Khi mẹ không biết ru con

So với các cụ ngày xưa, những bà mẹ trẻ thế hệ @ dường như chẳng mấy… mặn mà đến chuyện hát ru con ngủ.

Chị Thoa, vừa có một đứa con đầu lòng đã thú nhận: Quả thật, mình chẳng biết phải hát ru con thế nào. Giọng hát của mình không được mượt mà cho lắm. Với lại, mình không nhớ được ca từ của những bài hát ru. Nhiều khi ru con, mình cứ đung đưa người hoặc đút bình sữa vào miệng bé. Con mình được cái cũng dễ ngủ, nên dù có hát ru hay không cũng không thành vấn đề.

Với chị Hạnh, “khuyết điểm” không biết ru con là một thiệt thòi của chị khi đứa bé ngày càng muốn… xa rời mẹ.

Sau 4 tháng ở nhà trông con, chị Hạnh lại tất bật với những công việc nên bé Nhím (con gái chị) phải ở nhà với bà nội. Trưa nào bà cũng bế Nhím trên tay rồi ầu ơ những câu hát ru mà bà đã từng hát cho bố Nhím nghe từ ngày còn nhỏ. Sau những câu hát của bà, Nhím thiu thiu ngủ và đánh một giấc thật say tới tận chiều. Nhím “mê” lời ru của bà, “mê” giọng hát ấm áp của bà từ lúc nào chẳng biết.

Có hôm bà đi vắng, một mình chị Hạnh phải “đánh vật” với Nhím. Buổi trưa, dù mẹ dỗ thế nào Nhím cũng không chịu ngủ, cứ khóc, cứ hờn giận mà mẹ chẳng biết phải làm sao. Chị tìm hết cách để dỗ dành Nhím, lôi mọi thứ đồ chơi, bật cả TiVi để Nhím ngưng khóc, nhưng sao Nhím chỉ im một lúc rồi lại khóc to hơn…

Thế mà khi bà về, bà bế Nhím, xoa lưng một lúc, ầu ơ một lúc, vậy mà Nhím nhắm mắt. Lúc đó, chị Hạnh mới thở phào.

Thực ra, Nhím đã quen lời ru của bà rồi. Bà hát cho Nhím nghe hàng ngày nên giọng của bà đã trở nên rất gần gũi và thân thương với Nhím. Chỉ ngay sau lần ấy, chị Hạnh mới thấy xót xa, thấy ân hận vì mình chẳng chịu tập học hát ru từ lúc còn đang mang bầu.

Đi tìm lời ru của mẹ

Những người mẹ trẻ thời nay vì mải bận bịu với công việc, mải chạy theo sự hối hả của nhịp sống nên đang dần quên đi những lời ru ầu ơ đưa bé vào giấc ngủ. Thêm nữa, họ “ngại” thể hiện tình yêu với con bằng những câu hát ru mà ông bà ta ngày xưa vẫn từng làm.

Chị Thanh, một bà mẹ trẻ “khoe” với tôi: Cần gì phải ru con hả chị. Cứ ra các cửa hàng băng đĩa, chọn lấy vài bộ đĩa hát ru là ổn lắm rồi. Nghệ sĩ hát vừa đúng lời, vừa mượt mà, lại không gây… hụt hơi cho mình. Trước lúc con ngủ, em cứ bật đĩa là bé nhắm mắt. Em chỉ cần đung đưa một lúc là… thành công ngay, việc gì phải vẽ chuyện, chị nhỉ.

Một bà mẹ khác lại than vãn: Ôi dào, ru với cả hời, em cũng từng ru con rồi đấy, nhưng cứ hát mà chẳng đúng nhạc gì cả, ông xã em nghe xong cứ cười phá lên làm em xấu hổ quá. Với lại, em bận rộn với con cả ngày rồi, đến lúc con buồn ngủ, em cũng mệt bở hơi tai, lấy đâu ra sức để mà ru con chứ.

Phần lớn, các bà mẹ trẻ thời nay đều “biện minh” cho cái sự không biết hát ru của mình bằng những lý lẽ hết sức… thuyết phục. Thực tế, họ không hề nhận ra rằng, khi được gần mẹ, khi đuợc mẹ âu yếm, khi được mẹ thủ thỉ, khi được mẹ hát ru, những đứa trẻ sẽ quen hơi mẹ nhiều hơn và cảm thấy mẹ nó rất gần gũi, thân thương.

Cho dù nhịp sống có thay đổi đến mấy, trẻ vẫn cần nghe những tiếng à ơi, những câu hát ru từ tận tấm lòng người mẹ. Hát ru là một nét văn hóa cần được gìn giữ, nhưng quan trọng hơn, đó là cách để những người mẹ thể hiện tình cảm đối với con mình: à ơi, à ời, con ơi con ngủ cho ngoan…
 
Linh Phương