Quen rồi yêu nhau từ quán karaoke thế nên cứ có dịp kỷ niệm gì là chị Hoa – anh Hoàn (Hà Đông, Hà Nội) lại kéo nhau đi hát hò để nhớ lại ngày xưa cũ. 

Sau 5 năm cưới nhau rồi có con, anh chị vẫn duy trì thói quen này và rồi từ khi nào bé Bún (5 tuổi) cứ mở miệng ra là “Lâu nay con tim anh như đã quên đi hình dung em ngày xưa, đã nhiều lần làm anh đớn đau, xin cho em đang yên vui với ai…”.

Các bài hát từ sến đến rất sến mà anh chị từ đơn ca tới song ca đều được bé nhập tâm và hăng say hát mỗi ngày. Nhưng điều này với anh chị là quá bình thường, và thậm chí còn đáng tự hào nữa. 

Cứ khi nào có khách đến nhà chơi là chị Hoa lại bảo con ra biểu diễn mấy bài hát cho mọi người nghe. 

Có mấy người khuyên nhủ bảo: “Có bao nhiêu bài thiếu nhi đâu sao em không dậy con? Cho con hát chi mấy bài nhạc sến sẩm này. Không hợp tuổi con chút nào đâu. Mà kỳ thực nếu để lâu có khi con còn lớn trước tuổi ấy”.

Chị lại phẩy tay cho rằng: “Ôi, các cô cứ lo hão, Bún còn quá bé, nó hát thì hát thế nhưng hiểu gì ý nghĩa của ca từ trong bài đâu nào”.

Mà thực ra, trước đây Bún cũng thuộc diện nói muộn. Khi thấy con gái gần 2 tuổi mà mới chỉ lúng búng được vài từ "bà bà", "mẹ mè", chị cũng lo nên ngoài những thời gian anh chị hát với nhau, hát cho con nghe (một công đôi việc), anh chị còn mua rất nhiều đĩa nhạc trẻ về cho con nghe, học nói.

Quả thực, sau một thời gian ngắn bé nói sõi hơn hẳn và thuộc kha khá bài hát người lớn. Nếu trước mặt bé mà có ai chê bảo "Cháu nên hát nhạc thiếu nhi thì hợp hơn", thì y như rằng bé sẽ lườm lườm, thái độ ngay ra mặt, thậm chí bé còn ngỗ ngược chạy lại dùng tay đấm mọi người.

Con hư vì bố mẹ lỡ... hớ hênh 1
Hóa ra, câu nói đùa của chị khiến bé tưởng thật. Cứ sểnh ra cái bao cao su nào
trong ngăn kéo tủ, bé lại hồn nhiên mang tới lớp khoe bạn (Ảnh minh họa)

Cũng tương tự như nhà chị Hoa – anh Hoàn, nhà chị Nguyệt (Võ Thị Sáu, Hà Nội) cũng đang khóc dở mếu dở khi cô giáo gọi điện về nhà mách tội Bông rằng: “Con hư lắm! Dạy bài thiếu nhi thì Bông nằng nặc nói không hát theo, con chỉ thích hát bài Bụi bay vào mắt thôi. Thậm chí nếu cô giáo nhắc nhở hát thì con còn đánh cả cô rồi lăn ra ăn vạ”.

Chị Nguyệt hiểu hơn ai hết, chả là chị rất thích bài này, đặc biệt những khi nào giận chồng là y như rằng khi lái xe, chị sẽ bật bài này nghe... cho tâm trạng. 

Thế là đi cùng mẹ ngày nào, bé đều được nghe từ đài và nghe cả tiếng mẹ hát theo, bé thuộc làu làu bài này và tỏ ra rất thích thú khi hát. 

