Hầu hết trẻ em đều rất thích thú với các đồ ăn vặt, thậm chí chúng còn sẵn sàng bỏ bữa khi trong nhà có nhiều đồ ăn vặt.

Đồ ăn vặt thường chứa rất nhiều đường và chất béo. Nguy hiểm hơn, những đồ ăn này có thể tạo ra các thói quen và hành vi xấu ở trẻ. Bởi vậy, cha mẹ nên cân nhắc trước việc lựa chọn những đồ ăn này cho con mình.

Dưới đây là những tác động xấu mà đồ ăn vặt có thể mang lại cho bé:

Khiến trẻ trở nên hung hăng

Các đồ ăn nhanh và đồ ăn vặt thường không có đủ các chất dinh dưỡng như Vitamin B, sắt, kẽm và protein. Việc thiếu hụt thường xuyên những chất dinh dưỡng này có thể dẫn tới các hành vi hung hăng ở trẻ nhỏ.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 41% trẻ suy dinh dưỡng có biểu hiện của hành vi hung hăng khi lên 8 tuổi và 51% có biểu hiện bạo lực và coi thường pháp luật khi ở tuổi 17. 

Hình thành thói quen ăn uống “vô tội vạ” ở trẻ

Việc cha mẹ cho phép trẻ ăn quá nhiều đồ ăn vặt và đồ ăn nhanh sẽ hình thành thói quen ăn uống “vô tội vạ” ở trẻ, bởi khi đó trẻ sẽ nghĩ rằng mình được lựa chọn các loại đồ ăn ưa thích mà không được giáo dục tốt về dinh dưỡng.

Theo nghiên cứu, bộ não có thể phản ứng với các đồ ăn nhanh theo cách phản ứng với các chất gây nghiện khác như cocaine hay heroin. Do vậy, thường xuyên ăn đồ ăn nhanh sẽ tạo ra thói quen vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì cũng như các vấn đề sức khỏe khác ở trẻ khi bé ăn quá nhiều.

Ảnh hưởng tới khả năng học tập của trẻ

Khả năng học tập của trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như di truyền, sự phát triển trí não và các yếu tố môi trường. Tuy nhiên, việc cho phép trẻ ăn quá nhiều đồ ăn nhanh và đồ ăn vặt sẽ ảnh hưởng tới phát triển nhận thức trong quá trình học tập, bởi những đồ ăn này thường không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Thậm chí, trẻ còn có thể mắc các rối loạn như chứng khó đọc, giảm khả năng tập trung nếu ăn quá nhiều đồ ăn vặt mà không ăn các thức ăn khác.

Khiến trẻ trở nên hiếu động thái quá

Những trẻ hiếu động thường khó ngồi yên một chỗ và chỉ tập trung được trong thời gian ngắn. Nghiên cứu chỉ ra rằng, đồ ăn vặt chứa nhiều đường có thể làm tăng mức độ hiếu động ở trẻ nhỏ.

Những đồ ăn chứa nhiều đường có thể ảnh hưởng tới sự ổn định lượng đường trong máu. Ăn quá nhiều đồ ăn này sẽ dẫn tới các hành vi bùng phát để giải phóng năng lượng, nguy hiểm hơn có thể dẫn chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Đây là một chứng rối loạn thường gặp ở trẻ từ 3-12 tuổi. Trẻ mắc rối loạn này thường có biểu hiện quá hiếu động so với những đứa trẻ bình thường khác.