Ngày 24/9 vừa qua, gia đình hoàng gia Anh nổi tiếng trên toàn thế giới, hoàng tử William và công nương Kate đã có mặt tại Canada trong chuyến thăm chính thức đất nước này kéo dài 9 ngày. Đi cùng với cặp vợ chồng hoàng gia không thể thiếu hoàng tử nhí George và cô em gái 16 tháng tuổi, công chúa Charlotte. Theo kế hoạch, gia đình hoàng tử William sẽ đến thăm vùng Yukon, đi câu cá, đạp xe, ngắm cảnh và gặp gỡ một số thổ dân tại đây.
 
  1. Trong suốt quá trình đi chơi và di chuyển theo kế hoạch, không ít lần mọi người xung quanh chứng kiến cảnh Hoàng tử William và công nương Kate quỳ hoặc ngồi xuống khi trò chuyện với Hoàng tử George. Ngay cả Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, khi đón gia đình Hoàng gia Anh ở sân bay muốn chào và đập tay với hoàng tử nhí, ông cũng phải ngồi xuống cho vừa tầm mắt cậu bé. Tiếc rằng cậu bé đã từ chối, có thể vì lý do chưa quen.

Sau khi hạ cánh tại sân bay Victoria vào thứ 7, công nương Kate đã ngồi xuống để nhìn vào mắt con trai mình khi trò chuyện.

Không chỉ nhìn vào mắt, Kate còn dùng ngôn ngữ cơ thể là nắm tay hoàng tử George.
 
Nhưng tại sao lại phải ngồi xuống thấp ngang tầm mắt khi trò chuyện với một đứa trẻ? Các chuyên gia nói rằng đó là ngôn ngữ cơ thể. Điều này cho thấy cặp vợ chồng Hoàng gia William-Kate đã đem toàn bộ sự tập trung chú ý của mình dành hết cho George mỗi khi nói chuyện. Bằng việc ngồi thấp xuống, mặt đối mặt và nhìn vào mắt con, William đã "lắng nghe tích cực" bất cứ điều gì mà con trai anh nói và cung cấp đầy đủ điều kiện để một cuộc trò chuyện bắt đầu. Tuy nhiên, đôi khi việc này lại khiến Nữ Hoàng không hài lòng trong một số trường hợp. Ví dụ như tại Trooping the Colour năm 2016, Nữ hoàng đã yêu cầu Hoàng tử William đứng lên khi anh đang ngồi xuống và nói chuyện với con trai của mình.
 
Việc ngồi hoặc quỳ xuống cho vừa tầm mắt trẻ khi trò chuyện là một trong những bài học quan trọng mà cha mẹ nào cũng cần phải học. Vì sao lại thế? Hãy lắng nghe giải thích của các chuyên gia: 
 
1. Việc ngồi xuống ngang bằng trẻ khi nói chuyện là hình thức của “lắng nghe tích cực”
 
Theo nghiên cứu cho thấy chúng ta chỉ nhớ khoảng 25% đến 50% những gì chúng ta nghe được. Điều đó có nghĩa là khi bạn nói chuyện với sếp, đồng nghiệp, khách hàng hay chồng/vợ của mình trong vòng 10 phút thì họ chỉ chú ý lắng nghe một nửa hoặc chưa đến một nửa cuộc đàm thoại. Và đặc biệt là khi trò chuyện với trẻ, phần trăm khả năng lắng nghe của cha mẹ còn rớt xuống thấp nữa. Vì trẻ nói chậm, sắp xếp suy nghĩ, câu từ còn lộn xộn, diễn đạt ý nghĩ còn mơ hồ khó hiểu nên cha mẹ đã không có đủ kiên nhẫn và thời gian để lắng nghe trọn vẹn những lời trẻ nói. Do đó, chỉ khi ngồi xuống, ngang tầm mắt trẻ mới giúp cha mẹ thật sự tập trung “lắng nghe tích cực”.
 
Trung tâm Giáo dục Cha Mẹ ở Mỹ định nghĩa "lắng nghe tích cực" là “kỹ năng quan trọng nhất mà cha mẹ cần có trong “bộ bí quyết” nuôi dạy con. Đó là một hình thức giao tiếp đặc biệt cho phép người khác biết rằng bạn “toàn tâm toàn ý” lắng nghe họ nói, bạn biết về những gì họ đang nói, chấp nhận quan điểm của họ, và đánh giá cao tình huống mà họ trải qua”.
 
Thông thường, khi lắng nghe thụ động, chúng ta chỉ nghe nội dung. Trong khi lắng nghe tích cực đòi hỏi sự nỗ lực. Cha mẹ phải tập trung chú ý đến những gì trẻ nói, nó như thế nào, đồng thời giải mã ngôn ngữ cơ thể, thái độ và cảm xúc của trẻ.
 
Nói cách khác, việc lắng nghe tích cực giúp cha mẹ phát tín hiệu đến trẻ với thông điệp trẻ đã thu hút được toàn bộ sự chú ý của cha mẹ, rằng bạn đang lắng nghe, hiểu tất cả mọi thứ mà trẻ đang nói và biểu hiện với bạn.

