Trong hành trình áp dụng “giáo dục sớm” cho con, bố mẹ Nhật rất tin tưởng vào quan điểm “chỉ có tình yêu của cha mẹ mới là chìa khóa để mở ra cánh cửa trí tuệ và tài năng của trẻ” và đặc biệt chú trọng đến việc nuôi dưỡng tâm hồn và tính cách của trẻ ngay từ khi con còn trong bụng mẹ hay mới chào đời là những em bé sơ sinh.

Tâm hồn và nhân cách của trẻ em Nhật Bản được tình yêu của cha mẹ nuôi dưỡng qua những cuốn truyện có tranh minh họa gọi là “Ehon”. Bố mẹ Nhật coi Ehon là một trong những người bạn tốt nhất để dạy cho trẻ về tâm hồn và trí tưởng tượng, phát triển ngôn ngữ, tính sáng tạo nên gần như bố mẹ Nhật nào cũng yêu thích và chọn đọc hàng ngày cho con mình.

Truyện Ehon Nhật Bản thường được viết rất ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu với tranh vẽ tinh tế, sinh động, phong phú. Mỗi câu chuyện đều mang những thông điệp ý nghĩa về nhiều đề tài từ lịch sử, thiên nhiên, loài vật đến những câu chuyện trong đời sống thường nhật như tình cảm, gia đình, học đường…

Học bố mẹ Nhật cách dạy con qua việc đọc sách hàng ngày 1
"Bàn tay kì diệu của Sachi" là một trong những cuốn Ehon ý nghĩa của Nhật đã được dịch ra tiếng Việt. (Ảnh: Hải An)

Những câu chuyện giản di, gần gũi không chỉ ảnh hưởng tích cực đến việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ mà còn giúp xây dựng, gắn kết mối quan hệ tình cảm giữa cha mẹ với con. Việc đọc Ehon cho trẻ nghe được đánh giá là một trong những cách nuôi dạy con có hiệu quả cao ở Nhật Bản hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Thu, một mẹ Việt trẻ đang sống và làm việc ở Tokyo, Nhật Bản chia sẻ: “Ấn tượng sâu sắc nhất với mình là hầu như tất cả cha mẹ Nhật đều chú trọng dạy con về tâm hồn và trí tuệ qua việc đọc Ehon cho con nghe. Họ đọc truyện cho con nghe từ khi trẻ mới lọt lòng, rồi khi trẻ đã biết chữ, đã đi học tiểu học rồi trẻ vẫn thích cha mẹ đọc truyện cho nghe. Rất nhiều người lớn nói rằng họ vẫn thích đọc những truyện Ehon vì nội dung thật trong sáng và triết lí sống thì vẫn luôn đúng dù thời gian có trôi qua”.

Học bố mẹ Nhật cách dạy con qua việc đọc sách hàng ngày 2
Bố con bạn Bon (chồng và con của chị Nguyễn Thị Thu) đang đọc sách Ehon cho nhau nghe. (Ảnh: Mẹ Bon)

Cảm nhận được vai trò thiêng liêng đó của cha mẹ trong việc đọc sách cùng con, chị Thu chia sẻ thêm thú vui đọc sách của hai vợ chồng chị với cậu con trai vừa mới chào đời: “Bon mới sắp 3 tháng thôi nên những chuyện Ehon dành cho Bon đơn giản lắm. Chỉ là truyện khoảng 10-15 trang, mỗi trang đầy tranh và chỉ có 1 vài từ, cho đến 1 câu ngắn. Nội dung là những sự vật liên quan đến những thứ mà bé sẽ gặp hàng ngày hoặc những từ ngữ thể hiện các hành động mình hay làm với bé như “ôm, bế, cõng, giơ tay, xin chào, tạm biệt”, miêu tả tiếng kêu của các con vật, các đồ vật kèm theo các từ tượng thanh miêu tả âm thanh, tả màu sắc; hay là liên quan đến các loài vật, hoa quả, sự vật thiên nhiên như gió, mây, trăng, mặt trời, hoa lá, các việc bé làm như ăn,đi chơi, vẽ… Mỗi cuốn chỉ 2-5 phút là đọc xong.

