Những tai nạn bỏng thương tâm ở trẻ do cha mẹ chủ quan

Đi cùng thang máy ở viện Bỏng Quốc gia với chúng tôi là chị Dỉnh - một bà mẹ trẻ đang bế đứa con bé xíu gầy yếu trên tay. Dễ nhận ra toàn bộ thân, tay và chân của bé đang bị quấn băng trắng xóa. 

Nhìn nét mặt u buồn của chị, ai hỏi chị cũng chỉ lẩm bẩm, lắc đầu: “Tất cả là do người lớn, tất cả là do mẹ hại con”. Chị Dỉnh vừa kể về tai nạn bỏng của con, vừa khóc vì quá hối hận, chỉ vì một chút bất cẩn của mình mà làm con khổ.

Cha mẹ bất cẩn: Con "đối mặt" với tử thần do bị bỏng 1
Tại viện bỏng Quốc gia, có rất nhiều bệnh nhân bỏng là các em nhỏ.

Bình thường chị là người rất cẩn thận, làm gì dù bận rộn tới đâu, chị cũng trông chừng để ý tới con. Thế nhưng không hiểu trời xui đất khiến thế nào, hôm đó chị vừa quay ra đổ nước sôi vào chậu chuẩn bị tắm cho con, chị quên bẵng luôn việc này và chuyển sang làm việc khác. Một lát sau nghe thấy tiếng con thét to trong phòng, chị chạy sấp ngửa vào thì thấy con vật vã khóc lóc kêu đau đớn trong tình trạng cả người, chân, tay ngập trong chậu nước sôi mà chị vừa đổ ra.

Xót xa, chị chạy như bay vào nâng con lên thì thấy hai ống tay áo, ống quần, quần áo của con nóng bỏng, làn khói của hơi nước bốc ra. Khi bỏ áo của con ra thì da tay con đã hoàn toàn bị trợt, lột ra một lớp.

Vết bỏng ngày càng phồng rộp lên thành bóng nước lớn ở toàn thân, lo lắng chị cùng gia đình đưa con ngay vào Viện Bỏng Quốc gia. Do bị ngâm trong chậu nước nóng nên vết bỏng của con chị khá sâu và phải nằm viện điều trị dài ngày. 

Cha mẹ bất cẩn: Con "đối mặt" với tử thần do bị bỏng 2
Chỉ vì một chút bất cẩn của người lớn, bé T bị bỏng 60% do ngã vào nồi cám lợn.

Cũng là một trường hợp bị bỏng do sự bất cẩn của các bậc phụ huynh mà chúng tôi gặp tại viện bỏng Quốc gia, đó là trường hợp bé T. (Bắc Giang) bị bỏng lên đến 60% cơ thể. Chị Thu - mẹ của bé T.  vừa khóc, vừa kể: “Bố mẹ bận việc ngoài đồng áng, cháu T. ở nhà với bà ngoại trông. Bà vừa nấu xong nồi cám lợn, quay ra quay vào thế nào mà cháu T. nghịch, ngã ngay vào đó”. 

Giờ đây, nhìn con nằm băng bó trên giường bệnh mà chị không cầm được nước mắt. Dù đã điều trị 2 ngày trong viện nhưng T vẫn còn rất đau, bé khóc lóc thảm thiết khiến ai đi ngang qua cũng phải ái ngại. Tại đây, bác sĩ nhận định cháu bé bị bỏng sâu vùng tay, mặt và ngực. Phạm vi vùng bỏng rộng và sâu nên cháu T. cũng là một trong những trường hợp cần phải điều trị lâu dài và có thể để lại di chứng.

Còn nhớ trước đây vụ việc bé Thảo 17 tháng tuổi bị bỏng khiến cả huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An không khỏi rùng mình. Bé đã phải chiến đấu chống lại tử thần từng giờ khi bị bỏng đến 70% cơ thể. 

Trong lúc sơ ý, cả nhà đang ăn lẩu thì bé Thảo bị ngã ngay vào nồi lẩu to đang sôi, bé bị nước lẩu bắn vào người gây bỏng toàn bộ phần ngực, bụng và đùi bên trái, hai tay.

Bé Thảo khi được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia, toàn bộ cơ thể của em bị bỏng nặng. Ngay khi tiếp nhận bé Thảo, các bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia đã lập tức sử dụng các phương pháp điều trị tích cực, đồng thời tiến hành khẩn cấp cuộc phẫu thuật cấy ghép da ở đôi bàn chân, nơi gặp những vết bỏng nặng, sâu nhất đang trong quá trình bị hoại tử. Các bác sĩ nhận định, khi tiếp nhận cháu bé, cơ hội sống khi ấy rất mong manh. Thế nhưng may mắn đã mỉm cười khi bé vượt qua lưỡi hái tử thần trong gang tấc.

