Nếu bạn có con trong độ tuổi đi học, có thể bạn đã từng nghe rất nhiều về tầm quan trọng của việc các con cần phải làm tốt nhất những bài kiểm tra ở lớp. Nếu con bạn đang học cấp 3, có thể bạn sẽ sẵn sàng thuê gia sư cho chúng để chúng có thể đạt được điểm cao trong kì thi vào đại học. Tất cả điều đó dường như đi đến một mối quan tâm chính là “Liệu con mình có đủ thông minh tài giỏi?”.
Một người bạn của tôi đã từng dạy mầm non nhiều năm. Tôi đã nghe cô ấy kể về bố mẹ của một cậu học sinh đặc biệt hay gây rối trong lớp. Trong cuộc họp phụ huynh, bố mẹ của cậu bé dường như không hề quan tâm đến những hành vi của con trai họ. Vậy điều gì khiến cha mẹ này quan tâm, thực sự có phải chỉ là trí thông minh, điểm số, thành tích của con họ không?
Các bậc cha mẹ đã không nhận ra rằng ngoài thông minh, còn rất nhiều phẩm chất của trẻ góp phần vào sự thành công của trẻ trong học tập. Một số phẩm chất đó là sự hợp tác và tự điều chỉnh. Hợp tác được thể hiện qua tinh thần đồng đội, sự đồng cảm và kỹ năng giao tiếp. Tự điều chỉnh được thể hiện qua khả năng kiểm soát cảm xúc của người khác và đưa ra những hành vi phù hợp với tình hình.
Tôi đã nghe bài diễn thuyết của Paul Tough – tác giả của cuốn sách: How Children Succeed: Grit, Curiosity, and the Hidden Power of Character (Trẻ thành công như thế nào: Sự can đảm, tò mò và sức mạnh tiềm ẩn) – người đã làm việc với một nhóm lớn các nhà giáo dục và phát triển thanh niên ở Minneapolis. Ông cho biết, sai lầm của nước Mỹ là sử dụng chỉ số IQ và kết quả học tập là yếu tố để đánh giá sự thành công trong tương lai.
Cuốn sách của ông cũng tổng hợp nhiều nghiên cứu về những gì liên quan thực sự đến thành công của trẻ. Ông đã trích dẫn 7 điểm mạnh có thể dùng để dự đoán được về sự thành công của trẻ trong tương lai, đó là: sự can đảm, tự kiểm soát bản thân, sự say mê, trí thông minh, lòng biết ơn, sự lạc quan, tính tò mò.
Hai trong số 7 phẩm chất này đó là sự can đảm và tự kiểm soát bản thân đều được hình thành từ thất bại. Thất bại có thể là những hướng dẫn hữu ích giúp chúng ta tiến lên trong cuộc sống. Rõ ràng, tạo ra lỗi lầm và học cách quản lý những lỗi lầm đó là điều rất quan trọng.”
“Can đảm” quan trọng hơn cả “thông minh”!
Đồng nghiệp của tôi tại Viện Nghiên cứu và tôi đặc biệt bị hấp dẫn bởi một yếu tố góp phần quyết định thành công: sự can đảm.
Angela Duckworth, một bác sĩ tâm lý tại Đại học Pennsylvania, đã đưa ra một số điểm cho phép mọi người đánh giá mức độ can đảm của mình. Trong thực tế, can đảm rất quan trọng đối với sự thành công. Nó còn quan trọng hơn cả thể chất, kỹ năng lãnh đạo, trí thông minh.
Nghiên cứu cho thấy rằng những người được trải nghiệm liều lượng vừa phải nghịch cảnh trong cuộc sống có thể làm mọi thứ tốt hơn. Đối với trẻ em, nghịch cảnh có thể là hệ quả của việc cha mẹ ly hôn hoặc có cha mẹ bị mất việc. Là người lớn, chúng ta thường trải qua những vấn đề thuộc dạng này hay dạng kia và trẻ cũng biết điều đó. Điều quan trọng là chúng ta cần làm gương cho trẻ về kỹ năng đối phó khi đối điện với những khó khăn đa dạng của cuộc sống.
Ý tưởng này khiến tôi cảm thấy hy vọng. Trước hết, chúng ta có thể chỉ cho phụ huynh, giáo viên ý nghĩa của phẩm chất kiên trì và rất nhiều phẩm chất tích cực khác. Và rất có thể chúng ta sẽ mô hình hóa những phẩm chất này cho những đứa trẻ của chúng ta trong cuộc sống.
Tôi đã từng biết một câu trích dẫn nổi tiếng của Steve Jobs – nhà lãnh đạo quá cố của Apple đó là “Stay Hungry. Stay foolish” (“Hãy cứ khát khao. Hãy cứ dại khờ). Steve Jobs đã có rất nhiều thứ: thông minh, lanh lợi, và gặp rất nhiều khó khăn. Ông đã trải qua nhiều thất bại, thậm chí mất kiểm soát công ty của mình trong nhiều năm, nhưng ông lại càng đưa ra nhiều ý tưởng, sáng tạo hơn, dũng cảm hơn. Người đàn ông đó thực sự rất can đảm. Có thể con em chúng ta cũng cần nắm bắt được quan điểm tương tự. Bởi vì chỉ có mạo hiểm, mơ ước, và sống đúng với đam mê của mình, mới có thể thật sự thành công và mãn nguyện.
Vài nét về tác giả bài viết: Rebecca Post là giám đốc phát triển nội dung tại một Viện Nghiên cứu của Mỹ. Cô và chồng đã rất thành công trong việc duy trì hôn nhân và nuôi dạy con cái. Bây giờ đứa con duy nhất của cô đang học đại học ở Mỹ.