Đặc điểm của Ehon dành cho bé 0 đến 1 tuổi là thường một hành động sẽ lặp đi lặp lại nhưng có tính kế tục. Còn dành cho các bé lớn tuổi hơn thì sẽ có các truyện dài hơn, lồng ghép các bài học để dạy bé về quy luật thiên nhiên, bài học nhân quả, bài học đạo đức… Đọc Ehon cho Bon nghe cũng là khoảng thời gian mọi người trò chuyện cùng Bon, dạy cho Bon mọi thứ, từng chút một, và quan trọng hơn là để Bon cảm nhận được tình yêu của cả nhà dành cho cậu”.

Nuôi dạy con kiểu Nhật từ nhiều năm gần đây đã trở thành “kim chỉ nam” hay “cuốn sách tham khảo” gối đầu giường của nhiều bố mẹ Việt, từ việc cho con ăn dặm, dạy con tự lập cho đến cách thể hiện tình yêu thương đối với con qua những việc làm cụ thể hàng ngày. Việc những cuốn Ehon Nhật Bản được dịch ra tiếng Việt đã thêm cho bố mẹ Việt một sự lựa chọn khi chọn sách cho con.

Học bố mẹ Nhật cách dạy con qua việc đọc sách hàng ngày 3
Bộ "Ehon Nhật Bản" đã được dịch ra tiếng Việt của "Tủ sách Người mẹ tốt". (Ảnh: Hải An)

Bộ sách Ehon Nhật Bản được dịch ra tiếng Việt gồm 4 cuốn: “Cá voi con ơi, lớn nhanh nào!”, “Trường mẫu giáo của chú voi Grumpa”, “Chiến công đầu tiên của bé Mi” và cuốn mới nhất là “Bàn tay kì diệu của Sachi” nằm trong “Tủ sách Người mẹ Tốt”.

Học bố mẹ Nhật cách dạy con qua việc đọc sách hàng ngày 4
(Ảnh: Hải An)

Nếu như “Cá voi con ơi, lớn nhanh nào!” mở ra cho các bé một câu chuyện kì thú dưới đáy đại dương của hai mẹ con nhà cá voi với tiếng hát ru rì rào sóng biển và khung cảnh đại dương mênh mông ngập tràn ánh trăng; hay “Chiến công đầu tiên của bé Mi” giúp các bé cảm nhận được sự quan trọng của mình trong gia đình và khi giúp đỡ người mình yêu thương nhất bằng tất cả trái tim thì đó chính là một “chiến công” tuyệt vời nhất thì “Bàn tay kì diệu của Sachi” lại là một câu chuyện vô cùng cảm động được viết bởi chính những cha mẹ có con bị khuyết tật bẩm sinh. Sự khác biệt của đôi bàn tay của Sachi là một “bài toán” nhỏ cho bất cứ bạn nhỏ nào khi đọc cuốn sách này. Các bạn nhỏ sẽ tìm được lời giải cho bài toán đó bằng tình yêu thương, sự thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt của người khác thông qua cuốn sách này, một bài học nhẹ nhàng nhưng thấm thía dành cho các bạn nhỏ và cả cha mẹ của các em nữa.

Theo một trang web rất được cha mẹ hâm mộ về dạy con đọc Ehon của Nhật, kết quả thống kế từ những cuộc điều tra dành cho các bậc cha mẹ theo 4 nội dung cụ thể như sau:
 
- Thói quen đọc ehon cho con: 95.2% các cha mẹ đều đọc truyện cho con, trong đó mỗi ngày đều đọc và đọc nhiều ngày trong tuần là 83.5%.
 
- Đọc ehon cho con khi nào: 57.1% là đọc bất cứ thời gian nào con thích hoặc vào buổi trưa, sau bữa ăn, còn 38.1% là trước khi đi ngủ.
 
- Đọc bao nhiêu cuốn mỗi ngày: 32.7% các cha mẹ đọc 1 cuốn truyện, 51.0% cha mẹ đọc 2-4 cuốn mỗi ngày cho con, còn lại thì nhiều hơn 5 cuốn mỗi ngày.
 
- Mỗi lần đọc cho con bao lâu: 52.3% cha mẹ là đọc 10-20 phút mỗi lần, 38.5% là đọc khoảng 5 phút, và còn lại là trên 30 phút để đọc cho con.

(Tham khảo từ chia sẻ của mẹ Nguyễn Thị Thu, hiện đang sống và làm việc tại Tokyo, Nhật Bản)