Đi làm về, thấy bé Na mặc quần áo của Sếu, Lan rất lấy làm khó chịu. Nhưng chẳng nhẽ lại làm ầm lên chỉ vì mấy bộ quần áo trẻ con, thế là chị Lan cũng đành nhịn, định bụng hôm nào vui vẻ sẽ lại nhắc nhở hai mẹ con nhà Na.
 
Mẹ Na là chị dâu Lan, Sếu là con Lan nên Na đương nhiên là chị họ của Sếu. Lấy chồng tỉnh xa, nhưng hai vợ chồng cùng làm ăn ở Hà Nội, nhà bố mẹ đẻ lại rộng, lại chỉ có hai anh em nên cả nhà Lan chuyển về ở hẳn trên tầng 2 nhà bố mẹ. Vốn biết thân phận ở nhờ nên vợ chồng Lan cũng hết sức giữ ý, Lan cũng không dám làm gì thái quá để chồng cũng đỡ ngại là mang tiếng ở rể.
 
Nhưng chuyện người lớn thì chẳng có gì, mọi chuyện rắc rối, khó chịu lại xuất phát từ chuyện trẻ con. Bé Na hơn Sếu nhà Lan những 13 tháng, nhưng vì Sếu cao lớn nên nhìn hai chị em sàn sàn như nhau, chẳng thế mà mới có chuyện hai đứa thường hay mặc quần áo của nhau. Nếu chuyện chỉ có vậy thì không có gì đáng nói, đằng này, mẹ Na, tức là chị dâu Lan, chẳng mấy khi chịu mua quần áo cho con, nếu có mua thì cũng chỉ mua những cái quần áo rất bình thường. Không phải bởi nhà anh chị Lan không có điều kiện, mà bởi chị dâu Lan vốn đã có tính hơi "kẹo kéo". Câu cửa miệng của chị dâu luôn là: "Ôi Sếu lớn thế nhỉ, cao gần bằng chị Na rồi, thế này thì chị Na cũng mặc vừa quần áo của Sếu, hai chị em đỡ phải mua nhiều quần áo nhỉ?!".
 
Ảnh minh họa.
 
Lan từ nhỏ vốn thích ăn mặc đẹp nên quần áo của Sếu cũng phải đẹp. Dù không mua toàn quần áo đắt tiền nhưng quần áo của Sếu bao giờ cũng khác những cái bán cả lố ngoài chợ. Lan cũng mua cho con một vài bộ "xịn" để nếu có đi chơi đâu hay về quê thì còn mặc cho "oách". Cứ mỗi lần thấy Lan mang bộ quần áo nào về cho con là y như rằng chị dâu mà nhìn thấy là lại rối rít: "Ối Sếu lại có quần áo mới kìa, Sếu nhiều quần áo thế, cho chị Na mặc chung với nhé". Nói vậy nhưng cũng chẳng cần Lan hay Sếu đồng ý, một hai hôm sau thế nào Lan cũng thấy bé Na đang mặc nguyên cả bộ quần áo mới của Sếu, cho dù Sếu mới mặc bộ ấy được một lần.
 
Không ít lần như vậy, Lan khó chịu lắm, nhưng vì sợ bố mẹ và anh trai nghĩ mình nhỏ mọn nên Lan chỉ góp ý với chị dâu nên mua cho Na những bộ quần áo khác trước đi một chút... ý là đừng để bé Na mặc quần áo của Sếu nữa. Nhưng chị dâu Lan lại cho rằng: "... trẻ con nó lớn nhanh, mặc ngắn ngay ý mà, hai đứa mặc chung cho đỡ phí". Rút kinh nghiệm, lần sau mua gì cho Sếu, Lan cũng mua cho bé Na một bộ tương tự, nhưng rồi có ít có nhiều quần áo, bé Na vẫn được mẹ mặc cho quần áo của Sếu. Dần dần, bé na chỉ thích mặc đồ của Sếu, lúc nào cũng "mặc đồ của Sếu cơ", nếu không phải đồ của Sếu thì Na không chịu mặc.
 
Đến nước này thì Lan cũng chẳng biết làm sao, vì Lan đi làm cả ngày, chị dâu lại bán hàng ngay ở nhà nên cứ mỗi lần thay quần áo cho con, đi ngang qua tầng 2 có phòng của nhà Lan thì tiện đường rẽ luôn vào lấy quần áo của Sếu cho Na mặc. "Có mấy cái quần áo của bọn trẻ con chẳng nhẽ lại cho vào tủ mà khóa lại, nhưng cứ để thế này cũng chẳng thích tẹo nào..." Lan thở dài ngao ngán.
 
