Tất cả cũng vì cha mẹ vô ý

Chuyên gia tâm lý Hồng Hà (Chuyên viên tư vấn tâm lý trẻ em ở đường dây nóng 1088) chia sẻ, hàng ngày có rất nhiều bậc phụ huynh gọi điện đến nhờ tư vấn tại sao con họ đang rất ngoan ngoãn bỗng dưng tỏ ra rất bất trị, đặc biệt là hay ghen tức, tị nạnh với anh em trong nhà. 

Trường hợp nhà anh chị Thành Hữu –Phan Linh (ngõ Hàng Hương, Hà Nội) là một ví dụ. Anh chị có 3 người con, bé đầu là con trai, hai bé sau là gái. Bé út tên Nini 6 tuổi, vì là út ít trong gia đình nên anh chị rất cưng chiều, thế nhưng càng ngày Nini càng tỏ ra hay ghen tức, hỗn hào với anh chị. 

Ngồi trong cùng một mâm cơm, Nini lúc nào cũng so đo: “Tại sao bát của con không đẹp như của chị?”, “Tại sao mẹ lại gắp thịt cho anh cả, còn con thì không?” (Trong khi mẹ đang xúc cơm cho Nini)...

Nhiều lần thấy anh chị mình đang ngồi làm bài, Nini xông ra quăng sách vở, hộp bút của anh chị xuống đất. Bố mẹ mắng nhưng Nini còn nghiến răng nghiến lợi cấu vào tay anh cả rồi khanh khách cười bỏ ra ngoài. 

Nói nhẹ bé không nghe, còn cãi lý lại, chị Linh bực mình đét vào mông bé một cái rõ là đau. Nini khóc váng nhà chạy vào phòng, đóng sập cửa lại.

Định kệ cho con khóc một lúc nhưng thấy tội nghiệp lại đi vào xem con thế nào, đứng ngoài phòng chị nghe thấy bé đang thút thít “mách” tội bố mẹ với bà nội. 

Con hư vì bố mẹ chê xấu 1
Tất cả những chuyện này khiến bé từ buồn bã, giận hờn và rồi chuyển sang ghen ghét anh chị mình (Ảnh minh họa)

Nghe con nói, chị mới giật mình khi biết tính hay ghen, đố kỵ này xuất phát cũng chỉ do sự vô ý của anh chị mà ra.

Khách quan mà nói, anh chị rất đẹp đôi, giống nhau ở ngoại hình: trắng trẻo, cao ráo, thanh thoát, mũi cao, mắt sâu… thế  nên các bé sinh ra được thừa hưởng rất nhiều nét đẹp từ bố mẹ, đặc biệt là hai bé đầu. Nini thì hơi khác, giống mẹ đôi mắt to tròn nhưng lại đen và thấp. 

Đôi khi trong lúc cho con ăn, chị lại trêu: “Ăn ngoan nào, ăn nhanh nào không lại lùn tịt xấu nhất nhà đấy”. Rồi có những lúc anh chị vào phòng chúc con ngủ ngon, khi tưởng con đã ngủ say, anh chị ngồi thủ thỉ tâm sự với nhau bao nhiêu chuyện trong đó có chuyện: “Công nhận thằng Bin và con Bông xinh thật, trắng nõn ra. Có mỗi Nini là đen xì xì, đểu thế cơ chứ lị, chẳng hiểu tại sao lại thế?”

Anh chị không hay biết rằng Nini nghe trọn vẹn cuộc nói chuyện đó và đương nhiên, bé buồn và khóc rất nhiều.

Rồi có lần, bạn bè anh chị tới chơi nhà, nhìn thấy hai bé đầu ai cũng khen nức nở nhưng tới lượt Nini thì chẳng ai khen gì. Có chú còn bảo: “Nini không giống ai trong gia đình nhỉ?”.

Thấy Nini gườm gườm, chú còn trêu quá trớn: “Chắc bố mẹ nhặt từ đâu về rồi”. 

Tất cả những chuyện này khiến bé từ buồn bã, giận hờn và rồi chuyển sang ghen ghét anh chị. 

Cha mẹ nên làm gương

Chuyên gia Hồng Hà cho rằng, việc cha mẹ khen ngợi, coi trọng con “xấu” và “xinh” là điều không nên. Nguyên nhân khiến bé có thái độ ghen tức, tị nạnh có thể do các yếu tố chủ quan thuộc về bé hoặc khách quan do chính bố mẹ và người xung quanh tạo nên.

Gia đình anh Hữu và chị Linh đã sai lầm khi vô tình khiến bé cảm thấy bị phân biệt đối xử, rồi với suy nghĩ non nớt, bé đã tự thổi phồng cảm nhận của mình và tưởng tượng ra sự bất công trong gia đình, cha mẹ, mọi người không yêu mình. 

Vì thế, trong mọi trường hợp, bậc phụ huynh nên dành thời gian để hiểu con bởi nếu “tinh ý”, cha mẹ sớm can thiệp sẽ kịp thời giải tỏa khúc mắc này cho con. 

Chuyên gia Hồng Hà khuyên bậc phụ huynh nên giữ không khí công bằng, dân chủ trong gia đình. Bởi đứa trẻ nào cũng mong muốn nhận được toàn bộ tình yêu thương của cha mẹ. Nếu gặp hiện tượng bé tị nạnh, cha mẹ nên giúp bé hiểu rằng tình yêu thương của mình luôn dành cho các con là như nhau, không ai hơn ai. 

Tuyệt đối không quát mắng, đánh con khi biết con có tính ghen tị. Điều này chỉ khiến con càng chán nản và thất vọng vì gia đình mà thôi. 

Thêm vào đó, tự ti chính là điều kích thích lòng đố kỵ trong con người của bé. Cha mẹ nên giúp con tự tin về bản thân mình hơn. Ví dụ, cho con đến những khu vui chơi công cộng, thường xuyên tâm sự, nói chuyện để hiểu con, đọc những câu chuyện về tình anh em, lòng vị tha, sự thông cảm cho bé nghe. 

Nhiều bé học tính đố kỵ từ chính cha mẹ của mình, vì vậy nếu muốn giáo dục bé xoá bỏ được tính xấu này thì trước hết, cha mẹ cần chú ý đến cách ứng xử hàng ngày của mình. 



Mặc dù khá bận rộn nhưng chị vẫn dành cho con trai 2 giờ đồng hồ mỗi ngày để 
có thể chia sẻ với con những cảm xúc vui buồn trong cuộc sống.
Con hư vì bố mẹ chê xấu 2