Từng có 6 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Và từ khi bé Masao hơn 1 tuổi, mẹ Masao còn có thêm cơ hội trải nghiệm "công việc" của một người mẹ có con đi học mẫu giáo. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao hẳn sẽ khiến chúng ta có một cái nhìn khác về hệ thống giáo dục mầm non ở Nhật Bản. |
Cuống cuồng mua sắm trước khi cho bé nhập học
Gửi trẻ đi học mầm non ở Nhật cần một sự chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng, và nó được coi là thử thách to lớn đối với các bà mẹ nước ngoài sống ở đây. Trước khi viết bài này, tôi có lên mạng tìm hiểu câu chuyện của vài bà mẹ nước ngoài đang sống ở Nhật gửi con đi học, kể cả những bà mẹ Âu Mỹ, nhưng cùng là những người hoàn toàn xa lạ với hệ thống giáo dục mầm non Nhật, họ và tôi đều chung hoàn cảnh: ai cũng bối rối và cần bí quyết để “sống sót” cả.
Ở Nhật đã lâu, tôi rất thấu hiểu nguyên tắc 80% là chuẩn bị, 20% là hành động của người Nhật, và tất cả những chuẩn bị cho trẻ đi học đều có mục đích nhất định. Thế là mùa nhập học tới, khi hoa anh đào nở rộ ngoài kia, chúng tôi cũng chỉ thu xếp được một buổi ngắm hoa, rồi cuống cuồng mua sắm để cho em bé nhà mình tới trường.
Gian hàng bán đồ cho bé nhập học mầm non ở Nhật.
Các loại bảng tên để mẹ đính vào áo và đồ dùng của bé khi mang đến lớp.
Các loại túi và vải may túi để đựng đồ dùng cho con khi đi học mãu giáo.
Đồ dùng đi học: Rất nhiều và rất đắt
Vì tôi chọn làm việc tự do tại gia, không đủ điều kiện để xin cho con vào trường công của nhà nước nên bé Masao được gửi tới một trường mầm non tư thục có tuổi đời 106 năm của thành phố, nơi tôi luôn tin là ngôi trường áp dụng mẫu mực các chuẩn mực về giáo dục mầm non của Nhật. Học phí tại các trường công gần như không đáng bao nhiêu, còn trường tư thục có cao hơn chút đỉnh, tuy nhiên chi phí sắm đồ cho các bé đi học mầm non ở đây mới thực là đắt đỏ.
Chi phí giáo dục là rất nhiều đồ dùng, quần áo và sách vở học cụ cho một đứa trẻ đi học mần non. Trước khi nhập học, chúng tôi có vài buổi họp phụ huynh và đo đạc để mua cho bé đủ chục món quần áo bao gồm: đồng phục gồm áo và mũ, cặp sách, giày đi trong trường (các sàn nhà ở trường mẫu giáo Nhật thường là sàn gỗ sạch bóng), quần áo thể thao 3 bộ (2 bộ mùa hè 1 bộ mùa đông), áo mặc đi chơi, 3 loại mũ cho bé, học cụ, đồ dùng ăn uống (cốc tách, bộ thìa đũa), đồ dùng vệ sinh cá nhân (bàn chải đánh răng, khăn mặt).
Rất nhiều đồ các bố mẹ phải mua cho con trước khi đi học mẫu giáo ở Nhật.
Học cụ cũng rất phong phú để hướng tới sự giáo dục toàn diện, bao gồm: vở học, vở tô màu, sách và truyện tranh mua mỗi tháng, đất nặn, kéo, dụng cụ tạo hình đất nặn, nhạc cụ pianika (một loại nhạc cụ phối hợp giữa đàn piano và kèn harmonica) cho bé.
Tất cả những sản phẩm trên chúng tôi có thể mua ở ngoài nhưng để theo chuẩn chung, tôi quyết định mua ngay tại trường. Đồ đạc chất thành hai túi cỡ đại, và khi mở ra, tôi nhận thấy một điều, chúng hoàn toàn 100% là sản phẩm Made in Japan. Có lẽ vì thế mà giá của chúng chẳng dễ chịu tý nào, ví dụ đơn cử, một áo nỉ thể thao trơn cho em bé mẫu giáo có giá 30$.
