Bà mẹ già đón sẵn, tay lăm lăm quả chanh cắt đôi, định vắt vào mắt cháu. Bà mẹ trẻ ôm khư khư gói tã lót bọc con mình vừa bế từ viện về, không biết trốn lần đi đằng nào, đành trợn mắt lên nhìn bà mẹ già, bảo:
- Nó có phải đĩa muối tiêu đâu, hở mẹ?
Bà mẹ già hăm hở:
- Chồng mày tao vắt chanh vào mắt từ lúc mới đẻ, mày xem mấy chục năm nay có phải mua thuốc nhỏ mắt cho nó đâu?
- Thế sao con Tí nhà mình bà cũng làm thế mà nó vẫn đau mắt dịch đó thôi, giờ bà làm cháu khóc, con không dỗ được, thương nó lắm. Bác sĩ dặn chỉ sử dụng nước muối loãng (natri clorit) để vệ sinh cho cháu thôi!
- Tao đẻ tao nuôi cả thảy chục đứa cả con lẫn cháu rồi, có làm sao đâu, các anh chị bây giờ động tí là lôi bác sĩ ra dọa!
Bà mẹ già vứt toẹt quả chanh xuống sân, đi thẳng vào bếp, lục đục bát đĩa trong đó đầy vẻ bực bội. Bà mẹ trẻ len lén bế con vào nhà, thấy đặt chễm chệ giữa giường mình một bát gì đặc sệt, đen sì, đặc quánh, bốc mùi tanh lòm. Bà mẹ già hiện ra ở cửa, ra lệnh:
- Ăn hết đi, cho khỏi hậu sản!
- Cái gì đấy hả mẹ?
- Không phải hỏi, cứ ăn đi!
- Cao hả mẹ, trời ơi (bà mẹ trẻ bụm miệng nôn khan!)
Ông bố trẻ vào cứu vợ, bưng bát lên ngửi ngửi rồi nhăn mặt:
- Mẹ làm cao mèo hay cao khỉ, cao trăn thế này? Vợ con làm sao ăn được. Lần trước có cần ăn gì đâu mà vẫn khỏe!
Cuộc chiến trong gia đình giữa mẹ chồng và nàng dâu, nàng dâu sẽ không bao giờ thắng nổi! (Ảnh minh họa)
Bà mẹ già lườm cháy lông mi lông mày:
- Đặt mua từ Huế đấy, của người dân tộc, quý lắm! Trước khác giờ khác, có biết bao nhiêu tiền chỗ này không? Ăn thì đã chết ai? Tiêu chuẩn từ giờ đến lúc thằng cu đầy tháng, phải ăn cho hết nửa cân cao!
Bà mẹ trẻ chỉ còn thiếu nước van xin, chờ bà mẹ già nựng cháu xong đi ra, bảo:
- Anh ạ, xem ra có vẻ gay rồi, mới vài ngày đã bao nhiêu thứ trục trặc, kiểu này cãi mẹ cũng chết mà không cãi mẹ thì mình cũng chết!
Ông bố trẻ bảo:
- Giá mà bố còn sống, mình chẳng khổ thế này!
Bà mẹ trẻ hiểu ra, giờ không phải bà mẹ già khó tính hơn, chỉ là bây giờ ngoài việc thắp hương lên bàn thờ bố chồng mình, bà đã dành hết tâm trí cho con cháu, và bà chăm sóc theo cách của bà, cách 24 giờ không rời, can thiệp mọi việc.
Bà than thở việc con cái mình dùng quá nhiều bỉm cho em bé, không cho mông em được… thở(!). Bà kêu la việc con dâu ăn ít, cháu nội khóc nhiều. Cuộc chiến tiếp diễn khi em bé hăm, em trớ, em đi tiêu chảy, em khóc đêm, như mọi đứa trẻ bình thường khác, thì lỗi vẫn là ở bà mẹ nuôi con đến lần thứ hai mà còn vụng.
Bà kiên cường trong cuộc chiến chống lại tất thảy những dầu gội không cay mắt, dầu xoa bóp trẻ sơ sinh, nói chung là những thứ của thế giới hiện đại.
Và một ngày, khi cuộc chiến ngấm ngầm lên tới đỉnh điểm, giữa hai bà mẹ của hai thế hệ, bà mẹ bốn mươi năm trước nói với bà mẹ của thế kỷ 21:
- Ngày xưa, tôi nuôi các anh các chị đâu có ai giúp đỡ, đâu có cái gì ăn, phải đạp xe mòn mông đi làm, con hai tháng tuổi đã gửi trẻ, vậy cớ gì bây giờ các anh chị đòi hỏi?
Để minh chứng, bà mẹ già đuổi ngay người giúp việc khi em bé mới sinh chưa được chục ngày. Ngày mà người giúp việc khăn gói đi khỏi nhà, bà mẹ trẻ khóc không thành tiếng. Không phải chỉ bởi bà mẹ trẻ đẩy lùi lại cuộc sống của một bà mẹ bốn mươi năm trước, phải nghiễm nhiên trở thành một Ôsin không lương trong gia đình, con gái lớn còn phải nghỉ học bán trú lớp tiểu học để ở nhà giúp mẹ trông em, mà bà mẹ trẻ còn đau đớn hiểu ra rằng, trong cuộc chiến này bà mẹ trẻ sẽ không bao giờ thắng nổi.
Nhưng dù ai thắng ai, thì cả hai đã đều thua!