Thương cho roi cho vọt

Một vị phụ huynh than thở rằng con chị mới 8 tuổi nhưng đã rất lì đòn và bướng bỉnh. Thằng bé có thể trả treo bất kỳ người lớn nào trong xóm, hay giật đồ chơi hoặc bắt nạt em bé hàng xóm nhỏ hơn mình.

Bố của bé đi làm xa, rất hiếm khi về nhà. Mẹ thì quá bận rộn, mệt mỏi với cả trăm thứ việc, khi nói mãi con không được, chị chỉ còn biết cậy nhờ vào… cây roi mây - thứ duy nhất còn có thể làm thằng bé sợ chút ít.

Có nên dùng roi khi trẻ ngang bướng? 1
Có nên dùng roi khi trẻ ngang bướng? (Ảnh minh họa)

Chị đánh con khi con phạm bất cứ lỗi nào. Ban đầu, thằng bé khóc thút thít sợ hãi. Nhưng dần dần, khi các trận đòn như cơm bữa, con trai tìm cách “đối phó” với mẹ.

Nó sẽ chọn một trong hai cách: Một là lầm lì cắn răng nhất định không khóc, cho mẹ đánh bao nhiêu thì đánh rồi hằn học nhìn mẹ bằng ánh mắt “căm thù” đến mức khiến chị sợ hãi. Cách thứ hai, cứ hễ thấy mẹ cầm cây roi mây lên (mặc dù chưa bị đánh) nó đã khóc thét đến mức lớn nhất có thể. Thằng bé gào thét ầm ĩ cho đến khi nào tổ trưởng tổ dân phố hoặc những người hàng xóm phải chạy đến can thì thôi!

Thực tế, những trường hợp như vậy không khó để bắt gặp. Hỏi mười bà mẹ trẻ thì phải đến 7 – 8 người cho biết từng đánh con.

Một cuộc khảo sát cho thấy, có đến trên 70% trẻ bị cha mẹ đánh đập, phạt đòn dữ dội khi đến tuổi 13 – 14 sẽ có những phản ứng cực kỳ xấu như dễ dàng dùng bạo lực học đường, học kém, có xu hướng muốn bỏ học, có hành động phạm pháp, nghiện thuốc lá, nghiện rượu sớm, trầm cảm, tự tử, quan hệ tình dục trước tuổi, sử dụng chất kích thích…

Có nên dùng roi khi trẻ ngang bướng?

Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Quỳnh Trang, thay vì dùng roi bước đầu tiên bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra ngang bướng ở trẻ. Trong những lúc tránh sự ngang bướng của trẻ cần lảng tránh sự giận dữ bằng hoạt động khác, đưa ra yêu cầu rõ ràng, dùng hình phạt cho trẻ như đứng vào một góc đếm …

Tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền từng nhận xét, những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh đòn thì ra đường dễ gây gổ, đánh nhau với người khác. Hầu hết trẻ sớm đi vào con đường phạm tội hay nghiện ngập đều do cha mẹ dạy dỗ không đến nơi đến chốn và thường xuyên bị đánh đòn. Cha mẹ dạy bằng cách đánh đến mức con lỳ đòn, hết sợ là rất nguy hiểm. Khi đã hết sợ, người ta có thể liều lĩnh làm bất kỳ điều gì. Cha mẹ dạy con cũng cần giữ lại vốn sợ cho con, bởi vì vốn sợ của trẻ em cũng có giới hạn, nó không hề vô hạn.

Còn Thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng cho rằng cha mẹ ngày nay nuôi dạy con không nên hiểu máy móc roi vọt ở đây là nghĩa đen, là vật chất thực, hãy hiểu đó như yếu tố tinh thần, sự nghiêm khắc trong giáo dục con. Cha mẹ phải là chỗ yêu thương của con chứ không phải nơi mà con cần trốn tránh.