Như rất nhiều bà mẹ khác, lần đầu làm mẹ, chị Trần Thu Nhật Anh (sinh  năm 1991), hiện đang sinh sống tại Hà Nội, mẹ của bé Lê Trần Đăng Khôi (tên thường gọi ở nhà là Pepsi), được hơn 6 tháng tuổi cũng vô cùng bỡ ngỡ và có nhiều lo lắng. Mặc dù khi mang bầu, mẹ Pepsi đã tìm đọc rất nhiều tài liệu cũng như lang thang khắp các diễn đàn, trang mạng để tìm hiểu. Vậy mà lúc Pepsi chào đời, người mẹ trẻ này lại cuống cuồng quên sạch những kiến thức đã học được, đôi lúc còn rơi vào tình trạng hoang mang đến mức cứ hỏi bà ngoại "Nuôi con là như thế nào hả mẹ?".

Rồi mọi thứ lại như mới bắt đầu, mẹ Pepsi lại bình tĩnh học hỏi và cập nhật các kiến thức nuôi con để đáp ứng các "hiện tượng" của Pepsi. Mẹ quan sát con nhiều hơn, cố gắng hiểu con bằng trái tim của mẹ kết hợp với chọn lọc thông tin từ sách báo, tài liệu cả tiếng Anh và tiếng Việt, từ kinh nghiệm nuôi con của các mẹ thông thái.

Khổ vì có quá nhiều sữa

Lúc mới sinh, Nhật Anh luôn dồi dào sữa cho con bú. Lúc Pepsi còn nhỏ, có thời điểm ngoài cho con bú, mỗi ngày chị dư đến 1 lít sữa trữ đông. Đến hiện tại, khi bé Pepsi đã được hơn 6 tháng tuổi, mỗi ngày, chị vẫn vắt được khoảng 1,5 lít sữa, vừa cho con bú, vừa thừa để trữ đông phòng khi không thể cho bé bú trực tiếp và còn đem cho tặng những mẹ không đủ sữa nuôi con. 

Kích sữa
Mẹ Pepsi từng khổ sở vì có quá nhiều sữa.

Tuy nhiên, theo người mẹ trẻ này tâm sự, không phải lúc nào nguồn sữa của chị cũng dồi dào như vậy. Lúc Pepsi được khoảng hơn 4 tháng tuổi, đã có lúc chị bị mất sữa, vắt đều đặn mà cũng chỉ được tráng bình. Mẹ bị mất sữa trong khi con còn nhỏ nên chị rơi vào trạng thái vô cùng stress: "Mình đã từng trải qua những ngày tháng nếm đủ cả máu và nước mắt vì công cuộc gọi sữa và giữ sữa cho con. Dù mấy túi sữa nho nhỏ thôi nhưng mỗi lần mở tủ, nhìn thấy chúng, mình lại hạnh phúc ngập tràn".

Mẹ Pepsi kể, lúc bé được khoảng 4 - 5 tháng tuổi, chị có những biểu hiện của hiện tượng tắc sữa như: sốt cao hơn 39 độ, ngực nóng và căng cứng, có cục ấn đau, vắt máy không ra được bao nhiêu, hầu như chỉ tráng bình. Đến phòng khám, các bác sĩ kết luận chính xác là đã bị tắc sữa và có mủ. Trong khi các nhân viên y tế cố gắng vừa ấn, vừa nặn, vừa bóp thì cũng là lúc mẹ Pepsi phải gánh chịu nỗi đau đớn tột cùng, nước mắt chảy dài mà sốt vẫn hoàn sốt. Bố Pepsi đi mua lá bồ công anh tươi về giã lấy nước cho mẹ uống và đắp nhưng tình hình vẫn chẳng cải thiện được chút nào. Thế rồi, mẹ Pepsi phải vào bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Các bác sĩ siêu âm khẳng định không phải tắc sữa, chỉ là mô ngực cương cứng thôi, tự sẽ khỏi, sốt là do nguyên nhân khác. Tại đây, mẹ Pepsi được đưa vào thông tia sữa ở viện qua 4 bước:  chạy sóng; chiếu đèn hồng ngoại làm mềm các cục tắc nếu có; massage bằng tay; hút sữa bằng máy hút sữa đôi. 

Trải qua đủ các hình thức và cách chữa khác nhau, mẹ Pepsi đúc rút ra kinh nghiệm là trong quá trình nuôi con, nếu phát hiện ra bất cứ dấu hiệu bất thường nào ở ngực, cần đi siêu âm ngực ngay. Siêu âm sẽ giúp kết luận có phải tắc sữa hay không, tắc ở mức độ như thế nào để có phương án xử lý tối ưu. 

