Các chuyên gia tâm lý coi đây là hiện tượng “khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3” và đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích.

Thích làm điều ngược lại

Một phụ huynh tâm sự: “Con trai 31 tháng tuổi của tôi ở nhà rất hư, hay "ăn vạ". Ở trường cháu ngoan nhưng về nhà thì rất hư, hay đòi cái này cái kia, đưa cho lại đòi cái khác, không được thì ăn vạ. Không những thế, cháu thật sự muốn cái gì lại không nói ngay, thậm chí đêm dậy chỉ để đi tiểu nhưng cũng phải khóc lóc mãi mới nói nhu cầu chính. Tình trạng "ăn vạ" diễn ra hầu như hằng ngày. Cháu hầu như không bao giờ nghe lời, chỉ thỉnh thoảng dùng phương pháp động viên, khen ngợi mới có kết quả”.

Những phản ứng kệ con, tự con... chứng tỏ trẻ muốn tách khỏi người lớn khẳng định cái tôi của mình, mặt khác trẻ muốn có quan hệ sâu rộng hơn với người lớn. Hoạt động của người lớn vẫn là mối quan hệ thích thú đối với chúng. Người lớn như là hình mẫu của các chức năng tâm lý xã hội. Trẻ cũng tự thấy mình là thành viên của xã hội.

Đối với bé ở lứa tuổi tiền học đường (từ 3 đến 4 tuổi) bé thường cãi lại kiểu "không!" và "tại sao lại phải làm như vậy?".


Trẻ 3 tuổi, lứa tuổi bắt đầu đi học mẫu giáo thường có biểu hiện tâm lý khá đặc biệt

Cha mẹ phải làm gì?

Các chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng: Tính tự lập và tích cực của trẻ đòi hỏi người lớn phải thay đổi hệ thống nhìn nhận và xử sự với trẻ. Nếu tính tự lập của trẻ bị hạn chế thì trẻ sẽ xuất hiện các tính cách như: tính trái ngược (đứa trẻ không làm một việc gì đó chỉ vì điều đó do người lớn yêu cầu mà trẻ không thích đề nghị làm) vì người lớn đã cấm đoán nó quá nhiều.
Lúc trẻ "ăn vạ", cha mẹ cần nói lại hành vi chưa ngoan của cháu và dạy cháu điều mình mong muốn

TS Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia tâm lý trường Mầm non Hoàng Gia cho rằng: những biến đổi về tâm lý của trẻ khi bắt đầu vào trường mẫu giáo về khoa học người ta gọi là khủng hoảng tuổi lên 3. Hơn nữa, sự thay đổi môi trường, không được thỏa mãn một số điều ở trường nên khi về nhà cháu sẽ “bùng phát” và đòi được đáp ứng nhưng chính trẻ lại rất mơ hồ về mong muốn của mình. Chính vì thế người lớn đưa cho gì cũng lắc đầu và cách duy nhất mà nhiều trẻ làm đó là khóc ăn vạ...

Trước hiện tượng khủng hoảng tâm lý trên của trẻ, theo TS Kim Thoa, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh, đừng bị kích động rồi chính mình lại bực tức và rồi dồn sang con và vòng luẩn quẩn này làm cho cả nhà căng thẳng, không kiểm soát được cảm xúc. Tốt hơn hết, vào những lúc trẻ ăn vạ như vậy, cha mẹ cũng không cần hỏi là con muốn cái này hay cái kia không, bởi cái gì trẻ cũng không đồng ý.

Nếu trẻ bị quá khích thì hãy ôm chặt trẻ vào lòng và nói nhỏ lại nhưng cũng không nói với trẻ mà như đang nói chuyện với ai đó (một chú gấu chẳng hạn). Nguyên tắc ở đây là không tập trung vào hành vi của trẻ nữa mà chuyển hướng sang chuyện khác để lôi sự chú ý của trẻ sang câu chuyện của mình... Sau đó vào những lúc trẻ ngoan ngoãn, cha mẹ cần nói lại hành vi chưa ngoan của cháu và dạy cháu điều mình mong muốn.

Còn tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM khẳng định: “Trẻ lên 3 bắt đầu ý thức về cái tôi và có khuynh hướng muốn được hành động theo ý thích của mình. Vì vậy, nếu cháu có ý muốn thỏa đáng thì cha mẹ nên đồng tình và cho trẻ thực hiện, trong trường hợp trẻ có những đòi hỏi quá quắt, người lớn cần tỏ thái độ kiên quyết không đáp ứng sau khi giải thích cho trẻ hiểu lý do vì sao người lớn không chấp nhận ý muốn của trẻ.

Nếu trẻ vẫn tiếp tục làm nư, người lớn có thể bỏ lơ, không quan tâm tới (trẻ con dễ quên và dễ bị phân tâm bởi những điều mới lạ khác), khi cần xử phạt có thể hạn chế trẻ không được đi chơi bên ngoài với ba mẹ hoặc không được đọc truyện, kể chuyện cho bé nghe thay cho hình thức đánh đòn sẽ phản tác dụng khiến trẻ trở nên ương bướng hơn”.

Theo Thanh niên