Cũng không mấy vui về chuyện liên quan đến con trẻ như Lan, nhưng chị Hảo lại cảm thấy phiền lòng về chuyện khác. Hảo lấy chồng và cũng ở cùng nhà chồng. Nhà chồng Hảo có hai anh em trai, em trai chồng Hảo tuy là em nhưng lại lấy vợ trước anh và đã có hai đứa con. Vợ chồng Hảo lấy nhau muộn và mới có 1 đứa con, lại kém tuổi cả hai đứa con nhà em chồng. Cả nhà tam đại đồng đường gồm tất thảy là 9 người cùng ở căn nhà 4 tầng, rộng thì có rộng mà sao vẫn thấy ngột ngạt.
 
Ảnh minh họa.
 
Vì lo làm kinh tế ổn định rồi mới kết hôn và có con nên vợ chồng chị Hảo tương đối khá giải hơn vợ chồng cậu em chồng. Hai vợ chồng cậu em chồng công việc không ổn định, chủ yếu cũng chỉ là làm thuê, lại nuôi hai con nhỏ nên cũng khá khó khăn. Ngay từ trước khi cưới, chồng chị Hảo đã nói "gióng" với vợ rằng "... vợ chồng cậu hai khó khăn nên đôi khi anh cũng có giúp đỡ. Sau này cưới rồi, em đừng thắc mắc hay giận anh khi thỉnh thoảng anh mua cho các cháu cái này cái kia, đồ chơi, quần áo hay anh cho chúng tiền để mua sách vở...".
 
Chị Hảo không phản đối vì thấy chồng nói cũng có lý, vì dù gì vợ chồng chị cũng khá hơn, lại chưa có con, biết đâu sau này có con rồi cũng phải nhờ vả cô chú ấy nhiều... Thế là từ ngày lấy chồng, chị Hảo thay chồng làm phần việc "cho các cháu" ấy. Những lần đầu, chị Hảo ngạc nhiên lắm khi thấy vợ chồng chú em cứ tỉnh bơ mỗi khi anh chị cho cháu quà cáp hay tiền bạc, tuyệt nhiên không một lời cảm ơn anh chị. Chị Hảo nghĩ chắc do cô chú ấy ngại vì là chị dâu cho chứ không phải anh trai cho. Nhưng sau này, khi có con rồi, mỗi khi ai cho con chị bất cứ thứ gì, chị đều dạy con phải nói cảm ơn, con chưa nói được thì bố mẹ nói coi như là nói thay con. Lúc này, để ý lại vợ chồng nhà chú em, chị Hảo mới thấy thật buồn.
 
Hai đứa cháu đã lớn tướng rồi, nhưng không một đứa nào biết nói "cháu xin" hay "cháu cảm ơn" mỗi khi nhận được quà từ người khác. Đã thế, bố mẹ còn xúi chúng vòi vĩnh bác cả là chồng chị Hảo mỗi khi muốn mua bộ đồ chơi mới hay tập sách truyện mới. Chồng chị Hảo vốn dễ tính, lại chiều con chiều cháu nên chẳng tiếc con cháu thứ gì. Thế nên bọn trẻ và bố mẹ chúng có vẻ càng ngày càng "xin xỏ" liên tục hơn, vì sợ "bác có con rồi thì bác quên các cháu". Những vật chất đó chị Hảo không tiếc, chị chỉ thấy tiếc cho không đúng người, vì ở tâm lý người đi cho, dù gì thì một lời cảm ơn cũng làm cho người ta cảm thấy vui vẻ hơn, nhưng vợ chồng chị chưa bao giờ nhận được cái vui vẻ đó từ vợ chồng em chồng. Chị Hảo cảm thấy buồn và lo lắng cho tương lai của hai đứa trẻ. Chị có dạy chúng phải nói "cảm ơn" thì chúng bảo: "Bố mẹ có dạy cháu thế đâu".
 
Đôi khi, chuyện cũng chẳng có gì to tát, nhưng chỉ là một chút ứng xử thiếu lịch sự, tế nhị thôi cũng làm chúng ta phải suy nghĩ nhiều về cách ứng xử nên có của các bậc làm cha làm mẹ.