Cha mẹ bất cẩn: Con "đối mặt" với tử thần do bị bỏng 3
Em bé này sau một thời gian điều trị bỏng thì di chứng để lại là nguyên phần cằm kéo dài xuống đến vùng ngực và một phần bắp tay biến thành vùng sẹo lồi. 

Trong số những trường hợp bị bỏng nặng đang nằm điều trị ở Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba, nhắc tới bé Trọng Đại 4 tuổi thì các bác sĩ ở khoa Chấn thương chỉnh hình không khỏi xót xa.
 
Khi bé Đại nhập viện, từng ngày đến thăm khám cho cháu, nhìn cháu thở từng hơi yếu ớt, sắc mặt cháu xanh rớt vì sợ hãi sau giây phút bị cả nồi cháo đang sôi đổ thẳng vào người và những cơn đau do vết thương đang hành hạ tấm thân bé nhỏ. 

Mẹ bé kể lại: "Hôm đó, tôi bê nồi cháo ra mà chẳng để ý con nhỏ đang đứng ngay cạnh mình, tôi bước đi và bị vấp và thế là..."

Các bác sĩ cho biết, ngày nào bé cũng khóc trong đau đớn, kêu gào: “Mẹ ơi, bố ơi, con đau quá!”. Do phần ngực, bụng, lưng, hai đùi, và cánh tay của bé bị bỏng thành nhiều vết loang lổ, nặng nhất là phần bụng dưới của bé xuất hiện nhiều bọng nước to. Nhìn những tấm da mỏng manh, yếu ớt của bé đang bị sưng phồng lên và có dấu hiệu bong tróc khiến các bác sĩ đang điều trị cho bé và những người chung phòng bệnh không khỏi nghẹn ngào

Ngồi trực bên chiếc giường bệnh, nơi đứa con thơ dại đang nằm điều trị mà nước mắt bố mẹ bé cứ chảy dài, nhất là mỗi khi bé khóc và kêu đau thì hai vợ chồng cũng chỉ biết cầm tay con mà vỗ về cho cháu bớt đi sợ hãi. 

Theo lời mẹ bé, từ hôm nhập viện đến giờ, bé Đại sốt cao và không ăn được gì, mỗi ngày bé chỉ uống được mấy hộp sữa. Thương con lắm, nhưng anh chị cũng không biết làm gì hơn. Khi đưa con vào viện, chị mới thấy hết được sự nguy hiểm khi để trẻ bỏng, nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách thì tử thần có thể cướp mất con chị bất cứ khi nào nếu vết bỏng kia bị nhiễm trùng.

Cha mẹ bất cẩn: Con "đối mặt" với tử thần do bị bỏng 4
Nhìn nụ cười này không ai nghĩ rằng cách đây không lâu, bé đã phải chống chọi lại với tử thần để giành lấy sự sống cho mình

Cũng chỉ vì sự vô tâm của cha mẹ mà giờ đây bé Phương Linh (6 tuổi, tỉnh Lào Cai) phải băng kín từ đầu đến chân, chỉ trừ đôi mắt, bé khóc liên hồi vì đau đớn, ngứa ngáy, khó chịu. Mấy ngày trước bé đến nhà chú dì chơi do chạy nhảy vô tình đá vào lọ cồn trong khi nhà dì đang nướng mực.

Lửa bốc cháy, cháu bị bỏng hơn 50%. Hiện cháu Linh đã được phẫu thuật, ghép da nhưng vết thương sâu, phủ khắp người, phải điều trị lâu dài. 

Phòng tránh và cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng

Theo số liệu thống kê của Viện bỏng Quốc gia thì cứ trong 100 nạn nhân bỏng có từ 40 đến 65 là trẻ em. Trong 100 trẻ em bị bỏng thì có từ 50 đến 60 là nằm trong độ tuổi từ 1 đến 3. Và những tác nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là do bỏng nước sôi (phích nước nóng, ấm nước nóng nồi cơm điện), bỏng do thức ăn (canh nóng, cháo nóng) và phần còn lại là bỏng do lửa, hóa chất và điện. 

