Trong những ngày miền Bắc chìm trong đợt rét mạnh kéo nền nhiệt xuống dưới 10 độ C, đồng loạt các trường tiểu học thông báo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Thế nhưng, tại các trường ở Nhật Bản, trẻ em vẫn đến trường với một bộ đồng phục “trên đông dưới hè” dưới thời tiết 2 độ C. Các trường học và cả cha mẹ Nhật tin rằng, thời tiết giá lạnh chính là cơ hội để trẻ được rèn luyện sức khỏe và nâng cao sức đề kháng. Trong khi đó, tại các nước châu Âu, các hình thức rèn luyện cho trẻ sơ sinh cũng được áp dụng trong tiết trời buốt giá.

Trẻ em Nhật được rèn luyện sức chịu đựng từ khi còn rất nhỏ

Dưới 10 độ C, trẻ em Việt được nghỉ học, trẻ em Nhật mặc quần đùi đi học để… bị ốm
Đồng phục thường thấy ở các trường mầm non Nhật Bản.

Hẳn sẽ rất nhiều bà mẹ ngạc nhiên khi biết trẻ em Nhật Bản có những bài học giáo dục thể chất trong trời lạnh ngay từ khi còn học mầm non. Những em bé 3-4 tuổi ở Nhật khi đi mẫu giáo không biết đến các loại đồng phục mùa đông, chúng chỉ mặc quần soóc và áo phông suốt cả năm và bắt buộc phải tham gia các hoạt động ngoài trời trong thời tiết giá lạnh. 

Có trường học cho trẻ khởi động khoảng 15 phút đầu giờ, nhảy dây cùng nhạc để làm ấm cơ thể. Một hoạt động truyền thống của học sinh mẫu giáo là ngày hội “chạy bộ rèn luyện mùa đông”. Tại đây, các em bé trong độ tuổi mầm non sẽ mặc quần đùi, không mang áo và đi chân trần, vừa đi bộ hoặc chạy bộ vừa hô vang những khẩu hiệu thể hiện quyết tâm chống chọi với cái lạnh mùa đông. Những đứa trẻ được rèn luyện theo một cách mà nhiều người cho là khắc nghiệt như vậy được tin rằng sẽ trở nên khỏe mạnh hơn, miễn nhiễm với các loại ốm thông thường và được gọi là “những đứa trẻ lớn lên trong gió”.
 
Dưới 10 độ C, trẻ em Việt được nghỉ học, trẻ em Nhật mặc quần đùi đi học để… bị ốm
Học sinh mầm non ở Nhật tham gia rèn luyện thân thể trong ngày giá lạnh.

Tuy nhiên, khi được hỏi, các bậc cha mẹ Nhật đều trả lời: “Dĩ nhiên là con sẽ bị ốm rồi. Mục đích của trẻ con đi học là để bị cảm lạnh và bị ốm”. Sau khi trải qua được thử thách đầu đời này, các em sẽ có sức đề kháng hơn hẳn những bạn đồng trang lứa từ các quốc gia khác.

Học sinh tiểu học và trung học ở Nhật cũng tiếp tục với cách rèn luyện thân thể như vậy, dù là nam hay nữ. Nhiều người hẳn đã quen với hình ảnh nữ sinh Nhật mặc đồng phục váy ngắn tới trường vào mùa đông nhưng không hề biết trẻ em tiểu học chỉ mặc quần đùi bất chấp nhiệt độ hạ xuống rất thấp. Kể cả khi thời tiết rét buốt và có tuyết rơi, cửa sổ lớp học cũng được mở ra, khiến tuyết thậm chí còn bay vào trong lớp học. Khác với nhiều người lo ngại trẻ sẽ bị cảm vì gió lạnh, một số cha mẹ người Nhật lại tin rằng, cúm có ở xung quanh, chính không khí trong lành sẽ đẩy bớt vi trùng đi nơi khác.
 
Những học sinh tiểu học mặc áo phông tới trường vào mùa đông còn được cô giáo tuyên dương, thậm chí còn có một “hạng mục” thi xem trẻ có thể chịu lạnh đến mức nào. Với kiểu “huấn luyện” đặc biệt này, trẻ em Nhật được cho là có sức đề kháng rất tốt, nền tảng thể lực dồi dào (trẻ em cấp 1 ở Nhật có thể leo núi trong 4 giờ đồng hồ), đồng thời có thể rèn được tính kiên trì, tự lập ngay từ khi còn bé.
 

