Theo mẹ chồng Hằng thì cần phải rèn luyện tính tự lập cho trẻ từ lúc mới sinh, theo kiểu của người Tây. Cô con gái bà mới ở nước ngoài về vẫn hay bảo thế. Và theo bà, không được ôm ẵm trẻ nhiều, bé buồn ngủ thì tự ngủ, khóc một lúc rồi tự nín, chứ không cứ ru hời đến lúc nó quen lại thành bám mẹ, rồi bắt ru mới ngủ thì khổ.

Cô bạn thân hôm ấy đến thăm Hằng lắc đầu bảo: "Nhà mày ngược thế. Có mẹ chồng hiện đại quá cũng chẳng sướng gì". Hằng tuy hơi tủi thân nhưng thấy lời mẹ chồng cũng có lý nên cũng nghe theo.


Còn nhà anh Quang, Hà Đông, Hà Tây lại khác. Bà nội mất sớm nên con anh được ông nội chăm giúp. Mỗi khi cháu buồn ngủ, ông chẳng biết hát ru nên cứ mở đĩa nhạc Xuân Mai cho cháu vừa nghe, vừa xem. Chẳng biết vì mê giọng hát, điệu nhảy của cô ca sĩ nhí hay vì mệt quá mà cô bé một tuổi cuối cùng cũng ngủ gục trên vai ông.

Vợ chồng anh Quang sợ con xem hình hại mắt nhưng góp ý mãi thì ông lại bảo: "Toàn nhạc thiếu nhi vui nhộn thế là thích hợp rồi còn gì. Với lại anh chị thấy lần nào xem mà nó chẳng ngủ". Tuy biết là cách "ru" của ông không tốt cho con nhưng cả hai vợ chồng đi làm cả ngày đều mệt quá lại chẳng biết hát ru con nên đành kệ ông.
 

Theo tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia giáo dục của trường mầm non Hoàng Gia, dù thời đại nào, lời ru vẫn luôn là một "món ăn tinh thần" bổ dưỡng cho bé. Những lời ru ngọt ngào với giai điệu êm ái, nhẹ nhàng sẽ đưa bé dần dần đi vào giấc ngủ bình yên. Đặc biệt hơn, lời ru ấy chứa đựng biết bao tình cảm yêu thương trìu mến của bà, của mẹ gửi gắm vào. Bởi thế, nó nuôi dưỡng tâm hồn bé, làm cho sợi dây gắn bó với gia đình của bé được thắt chặt hơn.

Không những thế, những khúc hát ru cũng sẽ giúp bé phát triển về ngôn ngữ và cảm nhận về âm nhạc tốt hơn. Tuy có thể nhiều bé còn chưa hiểu được ý nghĩa hay lời hát nhưng qua nhịp điệu bài ru hay giọng của mẹ, của bà, bé vẫn có thể cảm nhận được những tình cảm ẩn chứa trong đó.

Tiến sĩ Kim Thoa cũng cho rằng, đúng là mẹ không nên ôm ẵm bé quá nhiều nhưng việc vỗ về, hát ru bé ngủ không hề ảnh hưởng đến sự rèn tạo tính tự lập cho con bởi tính cách này hình thành là kết quả của cả quá trình giáo dục. Hơn nữa, một đặc điểm đáng quý của người Á đông là trọng tình cảm, trọng sự gắn bó với gia đình, sự yêu thương và tiếp nối giữa các thế hệ. Bởi thế, không nên đánh mất lời ru với trẻ thơ.

Theo bà Thoa, nhiều cặp vợ chồng trẻ bây giờ không biết hát ru con thế nào và đó là một thiệt thòi cho bé cũng như cho chính họ. Cũng có những người ý thức được giá trị của lời ru đã mua băng đĩa hát ru hay nhạc trữ tình về cho con nghe lúc buồn ngủ. Đó cũng là một cách hay. Tuy nhiên, không gì bằng những lời hát ru "sống". Theo chuyên gia giáo dục, các bà mẹ trẻ không cần phải quá lo lắng rằng bài hát phải đúng hay phải có giọng hay. "Chúng ta có cả kho tàng lời hát ru từ những câu ca dao, tục ngữ, các làn điệu dân cả hay bạn có thể sáng tạo bằng cách 'phổ thơ' cho những bài lục bát, song thất lục bát mình thuộc....", bà nói.

Như trường hợp chị Chinh là ví dụ. Cũng đi học nước ngoài từ nhỏ nhưng Chinh luôn rất trân trọng tình cảm gia đình và nhớ mãi những lời hát ru của mẹ khi còn nhỏ. Bởi thế, từ lúc có bầu, Chinh đi mua ngay một cuốn tục ngữ ca dao Việt Nam rồi thỉnh thoảng tối đến, vừa nằm xoa bụng vừa giở sách học hát ru con.

Cũng ủng hộ vợ, Nam, chồng Chinh, vác về vài đĩa quan họ Bắc Ninh hay dân ca Nam Trung Bộ để hai vợ chồng nghe và học... hát.

"Hạnh phúc nhất là lúc ôm con vào lòng rồi nhẹ nhàng hát lời ầu ơ và nhìn khuôn mặt con dần giãn ra, bình thản đi vào giấc ngủ say. Nhiều người còn trêu, ru con gì mà như mèo kêu nhưng mình kệ. Mèo kêu mà con vẫn thích thì cứ ru", Chinh tâm sự.

Chị Chinh còn kể, bé nhà chị "nghiện" nghe mẹ hát ru lắm. Có hôm bé buồn ngủ nhưng mẹ bận việc, cô nàng nghêu ngao một lúc không thấy mẹ vào thế là quay ra tự ê a rỗi vỗ vỗ vào cánh tay mình mới ngủ.

Theo Minh Thùy
Vnexpress