Lý giải cho những nguyên nhân khiến trẻ em là đối tượng dễ bị bỏng nhất, bác sĩ Lê Đức Mẫn (chủ nhiệm khoa Nhi – Viện Bỏng Quốc gia) cho rằng, đa phần trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn

Trẻ nhỏ là những đối tượng vô cùng hiếu động, nghịch ngợm, tò mò lại chưa ý thức được sự nguy hiểm nên càng có nguy cơ bị bỏng cao. Bác sĩ nhận định, bỏng trẻ em rất nguy hiểm, bởi không chỉ gây đau đớn, trẻ bị bỏng có tỷ lệ tử vong rất cao. Chỉ cần bỏng 3% (diện tích bằng vài ngón tay), nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng và dẫn đến tử vong. Và thực tế đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bác sĩ khuyên bậc phụ huynh nên có những biện pháp nhất định để tránh tối đa những tai nạn về bỏng mà trẻ không may gặp phải. 

- Khi bé hiểu được lời người lớn nói, cha mẹ hãy cung cấp kiến thức cụ thể giúp bé hiểu về mức độ nguy hiểm gây nóng và bỏng.

- Bậc phụ huynh cần thiết kế, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà sao cho phải giữ các nguồn nhiệt như nến, bếp lò, máy sấy tóc, phích nước nóng, bàn là ra khỏi tầm với của con trẻ.

Cha mẹ bất cẩn: Con "đối mặt" với tử thần do bị bỏng 5
Bác sĩ khuyên bậc phụ huynh nên cung cấp kiến thức cụ thể giúp bé hiểu về mức độ nguy hiểm gây nóng và bỏng.

- Khi đang bế ẵm, ôm ấp, chơi đùa với cha, cha mẹ tuyệt đối không tham gia vào các hoạt động liên quan đến nhiệt.

- Tuyệt đối không để trẻ chơi với nước tắm nóng, luôn cách ly bé với nước sôi ở một cự ly nhất định, khi chuẩn bị nước tắm cho trẻ, người lớn cần chú ý chuẩn bị xong xuôi đâu đấy mới bắt đầu cho trẻ vào tắm. 

Cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng:

Bác sĩ Mẫn cho biết, nếu cha mẹ biết cách sơ cứu đúng cách, bỏng sẽ bớt nguy hiểm. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị bỏng như: bỏng nhiệt ướt (nước sôi, cám lợn…), bỏng do hóa chất (kiềm, a-xít), bỏng điện (sờ vào phích cắm, hở điện…)…

Tuỳ từng trường hợp, bỏng sẽ có cách sơ cứu khác nhau. Khi trẻ bị bỏng cần loại bỏ thật nhanh tác nhân gây bỏng bằng cách: bế trẻ khỏi nồi thức ăn sôi, bàn là, phích nước, ổ điện... sau đó là nên dùng nước mát sạch làm nguội vùng da bị bỏng. Nước mát vừa có tác dụng giảm đau, giảm phù nề, giảm độ bỏng sâu của vết thương.

Rồi dùng gạc y tế quấn quanh vết bỏng, rồi đưa bệnh nhân đến thẳng bệnh viện càng nhanh càng tốt. Tuyệt đối không bôi các chất như kem đánh răng, mỡ chăn, nước mắm… lên vết bỏng.

Cụ thể, trẻ thường bị bỏng thường do 3 nguyên nhân: Bỏng nước sôi, do lửa cháy, điện giật. Với mỗi loại bỏng thì cách sơ cứu lại khác nhau.

- Khi trẻ bị bỏng nước sôi, cha mẹ tuyệt đối không cởi bỏ quần áo vì có thể dẫn tới lột da vùng bị bỏng mà nên ngâm ngay phần cơ thể bị bỏng vào nước lạnh sạch trong thời gian từ 15 – 20 phút (không dùng nước đá để làm mát vết bỏng). Sau đó dùng gạc y tế băng quanh vết bỏng, rồi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. 

- Bỏng do lửa cháy: Dùng nước hoặc cát dập tắt lửa hoặc có thể dùng áo khoác, chăn để dập lửa. Bọc vùng bỏng chắc chắn rồi đổ nước lạnh lên. 

- Bỏng do điện giật: sau khi tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, phải để nạn nhân nằm ngay tại chỗ trên một nền cứng, ấn ngực và hô hấp nhân tạo, khi nào tim đập lại mới đưa đi cấp cứu.



Trong rất nhiều tình huống trẻ gặp nạn thì tai nạn trong khi tham giao thông dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của bé nhất.
Cha mẹ bất cẩn: Con "đối mặt" với tử thần do bị bỏng 6