Để bé biết cảm thông và chia sẻ

Đến nhà chị Thư (Hà Đông, Hà Nội), ai cũng phải “rung rinh” trước bé Sún 4 tuổi nhà chị. “Dạy con thế này mới là dạy chứ!” là câu cửa miệng của nhiều động nghiệp của chị khi gặp bé. Sún rất đáng yêu, mắt tròn, đen lay láy ẩn hiện sự thông minh, nhanh nhẹn. Hơn hết, bé rất yêu thương và “thảo” với bố mẹ, ông bà. 

Chị Thư có chia sẻ kinh nghiệm rằng: "Trước đây, bé được chiều lắm nên nhiều khi bé chẳng để ý đến cảm xúc của bố mẹ. Ví dụ, mẹ đang rót nước sôi, bé chạy xô vào mẹ, nước nóng bắn vào người khiến mẹ bị đau. Kêu thì kêu nhưng bé vẫn nhe nhởn hoặc có ai giả vờ xin bé một miếng, bé nhất quyết 'không". 

Tham khảo ý kiến của nhiều mẹ, chị bắt đầu chiến lược “dạy bé biết thông cảm và chia sẻ”. Chị gắn tên cho từng hành vi của bé. Chị kể cho bé nghe những mẩu chuyện về các con vật biết yêu thương đồng loại, chuyện bạn nhỏ hàng xóm yêu bố mẹ như thế nào?...

Dần dần, khi mẹ hay ai đó bị đau, bé lại chạy ra xoa xoa nhẹ nhàng ra chiều “thông cảm lắm”. Những khi ấy, chị lại thốt lên khen ngợi con: “Con ngoan quá, mẹ tự hào về con” hay “Sún tốt bụng thật đấy”. 

Sún vui mừng ra mặt vì hành động của bé được mọi người đánh giá rất cao. 

“Dạy con thế này mới là dạy chứ!” 1
Để bé biết thông cảm, sẻ chia, nhường nhịn, bố mẹ nên cho bé tiếp xúc 
với môi trường rộng lớn bên ngoài. (Ảnh minh họa)

Mỗi khi bạn bè bố mẹ tới nhà mang theo con nhỏ, Sún lại lăng xăng mang đồ chơi ra rủ bạn chơi cùng. Sún luôn nhớ lời mẹ dặn: “Chia sẻ đồ chơi với bạn mới là bé ngoan, ai cũng yêu”. 

Hàng tối, chị dành ra một khoảng thời gian để trò chuyện, kể cho bé nghe những việc chị gặp trên đường. Chị nói rằng, chị muốn dạy con chú ý đến những hành động tốt bụng của người khác, bé cần biết để noi gương. 

Một lần, hai mẹ con chị đi siêu thị, bé Sún làm rơi điện thoại của mẹ lúc nào không hay, đang qua quầy thanh toán, một bác í ới gọi vì nhặt được đồ của chị làm rơi. 

Chị Thư nhẹ nhàng bảo bé: “Sún thấy bác ấy tốt không? Mẹ rất vui và phải cảm ơn bác ấy nhiều đấy”. Thế là Sún nhanh nhảu: “Con cũng sẽ trả lại cho bác ấy nếu bác ấy bị rơi đồ ạ”. 

3 tuổi, bé đã “bo bo”

Khác với chị Thư, chị Lê Hường (Hàng Nón, Hà Nội) đang đau đầu khi bé Tít nhà chị thích “bo bo”. Ông bà bố mẹ mua rất nhiều đồ chơi cho bé nhưng tuyệt nhiên, bé không cho ai được sờ vào đặc biệt là các bạn hàng xóm. 

Chị còn nhớ như in, có một hôm, mấy bà bạn rủ “offline” để khoe con. Theo dự định có 4 gia đình nữa đưa con đến nhà chị giao lưu. Các bố mẹ đang tíu tít nói chuyện ở ngoài, chị giật mình thon thót khi nghe tiếng Tít ở phòng trong: “Cút ngay, không được đụng vào đồ của Tít”.

Chạy vào phòng, chị thấy Tít đang giằng co đồ chơi với một bạn ít tuổi hơn. Chị chia sẻ rằng đây không phải lần đầu tiên chị bối rối khi con mình tỏ thái độ như vậy. 

Hay có lúc hai mẹ con đang đứng trong hiên nhà, Tít chứng kiến cảnh một bạn nhỏ (lớn hơn Tít vài tuổi) đang chạy sau lưng mẹ trú mưa, người bạn đó bị ướt hết. Mẹ bảo: “Tội nghiệp bạn”. Tít bảo: “Bẩn chết”. 

Chị khá lo lắng vì sợ con ích kỷ. Chị hoang mang không biết nên dạy bé bắt đầu từ đâu và như thế nào?

Dạy bé bằng tình yêu của cha mẹ

Khi bé bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của tuổi lên 3, bé đã biết chia sẻ nhưng thể hiện được hay không lại là việc khác. 

Để bé biết thông cảm, sẻ chia, nhường nhịn, bố mẹ nên cho bé tiếp xúc với môi trường rộng lớn bên ngoài, cho bé đến công viên để nhìn, chơi những trò chơi mang tính cộng đồng chẳng hạn. 

Ví dụ như ngày sinh nhật bé, bạn có thể mời bạn bè hàng xóm hoặc bạn bè cùng lớp mẫu giáo của bé đến chơi. Ngày đó, bạn hãy thì thầm với bé rằng: “Con mời bạn miếng bánh gato nhé”. Chắc hẳn bé sẽ rất vui được làm điều đó. 

Sẽ là sai lầm khi bạn chì chiết bé ích kỷ, những lời nói cùng những hình phạt đó không thích hợp trong lúc này. Bởi hành động đó chỉ khiến bé càng nuôi dưỡng sự khó chịu, bực tức vì… chưa hiểu rõ.

Bạn hãy nói với con rằng chia sẻ với các bạn khác thì vui hơn rất nhiều là giữ riêng khư khư một mình.

Bố mẹ cũng nên “chuyển giao” vài việc đơn giản cho bé. Bởi việc bé giúp đỡ người thân cũng là một bằng chứng chứng minh bé quan tâm, chia sẻ với người khác.  

Chị Phương Linh (Ngõ 15, Nghĩa Dũng, Hà Nội) cũng chia sẻ một bí quyết giúp bé biết thông cảm và sẻ chia với người khác đó là cứ khi nào có đợt, chị lại rủ bé Trà (4 tuổi) đóng một thùng quần áo cũ, bánh kẹo, thùng mỳ để làm từ thiện cho các bạn nhỏ gặp lũ lụt. 



Nếu muốn dạy con thành người biết quan tâm, chia sẻ, trước tiên bố mẹ hãy thực hành điều đó.
“Dạy con thế này mới là dạy chứ!” 2