Từ sáng sớm tới đỉnh điểm là buổi trưa nhiệt độ ở Hà Nội có nơi lên tới 42 độ, điều này khiến nhiều bệnh viện quá tải, bệnh nhi nhập viện ngày càng tăng lên. Các bệnh mà trẻ thường gặp trong thời tiết như thế này là sốt virus, tiêu chảy, cảm cúm...
Ở bệnh viện Bạch Mai, chị Hồng (Lĩnh Nam, Hà Nội) – mẹ của bé Tuấn khóc thút thít kể lại, vì trời quá nóng, bật điều hòa mà con vẫn kêu nóng, lăn trái lăn phải vẫn không ngủ ngon được, thấy con chảy nhiều mồ hôi, chị bật thêm 2 cái quạt thốc thẳng vào người Tuấn để “ngủ cho ngon”. Sáng hôm sau, bé Tuấn nóng hầm hập, sốt cao 39 độ, hỏi thì bé bảo bị đau nhức đầu, mệt mỏi vô cùng. Nhìn con ốm chán ăn, vật vã, chị lo lắng vô cùng.
Từ sáng sớm tới đỉnh điểm là buổi trưa, nhiệt độ ở Hà Nội thường xuyên lên tới 42 độ,
nhiều bà mẹ đau lòng ôm con ốm vào viện chạy chữa.
Trong lúc lo thái quá, chị tự kê đơn cho bé uống 2 liều kháng sinh, nhưng 2 ngày sau, bệnh tình của bé có dấu hiệu nặng lên, ghé sát tai vào ngực con chị giật mình nghe thấy tiếng rít mạnh. Ôm con đi khám, chị khóc thút thít khi bác sĩ bảo con bị sốt do virus nhưng vì sự thiếu hiểu biết của mẹ, bé đã bị viêm phổi cấp. Bác sĩ bảo, chị đã hoàn toàn sai lầm khi tự ý cho con dùng kháng sinh, may mà phát hiện và điều trị sớm, không thì sức khỏe của bé còn bị ảnh hướng tiêu cực hơn.
Thời tiết nắng nóng là thời điểm nhiều trẻ dễ bị tiêu chảy. Chị Hoa (Yên Ninh, Hà Nội) tự trách mình vô tâm nên khiến con bệnh nặng càng nặng hơn. Chị là một phụ nữ bận rộn nên chỉ chủ trương là nấu cháo cho 2-3 ngày "cho bé ăn một thể". Ngày nào chị cũng nấu một nồi cháo bự để đấy, đến bữa thì múc ra một bát cho vào lò vi sóng quay.
Nhưng chị không hình dung ra được một điều rằng, thời tiết nắng nóng như thế này, đồ ăn rất dễ bị hỏng dù để trong tủ lạnh chứ chưa nói đến trường hợp của chị "nấu xong để luôn đó". Thêm vào đấy, việc quay đồ ăn trong lò vi sóng không đảm bảo rằng các loại vi khuẩn đã bị "tiêu diệt". Quả nhiên, ngày vừa rồi, bé 2 tuổi nhà chị bỗng đi ngoài phân lỏng hơn bình thường, đi 6 – 7 lần mỗi ngày. Từ ngày hôm đó, bé mệt lả, không chịu ăn.
Khi thấy con xanh xao, chị cho bé vào viện, bác sĩ nhận định bé trong tình trạng mất nước trầm trọng, mặt mũi hốc hác. Tại đây, các bác sĩ phải cho bé nhập viện và bù nước gấp.
Cũng đoảng trong việc chăm con và thêm điều kiện khí hậu khắc nghiệt như hiện nay khiến bé Bí - con chị Nhi (Hoàng Cầu, Hà Nội) bị ho hắng, chảy nước mũi, quấy khóc suốt ngày. Thấy con nóng, chảy mồ hôi tùm lum, nhà lại hỏng điều hòa, bật quạt không ăn thua, nghĩ thế nào chị Nhi cho con "ngủ nuy". Sáng hôm sau bé ho hắng, quấy khóc suốt.
