Anh cả hơn tôi 10 tuổi. Ngày tôi bắt đầu biết nhận thức sự việc thì anh tôi đã học cấp 2. Nhà nghèo, việc lo cho ba anh em ăn học nhiều khi khiến bố mẹ tôi kiệt sức. Rồi bố tôi mất vì lao động quá sức, gánh nặng gia đình đè hết lên vai mẹ tôi. Vì còn bé nên tôi chỉ biết láng máng nhớ rằng hôm nào mẹ cũng phải dậy đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Mọi việc ở nhà mẹ giao hết cho anh cả quản lý. Anh vừa đi học, vừa trông em. Những lúc đến trường thì anh gửi tôi cho hàng xóm, lúc về thì lại đón về và cho tôi ăn. Hôm nào anh về muộn mà trong nhà không có gì ăn là tôi sẽ bị đói hoặc ăn không no. Anh thường nhường phần thức ăn ít ỏi của anh cho tôi. Cả nhà tôi bốn người cứ dựa vào nhau mà sống như vậy.
Ngay hôm sau anh xin đi đi phụ hồ cho một công trình xây dựng gần nhà. Nhỏ người sức yếu nhưng anh vẫn cố gắng làm việc, cho dù anh chỉ được trả bằng nửa công so với người khác. Mẹ tôi không nói qua với anh một lời. Mẹ bảo, nếu còn là con của mẹ thì phải đi học, còn nếu không mẹ sẽ mặc kệ anh. Cứ thế, đến cả tháng mẹ vẫn giận anh, còn anh vẫn chăm chỉ đi làm. Cuối tháng anh đưa toàn bộ tiền công cho mẹ nhưng mẹ không cầm.
Thấm thoắt, anh đã đi làm được một năm, mẹ cũng đã bớt giận anh nhưng vẫn tỏ ý muốn anh quay lai học. Cả một năm anh đi làm, lần nào anh đưa tiền mẹ anh cũng không nhận. Thế là anh dùng tiền đó mua cho các em thứ này thứ kia, để các em không quá thiếu thốn so với bọn trẻ con hàng xóm.
Một ngày, anh đi làm từ sáng sớm như mọi hôm. Nhưng đến tối cũng không thấy về. Mẹ tôi đi tìm anh cũng không thấy. Mẹ chỉ thấy một bọc tiền dưới gối của anh cùng mảnh giấy anh để lại với vài chữ nghuệch ngoạc: “Mẹ, con đi làm xa. Con bất hiếu. Khi nào kiếm được nhiều tiền con sẽ về. Số tiền này mẹ cầm lấy và lo cho các em ăn học. Con của mẹ”.
3 năm trôi qua, anh chưa một lần về nhà, thư cũng không gửi. Nhưng thỉnh thoảng lại thấy anh gửi tiền về cho mẹ. Từ hôm anh đi, gần như ngày nào mẹ cũng khóc vì nhớ thương anh.
Một ngày đẹp trời, mẹ bảo mẹ ở nhà với mấy anh em tôi vì mẹ có linh tính là hôm nay anh sẽ về. Anh về thật, lành lặn, nguyên vẹn, rắn rỏi hơn trước nhiều. Một thằng bé mười tuổi như tôi chỉ biết khép nép đứng ở cửa nhìn anh, còn mẹ tôi thì lao ra ôm chầm lấy anh. Khỏi phải nói mẹ tôi mừng đến mức nào.
Hóa ra, anh bảo, sắp đến ngày sinh nhật mẹ, anh về để mừng sinh nhật mẹ, bao nhiêu năm rồi mẹ không được biết đến kỉ niệm sinh nhật là gì. Từ khi ra thành phố, thấy người ta tổ chức sinh nhật, tặng quà cho mẹ mình, anh cũng muốn về quê nhân dịp sinh nhật mẹ để tặng mẹ món quà mà anh đã mua lâu lắm rồi nhưng vẫn giữ mãi vì chưa dám về gặp và tặng mẹ.
Mẹ khóc, anh cũng khóc. Tuy nhiên thằng bé 10 tuổi là tôi cũng kịp nhận ra ánh mắt mẹ sáng lên niềm tự hào. Mẹ tôi hẳn tự hào lắm về đứa con “ít học” nhưng có hiếu của mẹ là anh tôi.