Các bé khi được 2, 3 tháng tuổi bắt đầu có thói quen mút tay. Các chuyên gia chỉ ra rằng động tác mút tay của trẻ sơ sinh và các bé hơn một tuổi có ý nghĩa không giống nhau. Khi trẻ sơ sinh mút tay đó chính là dấu hiệu về sự phát triển trí lực, là mốc đánh dấu một bước phát triển mới của bé chính vì vậy bạn đừng vội cướp đi niềm vui này của bé nhé!
Đừng vội lo lắng khi bé sơ sinh mút tay, vì đó là biểu hiện của sự phát triển não bộ của trẻ.
Bác sĩ Lê Nghĩa Dân ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Thiên Tân (Trung Quốc) chỉ ra rằng, các bé mới sinh chỉ có thể nắm tay, khua tay vì trên thực tế não bộ của bé chưa đủ sức điều khiển để cho bé đưa tay vào miệng. Đến tháng thứ 2-3 trở đi, não bộ của bé phát triển hơn, khi đó bé bắt đầu biết đưa tay lên miệng để mút. Mút tay là một cách bé học tập và chơi, lúc đầu bé sẽ đưa cả bàn tay vào miệng rồi dần dần đưa 3 ngón tay, 2 ngón tay và cuối cùng khi não bộ phát triển đến mức độ cao hơn thì bé sẽ chỉ đưa 1 ngón tay vào miệng mà thôi.
Hiện tượng mút tay của bé là hết sức tự nhiên, chính vì vậy bạn hãy chú ý cắt móng tay và thường xuyên vệ sinh tay cho bé. Trong trường hợp muốn hạn chế việc bé mút tay bạn có thể cho bé cầm xúc xắc đủ to để bé không cho vào miệng được.
Từ khi sinh cho đến khi bắt đầu nhận thức được thế giới bên ngoài là cả một quá trình lâu dài, hành động mút tay là dấu hiệu giúp bạn nhận biết bé yêu nhà mình đang phát triển và bắt đầu tìm tòi thế giới xung quanh. Tuy nhiên nếu bé từ 2 tuổi trở lên mà vẫn còn mút tay thì lúc đó mút tay lại trở thành thói quen xấu chứ không còn là dấu hiệu của sự phát triển não bộ của bé.
TrangMT
Theo BB