Có những điều bố mẹ cứ nghĩ thế này, nhưng thực tế lại không phải vậy. Trẻ con đôi khi cũng có cái lý riêng của chúng.
Trong cuốn sách “Tư duy mới về trẻ em”, các nhà báo Po Bronson và Ashley Merryman đã viết dựa trên các số liệu của hàng trăm nghiên cứu trong nhiều thập kỷ về cách thức tìm hiểu trẻ em cũng như phương thức giúp phụ huynh hiểu con em mình để điều chỉnh cách dạy dỗ tốt hơn.
1. Anh chị em cãi nhau không hẳn đã sai
Anh chị em dù cãi nhau thì vẫn là anh chị em, không thể bỏ nhau được, nhất là trẻ con, chúng chỉ cãi nhau, tranh dành đồ chơi một lúc rồi lại có thể vui vẻ cười nói, chơi chung với nhau luôn được. Đây có lẽ là điều người lớn cũng phải học tập.
Bố mẹ không nên thấy bọn trẻ thường xuyên cãi nhau hay to tướng với nhau mà tách chúng ra mỗi đứa một nơi. Đó là một quan niệm sai lầm vì trẻ em dễ tha thứ và mau quên, chỉ vài phút sau khi gây sự chúng lại có thể thiết lập hoà bình được.
Cho bọn trẻ chơi chung với nhau để tăng cường mối quan hệ gần gũi anh chị em và chơi chung còn tốt hơn nhiều so với việc để cho một đứa lủi thủi chơi một mình. Cho trẻ chơi chung dù chúng có cãi nhau nhưng thực sự chỉ là những vấn đề tranh cãi trẻ con và tự chúng sẽ biết cách giàn xếp nội bộ với nhau. Điều này sẽ khiến cho chúng biết cách xử lý tình huống nhanh nhạy hơn.
2. Khen trẻ thông minh nhiều cũng không tốt
Lẽ tự nhiên, cha mẹ thường muốn con cái mình luôn thông minh, nhưng việc khen trẻ thông minh nhiều cũng không cũng tốt cho chúng. Nhiều bậc phụ huynh khen thái quá con mình khiến trẻ có tư tưởng tự cao tự đại và không biết trình độ hoặc khả năng thực sự của mình thế nào.
Ngoài ra, có một số trẻ “được” khen thông minh nên luôn luôn phải có gắng hết sức để giữ vững danh hiệu đó. Việc cố gắng cũng sẽ làm chúng ngoan ngoãn, thông minh hơn, nhưng cũng có thể gây cho chúng một áp lực bắt buộc phải đạt được điều gì đó.
3. Trẻ nói dối cũng có cái lý của chúng
Cha mẹ luôn dạy con mình phải thật thà và họ sẽ không hài lòng nếu phát hiện con mình nói dối hoặc tìm cách che giấu sự thật. Nhưng thực tế có điều bố mẹ chưa biết hết, trẻ nói dối cũng có cái lý riêng của chúng.
Nhiều đứa trẻ nói dối vì không muốn bố mẹ phiền lòng nếu biết sự thật. Chúng nói dối vì không muốn thấy bố mẹ buồn hoặc phải suy nghĩ nhiều về chúng. Trẻ nói dối vì không muốn đánh mất lòng tin ở bố mẹ. Hoặc đôi khi chúng nói dối để thử phản ứng của bố mẹ nữa.
Chính vì vậy, mỗi khi phát hiện con nói dối, cha mẹ không nên trừng phạt con ngay mà cần tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao chúng lại nói dối. Cha mẹ thử đứng trên cương vị của con mình trong mỗi tình huống để nhìn nhận vấn đề một cách bao dung hơn.