Không chỉ trẻ có tiền sử bệnh lý mới bị biến chứng nặng đe dọa tính mạng, dịch sởi đang có những diễn biến bất thường, gây viêm phổi nhanh chóng ở trẻ khỏe mạnh. Hiện đã có một bệnh nhi tử vong vì hội chứng suy hô hấp do vi rút sởi gây ra.

Vừa qua, tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 2 ca sởi nhập viện với hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, trong đó 1 trẻ đã tử vong. Trường hợp còn lại vẫn đang được thở máy trong tình trạng có viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), điều đáng ngại là cả hai ca bệnh này đều bị viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển rất nhanh, khác hoàn toàn với diễn biến sởi thông thường.

Cảnh báo: Bệnh sởi xuất hiện nhiều biến chứng bất thường 1
Dịch sởi đang có những diễn biến bất thường, gây viêm phổi nhanh chóng ở trẻ khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)

Bình thường, biến chứng viêm phổi xảy ra do vi rút sởi gây suy giảm miễn dịch khiến trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn. Còn hai bệnh nhân này, diễn biến viêm phổi rất nhanh. Tại thời điểm nhập viện bệnh nhân sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp rồi nhanh chóng tiến triển thành viêm phổi. Chỉ sau vài giờ đồng hồ phổi đã trắng xóa, tim to, gan to… là những biểu hiện rất điển hình của tình trạng suy hô hấp cấp tính tiến triển. Dù được đặt máy thở nhưng trẻ hầu như không có đáp ứng. Một trẻ đã tử vong hôm 15/2, trẻ còn lại hiện vẫn đang trong tình trạng phải thở máy -  PGS Dũng cho biết.

Bệnh sởi tuy lành tính, nhưng biến chứng của sởi gây ra cũng rất nguy hiểm, đặc biệt, với những trẻ cơ địa yếu, trẻ suy dinh dưỡng, đẻ non, mắc bệnh lý kèm theo. Trong khi đó, thời điểm này, dịch sởi lại đang có nhiều diễn biến bất thường với một số ca bệnh bị viêm phổi nhanh chóng do vi rút sởi.

Cảnh báo: Bệnh sởi xuất hiện nhiều biến chứng bất thường 2
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, 100% trẻ mắc sởi trong đợt này đều chưa tiêm vắc xin phòng sởi. (Ảnh minh họa)

Theo điều tra, dịch đang xảy ra nguyên nhân chính là do các bà mẹ chủ quan không cho con tiêm phòng đầy đủ, bỏ qua mũi thứ hai hoặc không cho trẻ đi tiêm phòng vì lo lắng tai biến của vắc xin. Dù mạng lưới tiêm chủng hoạt động tốt cũng chỉ đảm bảo 90%, 10% còn lại là những đối tượng lúc nào cũng có nguy cơ mắc sởi. Con số này tích tụ lại, hình thành một “lỗ hổng miễn dịch” khiến số người không có miễn dịch trong cộng đồng lớn, càng có nguy cơ mắc sởi.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, đến nay trong tổng số bệnh nhân sởi được ghi nhận trên toàn quốc, có đến 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng. Riêng tại Hà Nội, thống kê cũng cho thấy, 100% trẻ mắc sởi trong đợt này đều chưa tiêm vắc xin phòng sởi.