Mọi việc bắt đầu khi tôi đi siêu âm ở tuần thai thứ 20 hồi tháng 1/2013. Sau 7 lần thụ tinh nhân tạo, tôi đang mong chờ em bé thứ hai và cho tới lúc đó, chuyện bầu bí của tôi đều khá suôn sẻ. Nhưng khi bác sĩ nói tôi bị nhau tiền đạo, tôi quay sang bảo chồng: “Em không biết nhau tiền đạo là gì nhưng em có linh cảm rất xấu”. Chồng tôi, Jonathan, nói với tôi: “Chúng ta sẽ cùng xử lý khủng hoảng này. Còn bây giờ, có vẻ em hơi lo lắng quá rồi”.

Có thể tôi quá lo lắng nhưng tháng 2 năm đó, khi tôi đưa con gái đi học, chúng tôi đi ngang qua một đài phun nước khô cạn từ lâu, bỗng nhiên, trước mắt tôi hiện ra cảnh đài phun nước tứa ra đầy máu. Tôi gần như loạng choạng không bước nổi và tôi biết có điều gì đó không ổn.

Hình ảnh đáng sợ đó tiếp tục xuất hiện trong cuộc sống thường ngày của tôi. Ngay lúc đứng trong siêu thị mua đồ ăn, tôi vẫn mường tượng trong đầu mình sẽ chết thế nào khi vượt cạn. Tôi thấy những hình ảnh rất rõ ràng và cụ thể: Bé yêu của tôi sẽ chào đời an toàn nhưng các cơ quan trong cơ thể tôi trở nên rối loạn. Tôi bị xuất huyết ồ ạt và bác sĩ sẽ quyết định cắt bỏ tử cung của tôi. Kết cục là tôi sẽ chết (Nhau tiền đạo xảy ra với tỷ lệ 1/200 sản phụ. Trong một số trường hợp xấu nhất, nhau thai có thể thâm nhập vào tử cung và gây xuất huyết nhiều).

Hành trình vượt cạn
Stephanie Arnold bên chồng và con trai út.

Ai nghe tôi nói cũng bảo tôi lo quá đến mức lẩn thẩn mà thôi. Tôi đã đi khám vô số bác sĩ và sau rất nhiều xét nghiệm, nỗi sợ hãi của tôi được cho là không căn cứ.

Tôi quyết định sẽ tìm kiếm bất cứ trợ giúp nào có thể. Tôi kể chuyện của mình cho mọi người tôi gặp, hi vọng ai đó từng trải qua việc tương tự sẽ có thể cho tôi lời khuyên. Tôi còn đăng lên Facebook để hỏi xem ai có cùng nhóm máu với tôi. Tôi bắt đầu viết những lá thư vĩnh biệt dành cho cha mẹ, anh chị em của tôi, chồng tôi Jonathan, con gái riêng Valentina và con gái tôi, Adina. Tôi thậm chí còn gửi e-mail cho vài người. Tôi không mua gì cho em bé hay phòng của bé. Tôi không chụp bất cứ tấm ảnh nào trong suốt thời gian mang bầu. Tôi chắc chắn mình sẽ chết, với niềm tin mạnh mẽ tới nỗi tôi không muốn có bất cứ mối liên hệ, ràng buộc nào với cuộc sống này nữa.

Vì hiện tượng nhau tiền đạo, bác chỉ định mổ cho tôi ở tuần thai 37. Để giúp tôi bớt căng thẳng, bác sĩ phụ khoa của tôi sắp xếp cho tôi gặp chuyên gia gây mê trong ca mổ, đó là bác sĩ Grace Lim. Sau khi bác sĩ Lim kiên trì giúp tôi hiểu về kế hoạch phẫu thuật lần này, tôi quyết định kể cho cô ấy nghe về những linh cảm xấu của tôi. Bác sĩ đã ghi chú trong hồ sơ bệnh án của tôi rằng nên dự trữ thêm máu và chuẩn bị dụng cụ cấp cứu khẩn cấp trong phòng sinh mổ. Rốt cuộc quyết định của bác sĩ Lim đã cứu sống tôi.

Một tuần trước khi tôi lên bàn đẻ, chồng tôi có cuộc họp quan trọng ở New York. Tôi thì ở Chicago. Khi tôi bắt đầu chảy máu, tôi gọi điện thoại cho chồng và nói rằng em bé sắp chào đời. Ngay sau đó, tôi tới bệnh viện cùng cô giúp việc và con gái Adina, còn chồng tôi vội vàng thu xếp mọi việc để ra sân bay nhanh nhất có thể.

