Trào lưu mới

Có mặt tại trường mầm non Tuổi thơ (Q.Tân Bình) vào buổi sáng thứ 5, chúng tôi được chứng kiến lớp học yoga dành cho các bé từ 3 tuổi trở lên. Không giống những giờ học khác, tiết học yoga thường bắt đầu bằng những bản nhạc vui nhộn hay câu chuyện cổ tích mô phỏng hoạt động của các loài động vật. Qua việc gợi cho các bé tưởng tượng tới hình ảnh của những con vật, các bé sẽ tập ngồi, tập bò, tập hít thở, đi, đứng... như các con vật trong truyện và tương ứng sẽ là những động tác yoga đơn giản. Cứ như vậy, trong 45 phút của môn học này, các bé được làm quen với rất nhiều động tác yoga.

Còn tại trung tâm Vyoga (Q.10), vào những ngày cuối tuần, hàng chục phụ huynh khệ nệ xách những bịch quần áo thể thao, khăn, nước uống và đồ ăn nhẹ, cùng con đến phòng tập, dù mức học phí không rẻ, dao động từ 350.000đ đến 500.000đ/tháng, tùy từng gói tập. Chị Xuân, một phụ huynh đang cho con theo học yoga, cho hay: “Con gái tôi bị thiểu năng từ khi mới sinh ra, bé rất hay cáu gắt và cục tính. Nghe người bạn giới thiệu, tôi đưa bé theo tập lớp yoga cho trẻ tại một trung tâm ở quận 10. Người ta nói tập yoga giúp bé có xuơng dẻo dai và cơ thể khỏe, tôi không biết có thực vậy không, nhưng từ khi theo tập, bé đỡ cáu gắt và có ý thức vệ sinh cá nhân hơn”.

Cũng vì nghĩ có lợi cho con nên tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, chị Võ Kiều Minh (Q.3) dẫn con đến một trung tâm yoga gần nhà đăng ký theo học. “Bé nhà mình đang theo học lớp 4 với học kín lịch cả tuần. Để bé giải tỏa những áp lực sau một tuần học căng thẳng, mình đã đăng ký cho con học yoga vào cuối tuần. Dù chưa thấy tài liệu chính thức nào nói về tác dụng thực sự khi cho trẻ tập yoga, nhưng mình cũng muốn thử, coi như một môn thể dục của bé”, chị Minh bày tỏ.
 

Lợi bất cập hại

Chia sẻ về cách thức dạy yoga cho trẻ, cô Âu Mỹ Kim, giáo viên yoga trường Mầm non Tuổi thơ, cho hay: “Phương pháp dạy yoga cho trẻ khác hoàn toàn so với người lớn. Đối với người lớn, chúng ta có thể nói họ hít vào, thở ra bao nhiêu lần tùy ý và họ sẽ tự giác làm theo. Nhưng với trẻ, mỗi động tác phải gắn vào một trò chơi hoặc câu chuyện cụ thể. Điều này vừa để bé có thể tưởng tượng, vừa giúp bé thực hiện đúng động tác và quan trọng nhất là làm cho bé cảm thấy thực sự hứng thú khi tập”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, số trung tâm yoga có lớp riêng dành cho trẻ em trên địa bàn TPHCM không nhiều và phần lớn là những lớp ghép trẻ tập cùng người lớn. Giờ tập yoga của một trung tâm tại Q.Tân Bình, lớp học chừng 30 người, người lớn và trẻ em đều được xếp tập chung. Trong khi người lớn ngồi xếp bằng, chân nọ gác lên đùi kia, nhắm nghiền mắt và thực hiện động tác thiền thì một vài học viên “nhí” lại đảo mắt nhìn khắp nơi trong và ngoài phòng tập. Thỉnh thoảng, các bé đổi tư thế từ ngồi sang nằm úp, nằm ngửa hoặc chống cả tay và chân xuống sàn để thực hiện tư thế bò. “Tôi nghĩ để trẻ tập chung với người lớn chắc không sao nên đăng ký. Tuy nhiên, tập chưa được một tuần thì bé chán không tập nữa, trong khi tiền học phí tôi đóng cho bé cả tháng”, một phụ huynh trong lớp yoga than thở.

Bên cạnh những khó khăn trong việc tìm lớp yoga chuyên biệt dành riêng cho trẻ thì không ít phụ huynh, thậm chí là ngay cả đại diện của một số trung tâm thể dục thẩm mỹ cũng lo ngại việc để trẻ tập yoga quá sớm sẽ không tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ.

Nhiều huấn luận viên yoga trên địa bàn TPHCM tỏ ra lo ngại. Một huấn luyện viên ở quận 4 khẳng định: “Trẻ có thể làm quen với yoga từ bất cứ tuổi nào nhưng nếu không nắm vững một số quy tắc mà để trẻ tập trong tình trạng quá no hoặc quá đói đều có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
 
Ông Lê Nguyên Trình, Phó Giám đốc Trung tâm Dáng Ngọc Spa: “Tại trung tâm, chúng tôi vẫn tiến hành dạy yoga cho trẻ trong 15 phút đầu tiên nhưng chỉ với mục đích giúp các bé khởi động trước khi bước vào buổi tập Bollywood Dance. Tôi nghĩ trẻ em vốn năng động, trong khi yoga lại nghiêng về trường phái tĩnh, nếu dạy sai phương pháp thì không những phản tác dụng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ, khiến các bé mất đi bản năng hiếu động vốn có của mình”.