Học sinh ở Nhật luôn mặc “mát mẻ” kể cả trong mùa đông.

Cũng giống với Nhật Bản, các quốc gia Bắc Âu cũng thường xuyên phải trải qua mùa đông khắc nghiệt với nhiệt độ thường xuyên ở mức âm. Nhưng đây lại chính là một điều kiện “lý tưởng” để các em bé được “ra gió”. Ở Thụy Điển, các mẹ thường đặt con trong xe nôi rồi “phơi” con ngoài trời khi nhiệt độ khoảng -5 độ C, các bé sẽ “tận hưởng” giấc ngủ buốt giá này trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ. Đây đã trở thành truyền thống ở Thụy Điển. Tại Forskolan Orren, một trường mẫu giáo ở ngoại ô Stockholm, tất cả trẻ em đều ngủ ngoài trời cho tới khi chúng 3 tuổi. Theo họ, tiếp xúc với không khí trong lành, thoáng đãng như thế này là cách giúp bé khỏe hơn, không mắc cảm cúm.
 
Brittmarie Carlzon, hiệu trưởng của trường, tiết lộ: “Khi nhiệt độ xuống tới -15°C, chúng tôi luôn dùng chăn phủ ngoài các xe nôi … Năm ngoái, chúng tôi có vài ngày nhiệt độ chỉ đạt -20°C. Trong những ngày này, chúng tôi mang các xe nôi vào trong nhà trong một khoảng thời gian nhất định khi bọn trẻ ngủ, nhưng hầu hết thời gian chợp mắt của chúng vẫn diễn ra ở ngoài trời”. 
 

Truyền thống cho con ngủ ngoài trời được áp dụng với cả những bé chỉ vài tuần tuổi. Nhiệt độ thích hợp là -5 độ C, theo Marjo Tourula.

Nhà nghiên cứu Marjo Tourula, Phần Lan chỉ ra rằng, ngủ ngoài trời giúp trẻ có thể ngủ được lâu hơn, và với các bé sơ sinh, việc quấn tã trở nên dễ chịu hơn. Nhưng một nguyên tắc quan trọng cần nhớ là phải chú ý đến quần áo của trẻ khi để trẻ ngủ ngoài trời. Người Thụy Điển cho rằng “không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo tệ”. Một nghiên cứu ở Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển cho biết, một số trẻ mẫu giáo sinh hoạt ngoài trời nhiều hơn (không chỉ riêng việc ngủ) có thời gian nghỉ ốm ít hơn các bạn cùng tuổi nhưng thường xuyên ở trong nhà.

Thử thách “dội nước đá” của trẻ em Nga

Dù không phải truyền thống như ở Nhật hay Thụy Điển, một trường mẫu giáo ở Nga cũng từng khiến các bố mẹ nước ngoài ngạc nhiên khi cho học sinh tham gia thử thách “tắm” nước lạnh giữa trời băng giá. Dưới giá rét -10 độ C, trẻ em mẫu giáo ở một ngôi trường tại thành phố Barnaul, vùng Siberia, Nga, mặc đồ bơi ra ngoài, khởi động làm ấm cơ thể và hào hứng tham gia vào một hoạt động thường ngày, đó là dùng những chậu nước lạnh dội lên người. 
 

Đây là hoạt động tự nguyện của cả học sinh và phụ huynh ở trường này.

Dưới 10 độ C, trẻ em Việt được nghỉ học, trẻ em Nhật mặc quần đùi đi học để… bị ốm
Nhiều nơi khác trên nước Nga, trẻ cũng có các bài tập thể dục hàng ngày giữa trời giá rét.

Hiệu trưởng trường mẫu giáo, Olesya Osintseva, người có gần 20 năm kinh nghiệm dạy cho trẻ những bài tập như thế này, cho biết: "Sau 6 tháng tập đổ nước lạnh lên người khi trời lạnh, các em có biểu hiện chống chọi tốt hơn với bệnh tật”. Một kết quả khảo sát đáng ngạc nhiên đã chứng minh điều bà Olesya nói, chỉ có 5% số trẻ tắm nước lạnh bị ốm, trong khi đó, 25% số trẻ không dội nước lạnh mắc bệnh.
 
(Nguồn: BBC, sopheliajapan, chinanews)