Vì thế, ngay từ khi bé đang nằm ngoan ngoãn trong bụng mẹ, vợ chồng mình đã năng trò chuyện với bé. Sau khi Soju chào đời, mình cũng không quên nhiệm vụ đó.  
 
Ngay từ khi bé biết “ê a” lần đầu, mình rất hay bắt chuyện với con bằng niềm thích thú. Mình luôn trao đổi lại những âm thanh ngọt ngào mà bé vừa tạo ra. Bên cạnh đó, mình cũng hỏi lại và bé cũng rất “mau miệng” đáp lời mẹ. Bất cứ hành động nào của con, mình cũng đều “phụ đề” lại hết.
 
Ví dụ, khi tắm cho bé, mình vừa xoa sữa tắm lên người con vừa nói: “Kỳ cọ cái chân này, rửa tay này, nách thúi đâu?”.

Rồi những lúc cho ăn mình cũng hay trêu bé như: “Miệng xinh nào, ‘ầm’ một miếng nhé”.
 
Khi còn bé xíu, bé hay thể hiện ý muốn của mình qua vài từ ê a và mình luôn khuyến khích bé nói. Ví dụ, bé chỉ tay về hướng quả bóng, mình đáp lại con rằng: “À, Soju muốn bóng đúng không, ạ mẹ đi, mẹ cho bóng nào”.

Bí quyết dạy con biết nói từ tháng thứ... 7

Từ việc kể cho bé nghe chuyện mẹ đang thay tã đến việc để bé biết những bước chân vội vã của mẹ là vì đang chuẩn bị bữa ăn cho bé… Mình luôn “công khai” những hành động của mình với bé như thế, điều này tuy nhỏ nhưng tạo ra hiệu quả lớn, giúp bé hiểu được những gì mẹ nói ra và những gì mẹ đang làm. 

Bố mẹ và Soju ngầm hiểu với nhau rằng giao tiếp là cho đi và nhận lại... Bé nhà mình được cái rất hay để ý, ban đầu mình hát cho con nghe những bài đơn giản, bé để ý miệng mẹ và cũng bập bẹ phát âm theo.
 
Ví dụ bài hát Cháu đi mẫu giáo, mình hát 1 câu: Cháu lên 3, thì con hát tiếp cháu đi mẫu giáo nhé, mẹ hát Cô yêu cháu vì... con lại hát tiếp: cháu không khóc nhè nhé. Thế là, bài gì cũng vậy, hai mẹ con mình đều song ca. 
 
Mình rất hay hát cho con nghe lặp đi lặp lại 1 bài hát trong vài ngày. Với mình, điều này sẽ khiến bé quen tai với bài hát đó hơn. Soju nhà mình quan tâm đến sách sớm hơn vợ chồng mình tưởng. Mình mua rất nhiều truyện cổ tích dạng tranh về kể cho con nghe mỗi tối.
 
Thế nên chỉ sau vài tháng, bé nhà mình đã tự kể lại cho cả nhà nghe rồi. Rồi có lần bố bị ngắc ngứ khi đang hát dở bài nu na nu nống, thế là Soju ra “cứu trợ” bố luôn. 
 
Mình nghĩ mỗi ngày dành thời gian kể chuyện cho bé, bé sẽ dần dần xây dựng được một “ngân hàng” từ vựng, mỗi ngày một ít, mỗi ngày một ít.
 
Bí quyết dạy con biết nói từ tháng thứ... 7

Nhiều người nói cho con xem tivi nhiều là chậm nói. Dương nghĩ sao về vấn đề này?
 
Mình không khuyến khích Soju xem và dường như bé cũng không thích xem tivi. Mình nghĩ, để bé nói sớm thì cần phải có người thân giao tiếp chứ truyền hình không thể thay thế được.
 
Bởi khi bé xem truyền hình nhiều thì sẽ chỉ có thông tin một chiều. Có thể trẻ vẫn nghe hiểu tốt nhưng không có phản xạ ngược lại và lâu dần sẽ làm chậm nói. Mình nghĩ đó ý kiến đó không phải là không có cơ sở. 
 
Khi bé phát âm chưa chuẩn, mẹ Dương làm gì?
 
Hồi trước, bé Soju thi thoảng phát âm chưa chuẩn như “con chó” thành “con tó”. Những lúc ý, mình thấy buồn cười ghê lắm. Trước tiên mình chỉ cho bé cách phát âm đúng: nhìn miệng của mẹ khi phát âm.
 
Rồi kết hợp với chỉnh và nhắc là biện pháp thưởng, phạt. Khi bé chỉnh thành công, mình sẽ khen ngợi, âu yếm, phạt là mình sẽ giả vờ không nghe thấy bé nói gì và khuyến khích bé nhắc lại. 

Cảm ơn Thùy Dương đã chia sẻ với các mẹ một bí quyết hay. Chúc bé Soju hay ăn chóng lớn!

Các mẹ cùng xem clip bé Soju đọc thơ nhé!




Cu Đất khi 1 tuổi đã nói được nhiều từ đơn và từ đôi. Đến 13 tháng thì gọi tên, chỉ tên đồ vật xung quanh một cách khá rành rọt. Các mẹ có muốn tham khảo thêm bí quyết dạy con nhanh biết nói của mẹ cu Đất không?

Bí quyết dạy con biết nói từ tháng thứ... 7