Sau này tìm hiểu tôi mới biết nhiều trường còn quy định nhất định nhãn hiệu hàng hóa cho từng mặt hàng, ví dụ giày thì phải Oasics, áo vest cho trẻ phải của hãng nội địa có giá lên tới hàng trăm đô la. Người Nhật họ có sự lựa chọn và tin tưởng tuyệt đối với các sản phẩm nội địa và riêng sản phẩm giáo dục thì hàng Trung Quốc hoàn toàn không có chỗ chen chân.
Thìa dĩa, bình uống nước... cũng nằm trong danh sách các đồ dùng phải mang theo khi đi học.
Ngoài ra trường cũng cung cấp khá nhiều hạng mục bố mẹ cần cân nhắc đầu tư cho trẻ: khẩu phần bổ sung vitamin, tạp chí giáo dục hàng tháng, chi phí học bơi, học tiếng Anh, tham gia các hoạt động ngoại khóa…
Phân loại đánh dấu đồ đạc cũng chẳng dễ dàng
Tôi đã từng đọc một bài báo của một phụ huynh Trung Quốc phản ánh về chuyện phải chuẩn bị nhiều túi cho trẻ tới trường, tới nay thì mới thực sự được trải nghiệm. Bạn cần túi để bé đựng giày, túi đựng quần áo, túi đựng dụng cụ âm nhạc, túi nhỏ để bạn đựng các bộ khăn cốc và bàn chải đánh răng, túi đựng khăn mặt…
Đối với túi đựng giày và quần áo, ngay từ đầu nhà trường đã quy định kích thước cụ thể và gợi ý các bà mẹ nên tự tay làm chúng thật dễ thương để gửi gắm yêu thương tới trẻ (trước đây có một thời gian nhiều trường còn yêu cầu túi phải được mẹ may bằng tay hoàn toàn). Còn nếu bạn không có điều kiện tự làm, có thể ra ngoài mua cũng không sao, nhưng rồi bạn sẽ thấy cái giá của “tình thương handmade của mẹ” ngay: 1 bộ 3 túi vải ngoài tiệm có giá 30$, trong khi tấm vải rất đẹp đủ để cho mẹ may cả 3 túi đó chỉ có giá 6$ thôi.
Tất cả đồ dùng của con ở trường đều phải được ghi tên và dán nhãn.
Sau khi mua sắm xong xuôi cũng là lúc người mẹ trổ tài khéo léo và tỉ mẩn để đánh dấu tên con lên đồ đạc của mình. Tôi từng nghe kể trước đây các bà mẹ Nhật vất vả tới nỗi phải tự tay may bảng tên với kích thước chuẩn, và thêu tên của con mình lên từng món đồ rồi đính lên vị trí đã được quy ước sẵn. May thay ngày nay, người ta đã chuẩn bị sẵn bảng tên trên các món đồ của trẻ, và bạn chỉ việc mua bút dạ không trôi viết lên là xong.
Đối với các học cụ của bé, tôi phải ngồi dính băng dính lên tất cả những thứ có thể thất lạc: Ví dụ hộp bút màu 12 cây, bạn cần ghi tên của bé lên nắp trước, thân hộp, và lên từng cây bút một. Hộp hồ nước cũng cần dán tên lên cả nắp và thân hộp. Giày của bé phải ghi tên lên cả mặt trước và mặt sau… Và cứ sau mỗi tuần lại đem hết đồ dùng của con về nhà để giặt giũ, lau rửa và viết lại phần chữ đánh dấu bị mờ.
Việc chuẩn bị kĩ lưỡng khi cho con đi học mầm non ở Nhật nhằm tạo cho bé thói quen ngăn nắp và sắp xếp khoa học.
Loay hoay với đống đồ cũng sẽ hết của bạn hàng tiếng đồng hồ. Cảm giác sau khi hoàn thành nhiệm vụ này khiến tôi có thể thở phào nhẹ nhõm.
Mục đích của tất cả những điều này là duy trì nền nếp trong gia đình lẫn nhà trường, tạo cho bé thói quen ngăn nắp và sắp xếp đồ đạc cá nhân khoa học, biết cách phân chia các hạng mục đồ đạc từ khi còn nhỏ. Bé có thể học được việc tự nhận biết và cất dọn đồ đạc của mình mà không cần tới sự giúp đỡ của người lớn. Các bé cũng học được tính cách lịch sự, không xâm phạm đồ đạc cá nhân, không mượn hay làm nhầm lẫn của nhau.
(Còn tiếp)