Những lưu ý chăm con ngày nóng
Trả lời về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết, điều kiện thời tiết nóng bức như hiện nay đã khiến nhiều trẻ phải nhập viện. Sốt virus là một trong những bệnh mà trẻ em gặp phải trong thời tiết hiện nay, bác sĩ Dũng nhấn mạnh, trẻ bị sốt virus thường tự khỏi bệnh trong 7 ngày, tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị sớm và đúng, trẻ rất dễ bị biến chứng sang viêm phế quản, phổi.
Cha mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh, lạm dụng các dụng cụ hút mũi, rửa mũi trẻ vì hành động này kéo dài sẽ làm hỏng niêm mạc mũi, họng ở trẻ. Việc cần làm lúc này, đó là cha mẹ nên chườm khăn ấm vào trán, mặt, cổ, bẹn, nách, lưng, bụng của con. Cho bé mặc quần áo thoáng mát, chú ý thực đơn dinh dưỡng cho bé, ăn uống đầy đủ chất, vệ sinh răng miệng và thân thể.
Bậc phụ huynh nên lưu ý sử dụng điều hòa đúng cách, hợp lý, điều hòa nên được chỉnh ở nhiệt độ 27-28 độ, không nên cho bé chạy ra chạy vào phòng để tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến trẻ không kịp thời thích nghi.
Cha mẹ nên chú ý tắm rửa cho bé sạch sẽ, giữ vệ sinh tốt. Hạn chế tối đa việc cho trẻ ra ngoài chơi trời nắng. Nếu có việc cần ra ngoài trời nắng, cha mẹ nên chuẩn bị những phương tiện phòng vệ che chắn cho trẻ.
Thời điểm này, trẻ rất dễ mắc những bệnh về rối loạn tiêu hóa. Bệnh thường xảy ra khi bé dùng phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Thêm vào đó, trong điều kiện nhiệt độ cao, thức ăn sẽ dễ bị lên men, nhiễm khuẩn. Chưa kể tới việc thời tiết này khiến hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa của bé yếu hơn. Bác sĩ Dũng nhấn mạnh chị em nên hạn chế sử dụng lò vi sóng để hâm nóng đồ ăn cho trẻ mà nên dùng nồi đun sôi, đun kỹ sẽ tốt hơn bởi lò vi sóng chưa chắc đã làm nóng hoàn toàn được đồ ăn một cách kỹ càng.
Để phòng ngừa các bệnh về nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, cha mẹ nên cho bé ăn chín, uống sôi, năng uống thật nhiều nước lọc, chú ý trong việc bảo quản đồ ăn, hạn chế lưu cữu đồ ăn từ ngày này sang ngày khác. Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ không nên ép bé ăn nhiều, cha mẹ nên cho con ăn làm nhiều bữa, thức ăn lỏng, uống nhiều nước.
Khi thấy con có những dấu hiệu cảm cúm: mũi tắc, nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, hắt hơi, ho,.... cha mẹ không nên mặc nhiều áo cho bé mà nên khuyến khích con mặc thoáng, năng vận động nhẹ.
Cha mẹ nên để ý tới thực đơn dinh dưỡng để con có thể tăng cường sức đề kháng. Cho bé ăn những thực phẩm lỏng, dễ tiêu, tránh các món có nhiều dầu mỡ, tăng cường bổ sung cho bé đầy đủ khoáng chất và vitamin, khích lệ bé uống nhiều nước lọc, nước chanh ấm. Tạo điều kiện cho bé nghỉ ngơi, ngủ sâu. Những điều này sẽ giúp mẹ bảo vệ được con khỏi những bệnh bé hay gặp vào mùa hè.
Nếu chọn đúng nhóm thực phẩm và cho con ăn đúng cách sẽ khiến con khỏi ốm