Thay vì uống 1/6 viên một lần thì mẹ cháu lại cho uống đến 1/4 viên khiến mắt bé trợn ngược, khó thở. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị ngộ độc thuốc chống nôn có chất Metoclopramide.
Ngay lập tức cháu được điều trị bằng thuốc an thần chống gồng ưỡn. Sau 12 giờ điều trị, bệnh nhi mới có dấu hiệu bình phục.
Người nhà cho biết do thấy cháu nôn nhiều nên đã tự ý đến hiệu dược phẩm mua thuốc chống nôn cho bé uống. Do viên thuốc quá nhỏ khó chia làm 6 phần (theo hướng dẫn của dược sĩ bán thuốc) nên mẹ cháu bé đã ước chừng bằng cảm tính khoảng 1/4 viên. Hậu quả, sau khi uống được 2 liều, bệnh nhi có biểu hiện lừ đừ, tiếp xúc kém, mắt nhìn lên rồi ưỡn mình, ưỡn cổ.
Bé Thiện vừa may mắn được cứu sống sau khi bị mẹ cho uống thuốc quá liều. Ảnh: nhidong.org. |
Cách đây không lâu, cháu Nguyễn Văn Hải, 2 tuổi, ngụ tại Bình Chánh cũng phải nhập viện vấp cứu vì ngộ độc thuốc giảm sốt do uống quá liều. Chị Thu, mẹ cháu bé cho biết, do thấy Hải không bớt nóng sau khi uống thuốc nên chị đã tự ý tăng liều.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, mỗi năm có đến 300 trường hợp tương tự. Trong đó, nhiều trẻ phải cấp cứu tích cực trong tình trạng thập tử nhất sinh vì sốc thuốc.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, lạm dụng thuốc, tự ý dùng thuốc có thể khiến trẻ tử vong vì ngộ độc. Ngoài ra trẻ còn dễ bị lờn thuốc gây khó điều trị nếu mắc bệnh ở những lần sau.
Một khảo sát gần đây của bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cho thấy, có đến gần 30% bà mẹ không cần kiểm tra loại, liều thuốc trước khi cho trẻ uống. 20% phụ huynh không biết rằng thuốc có thể gây hại cho trẻ. Ngoài ra, có gần 40% trường hợp đã tự ý bỏ hay tăng liều thuốc; lấy thuốc của trẻ này cho bé khác uống; sử dụng lại toa cũ; thậm chí có phụ huynh còn cho trẻ uống thuốc của người lớn.
"Việc tự khai bệnh không phải khi nào cũng chính xác, cho nên trẻ rất có thể bị uống nhầm thuốc hoặc uống phải các loại thuốc mà bản thân trẻ bị dị ứng", một bác sĩ cho biết.
Nguyên nhân của sự hiểu biết về thuốc chưa đầy đủ từ phụ huynh, theo các bác sĩ, là do thói quen đi mua thuốc cho trẻ uống theo kinh nghiệm của mình khi bị bệnh hoặc nghe theo lời người xung quanh. Một nguyên nhân thường thấy khác là do các bệnh hô hấp, tiêu hóa, cảm sốt ở trẻ thường không quá nặng để nhập viện nên phụ huynh dễ chọn cách tự khai bệnh, tự mua thuốc điều trị tại nhà.
Để tránh những tai nạn đáng tiếc, khi con trẻ bệnh, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên đưa bé đến các cơ sở y tế khám để được hướng dẫn điều trị. Sau khi đã có toa thuốc, phụ huynh cũng chỉ dùng thuốc theo đơn đi kèm với lần khám đó.
Trong những trường hợp cấp bách chưa thể đến bác sĩ thì việc đọc kỹ nhãn thuốc, liều dùng, trước khi cho trẻ uống thuốc là hết sức quan trọng. Riêng việc chia thuốc thành nhiều phần, nếu viên thuốc quá nhỏ, phụ huynh nên cà nhuyễn thuốc thành dạng bột để có thể chia dễ dàng hơn.
Ngoài ra, thuốc phải được cất giữ ở những nơi ngoài tầm với của trẻ để tránh ngộ độc. Nhiều trẻ nhỏ có thể nhầm tưởng thuốc là kẹo, nhất là những viên thuốc màu sắc xanh đỏ và có bọc đường, có thể tự nuốt vào bụng gây nguy hiểm tính mạng.
* Tên các bệnh nhi đã được thay đổi.