Đó là những ngày tháng vô cùng khó khăn trong hành trình nuôi con của người mẹ trẻ. Những ngày ấy, chị vẫn kiên trì cho Pepsi bú đều đặn. Nhờ có nguồn sữa trữ đông dự trữ nên Pepsi vẫn được ăn hoàn toàn sữa mẹ. Đồng thời, chị Nhật Anh đã tìm mọi cách xoay sở để gọi sữa về và giữ nguồn sữa dồi dào cho con. Và sau khoảng 2 tuần, sữa lại về nhiều như trước.

Kích sữa
Lượng sữa dư thừa, mẹ Pepsi trữ đông phòng khi không thể cho bú trực tiếp hoặc đem cho, tặng.

Một số bí quyết kích sữa thành công

Mẹ Pepsi cho biết, từ lúc sinh con chị mới ăn đúng một lần móng giò, uống một vài gói chè vằng và chưa hề biết ngũ cốc lợi sữa hay các loại thuốc lợi sữa là gì. Tuy nhiên, nhờ những nguồn kiến thức quý giá của các mẹ sữa chia sẻ, mẹ Pepsi đã duy trì được nguồn sữa dồi dào cho con và còn đem cho tặng hàng trăm lít sữa trữ đông. 

Dưới đây là một vài bí quyết kích sữa thành công mà mẹ Pepsi chia sẻ:

- Tư tưởng thoải mái

Áp lực cuộc sống đối với các mẹ sữa là rất lớn. Dù biết tất cả mọi thứ khác đều quan trọng nhưng không có gì quan trọng được hơn con mình lúc này. Chính vì vậy, bước quan trọng đầu tiên để việc kích sữa thành công đó là tư tưởng phải thoải mái. 

Một vòng luẩn quẩn mà nhiều mẹ mất sữa hay mắc phải khi nuôi con đó là mất sữa thì stress, stress nên không thể ngủ, ngủ ít lại càng mất sữa. Chính vì vậy, ngay cả lúc đang căng thẳng vì mất sữa nuôi con, các mẹ cũng phải cố gắng ngủ đủ giấc và thư giãn thật nhiều để đầu óc đỡ căng thẳng. Có như thế sữa mới về lại.

Kích sữa
Khi bị mất sữa, các mẹ vẫn phải duy trì hút sữa đều đặn, dù lượng sữa hút được gần như là con số không.

- Thức uống lợi sữa

Ngoài việc duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ chất thì việc bổ sung các loại đồ uống, thực phẩm lợi sữa cũng có tác dụng đáng kể, chẳng hạn như cao chè vằng, sữa ngô, sữa đậu nành. Ngoài ra, có một loại thức uống rất đơn giản mà có tác dụng tích cực đối với các mẹ sữa chính là nước lọc. Phải uống thật nhiều nước, ăn uống thoải mái để tâm lý được thả lỏng, ăn theo sở thích (tuy nhiên, không nên lạm dụng các loại bánh kẹo ngọt hay đồ có nhiều dầu mỡ)... Đu đủ xanh, quả sung cũng là một số loại thực phẩm lợi sữa rất tốt cho mẹ nuôi con nhỏ. 

- Hút sữa đều đặn

Khi bị mất sữa, các mẹ vẫn phải duy trì hút sữa đều đặn, dù lượng sữa hút được gần như là con số không. Tuyệt đối không nhìn máy hút sữa vì điều đó sẽ gây áp lực cho các mẹ. Mẹ Pepsi tâm sự, trước khi bị mất sữa, mỗi lần chị đều dùng bình 250ml để hút, nhưng khi mất sữa, chị đã chuyển sang dùng bình 150ml để đỡ căng thẳng: "Nhìn bình nhỏ cảm giác đỡ lo lắng hơn và trông có vẻ được nhiều sữa hơn. Mình chỉ hút 2 lần/ngày trước khi ngủ và sau khi dậy vì không có thời gian ngồi ôm máy hút như lúc con còn bé. 15 - 20 phút là thời gian hút sữa trung bình cho cả hai bên".

- Cho bé bú ngày bú đêm

Đây là bí quyết đơn giản nhưng lại cực kỳ quan trọng. Theo kinh nghiệm của mẹ Pepsi, dù có hút nhiều bao nhiêu, ăn các loại đồ uống lợi sữa thế nào thì nếu không cho con bú thường xuyên, sữa sẽ không về nhanh. Sự tiếp xúc da kề da với con chính là yếu tố có tác dụng kích sữa nhanh chóng và hiệu quả.

Cũng nhờ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn mà cân nặng của mẹ Pepsi đã giảm đi đáng kể. Tính đến thời điểm khi Pepsi được hơn 3 tháng, mẹ Pepsi đã giảm 18,5kg so với lúc lên bàn sinh và hiện tại đang tiếp tục giảm.