Diệp Anh năm nay 3 tuổi rưỡi và đã đi nhà trẻ được 2 năm. Gần gây bé về nhà hay kể chuyện bị một bạn cũng lớp đánh. Mẹ hỏi vì sao bạn đánh con thì Diệp Anh kể: “Bạn ấy thích đánh là đánh thôi. Bạn ấy đẩy con ngã, lúc thì tát vào má con, lúc thì cấu, có lúc lại kéo dây buộc váy của con nữa. Con không muốn đi học nữa đâu”.
Mặc dù mẹ đã dạy: “Nếu bị bắt nạt, con phải thưa cô ngay” nhưng Diệp Anh lại nói: “Con mách là các bạn đánh con tiếp”.
Mẹ Diệp Anh đang bắt đầu nghĩ nếu các bạn vẫn tiếp tục đánh con mình thì chị sẽ dạy con tự vệ bằng cách đánh trả các bạn để bạn sợ lần sau không dám đánh nữa. Nhưng Diệp Anh lại rất lành, từ bé không bị đánh bao giờ nên cũng không biết đánh ai bao giờ. Có những lần bé bị bạn tát, bị đẩy ngã đập đầu vào tường, dập đầu xuống đất... Cứ 2-3 ngày đến đón con lại thấy con có vết thương.
Ở lớp bé Bill cũng có một bạn “đầu gấu”. Bạn này ban đầu hiền lắm, không hiểu sao gần đây rất hay bắt nạt bạn bè, đang chơi với nhau mà nổi hứng lên là giành dép với bạn, bạn không cho là quật luôn, hoặc cào bạn, đấm bạn... . Ngày nào Bill đi học về cũng kể chuyện bị bạn đó đánh.
Không thể để con mình bị bắt nạt mãi, mẹ Bill đã đến trường gặp cô giáo và cả bạn “đầu gấu” kia để răn đe không được bắt nạt các bạn cũng lớp. Vậy mà một tối đang lúi húi nấu cơm, mẹ thấy Bill chạy tới mách: “Bạn ‘đầu gấu’ lại đánh con, còn đẩy con xuống vũng nước ở trước sân trường nữa”.
Không thể lúc nào cũng ở bên cạnh để bảo vệ, mẹ Bill muốn dạy con kỹ năng đối phó khi bị bắt nạt nhưng chưa biết làm sao cho hiệu quả. Chẳng lẽ lại cho con chuyển trường, mà nếu ở trường mới cũng có bạn như bạn “đầu gấu” thì sao?
Dạy con biết ứng phó
Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên giáo dục cho con đức tính tự lập, tự tin, hòa đồng. Cũng không nên chờ con bị bắt nạt mới trang bị cho bé những kỹ năng cần thiết.
Những câu không nên nói với khi con khoe bị bạn bắt nạt ở trường:
1. "Hả, ai đánh con? Nói mau! Mẹ sẽ trị cho nó biết tay!".
2. "Đồ khôn nhà dại chợ. ở nhà thì đánh chị, đánh em. Vào trường để người ta đánh mà không biết đánh lại! Đồ hèn!".
3. "Chắc nó thấy con học giỏi, không cho nó chép bài nên nó đánh con phải không? Hay là nó thấy con mặc đồ đẹp nên nó ganh ghét?".
Để dạy con biết bảo vệ bản thân, trước hết cha mẹ cần bình tĩnh. Tránh tâm lý “xót con” mà dạy con cách trả thù, cách ly với con hoặc tận tay “trừng phạt” bạn chơi của con. Cha mẹ cần nhớ, vài rắc rối có thể xảy đến khi bé đi nhà trẻ (đi học) vì khi đó, bé đã hòa nhập với môi trường mới. Cha mẹ không thể lúc nào cũng ở bên cạnh, giám sát và bảo bọc bé mà thay vào đó, cần hướng bé cách tự giải quyết rắc rối, dù bé nhút nhát.
Trước tiên, cha mẹ cần hỏi han và lắng nghe bé trình bày. Tránh phê phán hoặc chê con “ngu dốt” vì bị bắt nạt. Tiếp đến, tùy trường hợp, phụ huynh phân tích cho bé và dạy bé cách ứng xử; chẳng hạn, nếu con bị bạn chơi giật tóc, người mẹ có thể dạy con nói: “Không được giật tóc tớ. Cậu làm thế, tớ không chơi nữa đâu”. Trường hợp khác, cha mẹ có thể trao đổi với giáo viên để tìm trợ giúp hoặc gặp người “bạn xấu” của con để nhắc nhở.
Những kiểu bắt nạt ở bé thường quanh quẩn ở việc giành đồ chơi, giành bút, hiếm lắm là đánh nhau. Vì thế, khi chuẩn bị cho bé đi nhà trẻ (đi học), cha mẹ cần dạy bé bảo vệ đồ dùng của mình như kẹp tóc, dây buộc tóc, thước kẻ, bút viết… Hãy nhấn mạnh với bé đó là “tài sản riêng”, không bạn nào được phép lấy của bé. Mỗi ngày, cha mẹ sẽ kiểm tra đồ dùng của bé, thông qua đó sẽ biết được bé có làm mất hay bị bạn nào lấy đồ vật hay không.