Hơn thế, con thường xuyên bị chảy nước mắt quá nhiều. Đưa con đi khám, mẹ Gia Huy mới biết con bị tật cận thị giả. Hóa ra, hàng ngày đi học về, trong lúc mẹ nấu cơm, Huy lại xem phim hoạt hình trên tivi hay chơi game trên máy tính của bố. Tối nào, hai bố con Huy cũng rúc rích vì chơi mấy trò chơi ở trên điện thoại Iphone 4. Vì thế, cơ mắt của Gia Huy luôn ở tình trạng quá căng thẳng khi luôn phải tập trung vào một diện tích quả nhỏ của màn hình điện tử. Điều đó khiến con bị tật cận thị giả chứ chưa bị tật cận thị thật.

Nghe bác sỹ giải thích mẹ Gia Huy mới hiểu rõ tật cận thị giả là cận thị có tính công năng xảy ra do thói quen sử dụng mắt không đúng quy tắc. Ví dụ như đọc sách quá lâu, chơi máy tính quá nhiều, viết và đọc khi ánh sáng quá yếu, vừa đi đường vừa đọc sách, đọc sách hoặc chơi điện tử trên tàu, xe, có tư thế ngồi đọc và viết không đúng… khiến cho cơ mắt ở trạng thái điều tiết quá căng thẳng.

Điều nguy hiểm nhất là hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều bé bị tật cận thị giả này. Và các bố mẹ chưa hiểu rõ về tật cận thị này để phòng tránh cho con.

Mẹ Bim cũng than thở trên một diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh: “Con tôi kêu không nhìn rõ chữ trên bảng nên tôi đưa cháu đi khám tại một cửa hàng gần nhà, có đề biển là “kính thuốc”. Sau khi đo mắt xong, một nhân viên tại đây nói con tôi bị cận 0,75 độ và tư vấn tôi mua kính cho cháu. Từ khi đeo kính, độ cận thị của mắt con tôi không ngừng tăng lên. Mấy tháng sau, tôi đưa con đến Viện mắt Trung ương khám lại thì được bác sỹ ở đây cho biết trước đây con tôi vốn  không bị cận thị nhưng do đeo kính cận lâu ngày đã bị cận thị thật”.

Đề phòng cận thị giả thành cận thị thật

Bố mẹ nên biết khi đo kính cho trẻ cận thị, loạn thị thì việc nhỏ thuốc điều tiết mắt để kiểm tra là bắt buộc. Nhưng thực tế hầu hết các cơ sở khám mắt tư nhân đều bỏ qua công đoạn này vì sợ mất thời gian. Do không làm đúng quy trình nên kết quả kiểm tra không chính xác.
 
Đừng để cận thị giả thành cận thị thật (Ảnh minh họa)
 
Khi thấy con mình có biểu hiện mắt nhìn không bình thường, các bậc cha mẹ nên cho con đến cơ sở y tế có uy tín đo khám. Bố mẹ cũng lưu ý không nên đưa con đi khám ở các phòng khám tư nhân không đảm bảo chuyên khoa về mắt. Vì khi nghe những biểu hiện, triệu chứng như trên, con có thể “bị” đeo kính cận thị. Và lúc này, chuyện giả cũng thành thật, con sẽ bị cận thị thật.
 
Khi các bé đã bị mắc tật cận thị giả này, bố mẹ hãy đưa con đi tới bác sỹ để được tư vấn và có phương pháp điều trị kịp thời. Nếu để lâu mới chữa tật cận thị giả này, tình trạng của mắt càng căng thẳng hơn, phần trong của mắt và nhãn cầu sẽ biến đổi, biến thành cận thị thật.  Đối với trẻ không bị cận mà vẫn phải đeo kính khiến thị lực không tăng, gây nhức mắt, mỏi mắt, dần dần mất thị giác 2 mắt, dẫn đến bị cận thị nặng, bong võng mạc, thậm chí sẽ bị mù. Do đó khi khám thị lực cho trẻ nên  thận trọng, chẩn đoán đúng tật khúc xạ.

Để tránh bệnh cận thị giả, bố mẹ cần chỉnh sửa cho con những thói quen xấu hàng ngày, tập cho con thói quen buổi sáng nhìn cây xanh để cho mắt được thư giãn thoải mái. Luôn cho con tập đọc, tập viết, học tập với tư thế ngồi đúng, khoảng cách giữa mắt và sách vở từ 30cm trở lên. Cứ sau hai tiếng ngồi học, bố mẹ nên cho con nghỉ ngơi thư giãn để mắt không còn bị căng thẳng. Không nên cho con xem tivi, xem phim hoạt hình, chơi game trên máy tính và điện thoại di động quá nhiều.