Bà Tin bế cháu sang nhà cu Minh 4 tuổi chơi. Bà mượn đồ chơi của anh Minh để cho em đỡ khóc. Ngay lập tức, cu Minh giãy nảy: “...éo cho bà lấy đồ của cháu. Bà biến ngay về nhà đi”. Bố Minh nghe thấy thế, quát con, đánh con nhưng cậu bé vẫn không chừa.
Mẹ Minh tâm sự: “Không hiểu con học đâu ra cái kiểu ăn nói bậy bạ, về nhà suốt ngày cu cậu chửi bới và nói tục liên hồi. Thấy cái gì bực mình con chửi ầm ĩ lên”.
Có lần con chửi bậy, bố Minh không kìm được nóng giận cầm roi quật mạnh vào mông con. Cậu bé lăn ra khóc và chửi bới văng tục ầm nhà. Mẹ xót con chạy lại ôm thì bị cu cậu giáng cho một cú tát vào mặt. Chị tối sầm mặt mũi trước phản công của con và lời Minh chửi: “Tao ....éo cần mày”.
Ngay cả ở lớp, Minh cũng hay đánh bạn và chửi thế. Thậm chí, cô giáo đến hỏi han Minh cũng quát và đánh cô giáo. Bố mẹ Minh đã phải đến họp khẩn cấp với cô giáo để biết rõ về thói hư tật xấu ở trường của con.
Đưa con về nhà, sau khi dạy dỗ và đánh mắng, cu Minh càng trở nên lầm lì, ít nói. Ánh mắt lúc nào cũng cáu cẳn rồi sẵn sàng văng tục. Bố Minh nóng ruột và sinh ra cáu giận. Nhìn thấy mặt con là anh quát hoặc thái độ rất bực dọc. Mẹ Minh cũng khổ sở vì trông thấy cảnh hai bố con không yêu thương nhau như trước nữa và không biết làm thế nào để dạy con.
Lỗi là tại mẹ?
Cả gia đình đều cho rằng bé Minh nói tục là do cha mẹ không biết cách dạy con, chiều chuộng khiến con hư thân mất nết. Mẹ Minh ấm ức: “Từ nhỏ tới giờ, tôi không biết nói tục thì làm sao mà dạy con nói tục được”.
Thế rồi mấy lần đón con ở cổng trường, thủ thỉ tâm sự, mẹ Minh mới biết được, con bị nhiễm nói tục từ các bác xe ôm đứng ở cổng trường: “Con thấy các bác ấy nói thế có bị ai mắng đâu ạ”. Biết thế rồi, mẹ Minh mới dần dần giải thích cho con hiểu, nói thế là không hay, không ngoan chút nào.
Các chuyên gia cho rằng, khi con văng tục, bố mẹ không nên tảng lờ và không nóng giận. Nếu bé chỉ vô tình “buột miệng” văng tục, cách tốt nhất là bạn nên bình tĩnh, ngồi xuống xem bên con và hỏi xem trẻ nghĩ những từ vừa thốt ra có ý nghĩa gì. Chú ý, cách hỏi của bạn phải nhẹ nhàng, tự nhiên và không có vẻ gì là đùa cợt.
Sau khi bạn và con đã có một khoảng thời gian trò chuyện (chú ý không nói quá nhiều), hãy giải thích cho con biết vì sao bạn không muốn chúng nói như vậy nữa. Chẳng hạn: “Con biết không, từ mà con vừa nói thật ngớ ngẩn, không phù hợp với con. Bố/mẹ không biết chúng ta lại có một từ như thế. Nhưng bố/mẹ đã tra từ điển và nó có ý nghĩa không hay ho lắm. Con đã lớn, nhưng con không nên sử dụng từ này. Nó không phù hợp với con, một đứa trẻ ngoan ngoãn và biết nghe lời cha mẹ”.