Hành trình vượt cạn.
Bé trai kháu khỉnh của vợ chồng Stephanie Arnold

Khi bác sĩ chuẩn bị cho ca mổ, tôi gửi tin nhắn trên Skype cho chồng tôi vì tin rằng chúng tôi sẽ không bao giờ được trò chuyện với nhau nữa: “Em chỉ muốn anh biết rằng anh là người quan trọng nhất trong cuộc đời em và anh là một người cha tuyệt vời. Các con luôn biết điều đó. Anh hãy chăm sóc mọi người và yêu con trai anh nhé. Cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, nhờ có anh, em là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian”. Tôi năn nỉ bác sĩ phẫu thuật đợi thêm chút nữa, cho tới khi chồng tôi về nhưng không được. Tôi phải tắt máy tính trước khi chồng tôi có thể gửi tin nhắn hồi âm cho tôi.

Rồi tôi quyết định phải thể hiện vẻ mặt vui vẻ nhất, dũng cảm nhất có thể khi ôm con gái 2 tuổi của tôi vào lòng. Tôi mỉm cười và nói với con: “Con sẽ sớm được gặp em trai Jacob của con thôi. Mẹ yêu con nhiều lắm”.

Khi y tá đưa tôi vào phòng mổ, tôi đã trào nước mắt bởi vì tôi biết, tôi sẽ không gặp lại con lần nữa. Sau đó, tôi nói với bác sĩ điều mà tôi đã lặp đi lặp lại suốt nhiều tháng qua: “Có điều gì đó không ổn và tôi sẽ không có cơ hội làm rõ đó là gì qua cuộc phẫu thuật này”. Cuối cùng, con trai tôi đã chào đời khỏe mạnh và trong vòng vài giây, tôi lên cơn co giật và ngừng thở. Tôi đã chết được 37 giây.

Sau đó, bác sĩ nói với tôi rằng tôi bị hội chứng tắc mạch ối (AFE). Hội chứng này xảy ra khi nước ối, tế bào thai nhi, bọt khí, chất gây, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn của mẹ, gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính. Mặc dù rất hiếm gặp, 40.000 sản phụ mới có 1 người mắc nhưng tỷ lệ tử vong lại cực cao: 80% số người mắc đều không qua khỏi. Đầu tiên, bạn sẽ bị suy tim phổi. Nếu may mắn là  trong 40% sản phụ qua được giai đoạn này, bạn sẽ bước vào giai đoạn thứ hai được gọi là hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa (DIC). Tôi bắt đầu xuất huyết ồ ạt và được truyền tới 60 đơn vị máu (thông thường một sản phụ sinh mổ chỉ cần truyền 6 đơn vị máu nhưng rõ ràng đây là sự chuẩn bị trước của bác sĩ Lim).

Hành trình vượt cạn
Stephanie Arnold hạnh phúc với 3 nhóc tỳ đáng yêu sau lần vượt cạn đáng nhớ.

Theo bệnh viện, tôi là sản phụ đầu tiên trong 20 ca tương tự đã sống sót mà không chịu bất cứ tổn thương thần kinh nào. Bệnh viện khẳng định có được điều đó là do họ đã chuẩn bị chu đáo. Nhưng đúng ra là tôi đã chuẩn bị cho họ.

Trải qua vô số đau đớn và khủng hoảng sau sự cố trầm trọng ấy, tôi đã dần hồi phục và tiếp tục được tận hưởng cuộc sống cùng chồng và ba con. Tôi tin rằng mọi người đều được ban tặng món quà này, đó là linh cảm, là trực giác. Mùa hè vừa qua, tôi lại có một linh cảm chẳng lành về việc sẽ mất Jacob khi tham dự hội chợ địa phương. Tôi không nói ra và rồi sau đó, đúng là Jacob đã biến mất. Khi chúng tôi tìm lại được cháu nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát, tôi gần như phát điên lên với chính mình chỉ bởi vì tôi đã không nói ra linh cảm đó và đề nghị chồng tôi chú ý tới con hơn.

Nếu bạn cảm nhận thấy điều gì đó, hãy mạnh dạn nói ra. Đó chính là bản năng người mẹ, là trực giác người mẹ. Tôi đã nói ra linh cảm của tôi hai năm trước và nhờ thế, tôi được cứu sống. Tôi cũng có thể linh cảm sai hoặc chịu thua trước nhận xét của mọi người và chấp nhận điều họ nói rằng tôi thật điên khi cứ nghĩ mình sẽ chết lúc vượt cạn. Trong cả hai trường hợp đó, tôi đều không thể sống được tới lúc này.

Vài nét về tác giả: Stephanie Arnold là tác giả cuốn sách “37 seconds” kể về hành trình vượt cạn đáng nhớ của mình. Cô có mặt trong một tổ chức chuyên nghiên cứu về hội chứng tắc mắc ối (Amniotic Fluid Embolism Foundation) và đảm nhiệm vai trò một giảng viên, một người truyền giảng kiến thức về AFE.


(Nguồn: Goodhousekeeping)