Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Chị Đỗ Thị Hoa, một bà mẹ tuổi ngoài 30 bộc bạch: “Tôi thấy giới trẻ ngày càng ích kỷ, tôi rất sợ con mình cũng như thế nên phải dạy con mình cách sẻ chia ngay từ bé”. Sự nhạy cảm của người mẹ đã cho chị Hoa cách nghĩ “phòng bệnh hơn chữa bệnh”: “Để con cái hư rồi mới giáo dục thì đã muộn, mình phải phòng bệnh vô cảm với nỗi đau của người khác cho con bằng cách chăm bón cho hạt giống yêu thương trong con nẩy mầm”. Theo chị Hoa, khi dạy con yêu thương mọi người, cháu sẽ không chỉ sống có tâm mà còn có được bình an trong cuộc sống sau này.
Ảnh: Internet
Không nói suông, mỗi chuyến đi làm công tác từ thiện, chị đều dắt cậu con trai 14 tuổi theo. Đến trung tâm nuôi dạy trẻ nào, chị cũng nhắc con phải biết chia sẻ với những bạn kém may mắn và dạy con để dành tiền nuôi heo đất làm từ thiện.
Tại những buổi tổng kết chương trìnhGiáng sinh ấm của nhóm Những ước mơ xanh (TP.HCM), chúng tôi thường bắt gặp hình ảnh bà mẹ trẻ dắt đứa con nhỏ ôm chú heo đất xinh xắn tới tặng các bạn nhỏ nhà nghèo. Đến hẹn lại lên, hai mẹ con chị Anh Thư và bé Trúc Nhã lại cùng đi làm từ thiện với triết lý giản đơn: “Dạy con phải dạy từ thuở còn thơ, để con thấm dần những giá trị đạo đức. Có như thế, con cái mới nên người, mới đủ sức đề kháng trước những cái xấu đang bủa vây xung quanh”.
Để lại gì cho con?
Nhiều bà mẹ, ông bố thương con và có suy nghĩ sẽ dành những gì tốt nhất cho con. Chính vì vậy, họ ra sức “cày bừa”, thậm chí còn bằng mọi giá để con có cuộc sống sung túc. Quên dạy con hoặc không để ý đến con là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc con cái hư. Bên cạnh đó, do cha mẹ chú trọng vật chất, nhiều lời nói, hành động vô tình được truyền qua con. Con cái dần dà sẽ bị ảnh hưởng lối sống ấy mà trở nên chai sạn cảm xúc.
Chị Lê Thị Thanh ở Quảng Nam cho biết: “Tôi nghĩ thương con là bổn phận, trách nhiệm của bất kỳ người làm cha, làm mẹ nào. Nhưng thương con mà không dạy con lễ nghĩa, nhân đức ở đời thì… vô tình hại con. Có của, chúng sẽ hoang phí và sẽ gian trá mất thôi”.
Chia sẻ của chị Thanh cũng chính là điều thạc sĩ Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM) thường nhắc tới trong tất cả những buổi nói chuyện của mình: “Cha mẹ nên cùng con xem tivi, đọc báo, cùng con thảo luận về những mảnh đời bất hạnh và cùng bàn cách giúp đỡ trong khả năng của gia đình. Cha mẹ nên quan sát những người sống xung quanh xem ai cần giúp đỡ để sẵn sàng “mua láng giềng gần”, và tập cho con thói quen biết quan tâm, giúp đỡ người xung quanh. Một môi trường xóm phố mà mọi người quan tâm đến nhau rất quan trọng với trẻ”.