Hoàng tử William thì thường xuyên quỳ hoặc ngồi để trò chuyện cùng con trai.
 
Gill Connell, tác giả của cuốn sách A Moving Child is a Learning, chia sẻ với tờ People: “Lắng nghe tích cực là một trong những cách quan trọng nhất để cha mẹ có thể gửi đi thông điệp “Con quan trọng với cha mẹ”. Connell giải thích thêm rằng các phản ứng bằng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ như gật đầu, mỉm cười và ôm cũng là một cách tuyệt vời để "nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ cũng như khuyến khích trẻ tiếp tục chia sẻ nhiều hơn".
 
2. Việc ngồi ngang tầm mắt trẻ là cách cha mẹ giao tiếp với con mình bằng phương pháp đặc biệt: “giao tiếp bằng mắt”
 
Giao tiếp bằng mắt là một kỹ năng xã hội quan trọng giúp chúng ta phát tín hiệu quan tâm của mình đến người đối diện. Đây là kết quả dựa trên nghiên cứu tâm lý học của tiến sĩ Eileen Kennedy-Moore. Theo tiến sĩ Eileen thì giao tiếp bằng mắt mang lại những hiệu quả sau:
 
- Biết nhiều hơn lời nói. Giao tiếp bằng mắt là tiền đề để cha mẹ có thể hiểu rõ con mình hơn thông qua những hành động phi ngôn ngữ. Ngôn ngữ cơ thể, giọng nói và thái độ đôi khi có thể đi ngược lại với những gì trẻ đang nói. Ví dụ, nếu trẻ nói về bài kiểm tra bị điểm xấu theo kiểu trẻ không thực sự quan tâm, nhưng trẻ lại di di ngón tay của mình hoặc lẩn tránh không nhìn vào mắt cha mẹ. Điều này có nghĩa là trẻ có thể đang buồn hoặc lo lắng nhưng cảm thấy xấu hổ để nói điều đó với cha mẹ.

Thủ tướng Canada khi nói chuyện với Hoàng tử nhí cũng ngồi xuống cho vừa tầm mắt cậu bé.
 
- "Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn". Nhìn vào đôi mắt của con, cha mẹ có thể “chạm” tới nơi sâu nhất của tâm hồn trẻ. Đôi mắt không biết nói dối. Vì vậy bằng cảm nhận và trực giác của mình, cha mẹ sẽ hiểu trẻ đang nghĩ gì.
 
- Trao đổi năng lượng. Đó là một sự trao đổi năng lượng giữa con cái và cha mẹ. Ví dụ, nếu trẻ đang tức giận, cha mẹ có thể giúp trẻ làm dịu tình hình bằng cách nhìn trẻ với ánh mắt bình tĩnh, đầy tình yêu thương và sự cảm thông tha thứ.
 
- Trẻ biết mình được cha mẹ chú ý. Trẻ em sẽ biết mình được chú ý khi cha mẹ nhìn vào mắt trẻ trong cuộc trò chuyện.
 
-Thỏa hiệp ngầm. Có một sự kết nối thỏa hiệp ngầm khi trẻ nhìn thấy và cảm nhận những điều cha mẹ muốn nói qua ánh mắt và ngược lại.
 
- Trẻ học cách nhìn vào mắt người khác khi trò chuyện. Hãy giúp trẻ cảm nhận sức mạnh của tình yêu thương và sự ủng hộ của cha mẹ thông qua một “đôi mắt biết nói”.
 
Ngoài 2 yếu tố quan trọng trên thì việc ngồi vừa tầm và giao tiếp bằng mắt với trẻ còn cho thấy sự tôn trọng của cha mẹ đối với trẻ. Cha mẹ không đứng ở tư thế trên cao nhìn xuống khiến trẻ bị sợ hãi bởi sự to lớn, chênh lệch về chiều cao. Trẻ cũng cảm thấy sự bình đẳng trong cuộc nói chuyện, từ đó mở lòng mình ra hơn.
 
Tóm lại, việc ngồi xuống ngang tầm mắt khi trò chuyện với trẻ mang đến cho trẻ cảm giác mình được cha mẹ tôn trọng, chú ý, yêu thương và quan tâm. Cha mẹ luôn lắng nghe tất cả những gì trẻ nói sẽ khiến trẻ dễ chia sẻ về cuộc sống, về những gì trẻ suy nghĩ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng gián tiếp dạy cho trẻ kỹ năng lắng nghe tích cực, kỹ năng giải mã các hành vi phi ngôn ngữ của người đối diện. Điều này sẽ giúp trẻ dễ thành công trong tương lai. Vì giao tiếp luôn là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống hiện nay.
 
Thế nên, nếu muốn con nghe lời, biết tôn trọng người khác, trở thành người lịch sự thì ngay từ ngày hôm nay, cha mẹ hãy ngồi xuống vừa tầm mắt, tập trung chú ý lắng nghe và trò chuyện cùng con mình nhé.
 
Nguồn: Tổng hợp