Sau khi nghe cô giáo nói chuyện, chị Nguyệt cũng cố thay đổi con, chị thường xuyên mua đĩa nhạc thiếu nhi về cho con nghe nhưng bé chẳng thích, toàn đòi chị bật đĩa của ca sĩ khác. Lúc này chị mới nhận ra rằng: "Đúng là sơ suất, hớ hênh của mẹ nên con hư lúc nào không biết".

Chị lo lắng khi cô giáo dọa: "Nếu bố mẹ không kịp thời cùng nhà trường chấn chỉnh con thì những bài hát người lớn, không hợp với lứa tuổi kia sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của con".

Dở khóc dở cười phải kể tới trường hợp nhà chị Ngọc – anh Quyết (Hà Đông, Hà Nội). Phải công nhận một điều rằng, bất kỳ ai quen biết vợ chồng anh cũng đều phải nhận xét gia đình anh là một gia đình kiểu mẫu, vợ chồng "xì tin, xì khói", yêu nhau thắm thiết vô cùng, cứ cuối tuần là anh chị lại "tình củm" chở nhau bằng xe đạp đạp khắp lượt từ Hồ Tây tới Lăng Bác. 

Kể cả sau khi bé Tuấn ra đời, anh chị vẫn dành cho nhau những khoảng thời gian riêng tư như vậy.

Thế nhưng một lần, anh chị sượng sùng khi nghe cô giáo bé kể rằng bé hồn nhiên mang bao cao su ra thổi rồi rủ cả bạn bè cùng thổi. 

Hơn ai hết, chị hiểu đó chính là do sự hớ hênh của vợ chồng chị. Một lần con bắt gặp bao cao su trong ngăn kéo, bé có hỏi thì chị bảo: À, quả bóng bay ấy mà con".

Hóa ra, câu nói đùa của chị khiến bé tưởng thật. Cứ sểnh ra cái nào trong ngăn kéo tủ, bé lại hồn nhiên mang tới lớp khoe bạn. Chị mắng Tuấn rằng: "Con hư lắm" thì bé lập tức cãi chày cãi cối: "Chính mẹ bảo là bóng để thổi còn gì"...

Cha mẹ nên làm gương cho con cái

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Hồng Hà cho rằng cha mẹ nên làm tấm gương để con noi theo. Các bé bây giờ rất nhanh học hỏi, bắt chước người lớn. Vì thế nếu như cha mẹ không để ý, quan tâm, nhất định con sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, lệch lạc. 

Hát những bài hát người lớn là một ví dụ điển hình. Tùy từng độ tuổi của trẻ mà cha mẹ nên chọn những bài hát phù hợp cho con. 

Chuyên gia nhận định rằng việc một đứa trẻ hát toàn những ca khúc người lớn với những ngôn từ như "anh yêu em", "đau khổ", "vật vã"... không những gây phản cảm cho người nghe mà nếu về lâu về dài còn ảnh hưởng tới tâm sinh lý của trẻ.
 
Có thể ban đầu trẻ hát nhạc người lớn là do bắt chước nhưng rồi khi bé đã thuộc, những lời lẽ kia sẽ ảnh hưởng tới bé, khiến bé bị già trước tuổi. 

Cha mẹ nên cẩn thận trong những hành động, lời nói của mình, không nên nghĩ rằng "nói cho xong và rồi con sẽ quên nhanh", cha mẹ nên chịu trách nhiệm về hành động lời nói của mình với con. 

Những vật dụng nhạy cảm nên được cha mẹ cất ngăn nắp, kín đáo vào một chỗ riêng biệt để bé không tò mò. Đến một độ tuổi nhất định, khi bé đã hiểu được lời người lớn, cha mẹ cần chỉ bảo cho con "việc gì nên làm và việc gì là không nên làm".



Chui đầu vào hai thanh lan can rồi không thể lấy ra, nhét hạt đậu vào mũi đến khi mọc mầm, tự làm nơ đeo vào cổ để ngạt thở... 
là những trò nghịch dại thường xuyên của trẻ nhỏ.
Con hư vì bố mẹ lỡ... hớ hênh 2