Dạy con bằng roi vọt là cách giáo dục thất bại. Tuy nhiên rất nhiều ông bố bà mẹ không kiềm chế được, nên họ "tính toán" xem đánh con vào đâu cho… an toàn. Có mấy kiểu "đét" con kinh điển: quất mông, nhéo tai, cốc đầu, bợp tai. Xét về mức an toàn thì tạm xếp đầu bảng là mông, kế đến là dái tai và các vị trí khác. Mông thường được chọn "thay mặt" trẻ nhận sự giáo huấn bởi có lớp cơ dày và ít mạch máu, thần kinh nên ít gây nguy hiểm, tương tự với dái tai.
Việc bợp tai, cốc đầu có khả năng gây chấn động não, tổn thương tai, nên xem như bị “chống chỉ định”. Ngay cả động tác kéo tai vốn được coi là vô sự (vì dái tai cũng ít dây thần kinh), nhưng nếu kéo tai con quá mạnh thì cũng có thể gây rách màng nhĩ...
Ảnh: Inmagine. |
Vì thế đa phần phụ huynh đánh con vào mông. Nhưng xét kỹ thì ngay cả chỗ “hạ lưu” này cũng nên hạn chế xúc phạm. Mọi cây chổi lông gà vụt xuống đều mang theo một cây roi vô hình khác. Cây roi “phi vật thể” này không làm đau da thịt nhưng rát buốt tâm hồn trẻ. Người ta bảo trẻ không biết giận, không để bụng, sẵn lòng toe toét cười với cha mẹ ngay sau trận đòn. Điều này đúng, nhưng đừng chủ quan bởi trẻ cũng có trí nhớ rất tốt. Mỗi vết hằn roi vọt sẽ tự động ghi lại trong đầu trẻ, càng đau, càng nhiều, càng đậm thì đến một lúc nào đó trở thành ký ức vĩnh viễn. Ai biết được với một gia tài vằn vện, bầm tím như vậy, khi lớn lên, trẻ sẽ ra sao.
Rốt cuộc, không nơi nào trên cơ thể trẻ là an toàn đúng nghĩa. Vậy nếu phải đét trẻ thì đét vào đâu, chẳng lẽ vào không khí? Tại sao không? Nhiều ông bố bà mẹ đã vận dụng thông minh cách đét con kiểu không xâm lấn này: Đứa trẻ phạm lỗi bị gọi ra nằm sấp lên giường, tụt quần giơ mông sẵn. Bố mẹ miệng huấn thị, tay vung cao cây chổi lông gà rồi bất thần vụt thật lực xuống… mặt giường, càng kêu càng đạt hiệu quả. Tất nhiên, cách này thành công hay không tùy thuộc độ “cứng đầu” cũng như sự phục thiện của đứa trẻ.