Hơn 1 tuần cố thủ ở khoa tự nguyện của bệnh viện Nhi chăm hai cu cậu bị tiêu chảy Rota, mình thấy có những bé giống con mình chỉ bị từ 7-10 ngày, nhưng lại có bé bị từ 15-20 ngày và cùng phòng mình còn có bé bị tới một tháng liền. Bệnh này các bác sỹ còn gọi là virut mùa đông, thường có dịch vào trước và sau Tết từ khoảng tháng 12 đến tháng 3.
Cu Bin và Bon đang chơi ở hành lang bệnh viện sau khi đã thoát khỏi những ngày đỉnh điểm đi ngoài do virut Rota.
Vì là hai bé sinh đôi, lại vẫn đang ti mẹ nên mình không thể tách các con ra được khi một bé có biểu hiện bệnh. Lúc đó một bé lại đang bị viêm hô hấp trên nên tỉ lệ lây là 100%, hơn nữa bệnh này khả năng lây rất nhanh nên không thể tránh khỏi cả hai con cùng bị tiêu chảy.
Bệnh này mình khuyên các mẹ không nên chữa tại nhà, mà nên cho con vào viện càng sớm càng tốt. Vào viện thì các mẹ nên cho con nằm riêng một phòng để tránh lây lan sang các bệnh nhi khác và ngược lại bé nhà mình lại bị lây bệnh khác. Khi có biểu hiện bị tiêu chảy thì các mẹ nên cho con làm xét nghiệm ngay để biết được bé bị tiêu chảy do virut hay bị ngộ độc thức ăn hoặc chỉ thông thường là đi tướt mà có cách chăm sóc khác nhau.
Khi con bị tiêu chảy Rota, mẹ nên cho bé uống loại sữa dành cho trẻ bị tiêu chảy.
Biểu hiện của bé bị tiêu chảy do virut Rota:
- Cách 12-24h trước khi bé đi ngoài, bé sẽ nôn trớ như vòi, thường là vào chiều tối.
- Bé có thể sốt từ 37,5 - 39 độ.
- Người bé lả đi, xanh xao, môi tím, đầu tiên bé sẽ đi ngoài và phân bình thường, ngay sau đó bé sẽ đi ngoài toàn nước giống như đi tiểu. Phân có màu xanh, mùi rất tanh và sủi bọt. Bé có thể bị đau bụng khi đi ngoài.
- Bé đi trên 10 lần/ ngày. Bụng luôn sủi òng ọc nghe rất to.
- Người bé háo nước, mắt trũng, thịt ở chân tay nhão, thóp phập phồng. Bé không ngồi và chỉ thích nằm, không có hứng thú chơi bất kỳ trò chơi nào. Ăn vào là nôn, uống nước cũng nôn, thậm chí nôn ra cả dịch vàng. Các bác sĩ ở viện Nhi có dặn mình phải trông chừng con khi bé bị nôn nhiều vì trẻ có thể sẽ bị lồng ruột kèm theo.
Các mẹ không nên cho con uống men vi sinh Bạch Mai như nhiều mẹ truyền tai nhau vì nó không có tác dụng chỉ dành cho bé ăn kém, đầy bụng, lười ăn chứ không bổ sung lợi khuẩn và chữa rối loạn vi khuẩn trong ruột gây ra tiêu chảy.
Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy Rota:
Hơn một tuần "bạc mặt" với hai nhóc con trong viện Nhi, mình đã được các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc con bị tiêu chảy Rota như sau, xin chia sẻ cùng các mẹ để có thêm kinh nghiệm.
- Ngay sau khi bé có biểu hiện nôn trớ và đi phân lỏng lần đầu tiên. Mẹ nên cho bé uống ngay thuốc cầm Hidrasec và men tiêu hóa dạng ống nước của Pháp Enterogermina hoặc men Bio của Việt Nam, cùng đó cho con uống vài thìa orezon. Các bác sĩ ở viện Nhi khuyên mình tuyệt đối không cho con dùng men vi sinh Bạch Mai như các mẹ vẫn truyền tai nhau. Vì men vi sinh Bạch Mai chỉ có tác dụng dành cho bé ăn kém, đầy bụng, lười ăn chứ không bổ sung lợi khuẩn và chữa rối loạn vi khuẩn trong ruột gây ra tiêu chảy.
- Các bà mẹ thường tự dùng kháng sinh điều trị cho trẻ khi trẻ bị tiêu chảy dẫn đến hậu quả là làm rối loạn thêm vi khuẩn chí (vi khuẩn có ích) trong đường tiêu hóa của trẻ, vừa không chữa được bệnh lại dễ dẫn đến ngộ độc thuốc và kéo dài ngày bệnh và giảm khả năng hấp thu của trẻ. Chỉ sử dụng kháng sinh cần theo chỉ định của nhân viên y tế, áp dụng trong trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn, amip (phân có nhầy máu).
- Mẹ nên đưa bé đến viện nhanh nhất khi có thể để xét nghiệm xem bé bị làm sao. Nếu bé chỉ đơn thuần đi tướt hay bị ngộ độc thức ăn thì tuyệt đối không dùng thuốc cầm và kháng sinh. Chỉ được uống men tiêu hóa và có thể được bác sĩ chỉ định điều trị tại nhà.
- Bé bị tiêu chảy do virut Rota nên được truyền dịch để tránh tình trạng mất nước làm bạch cầu giảm mạnh. Lúc này bé sẽ phải tiêm kháng sinh. Bé sẽ phải truyền dịch khi nào số lượng đi ngoài vào khoảng 6 lần/ ngày và mỗi lần không nhiều.
- Bé sẽ mệt nhất trong 4 ngày đầu, bị nôn mửa nhiều, quấy khóc, không ăn không chơi, thậm chí không ngồi được và đau bụng khi đi ngoài. Lúc này các mẹ không nên ép bé ăn, bé chỉ muốn uống nước. Các mẹ cho bé uống nhiều nước ấm hoặc orezon. Khi bé đã truyền dịch thì các mẹ không nên lo quá về chế độ ăn của con. Các mẹ có thể cho bé uống sữa, nhưng sữa dành cho bé tiêu chảy. Có lúc con mình đói và khát nước nên đòi uống thêm sữa, nhưng bác sĩ khuyên không nên cho con uống nhiều một lúc mà phải uống ít một để tránh bé bị đi ngoài nhiều gây mệt và nôn trớ.- Các mẹ nên cho con uống thuốc trước khi ăn/ uống để tránh trường hợp bé nôn ra cả thuốc, lại mất công uống lại. Nếu bé nôn nhiều các mẹ có thể cho bé uống thuốc chống nôn có sự chỉ định của bác sỹ.
Sau khi điều trị được gần một tuần, Bi và Bon đã khỏe hơn và có thể chơi đùa.
- Các mẹ có thể cho bé ăn thêm hoa quả có lợi cho đường ruột như quýt ngọt, táo xay nhuyễn, bơ, đu đủ, chuối. Bé có thể ăn bánh mỳ khô và cháo trắng nấu với cà rốt (tuyệt đối không cho thịt đến khi bé khỏi). Nhưng các mẹ vẫn lưu ý là đồ ăn của con phải mịn, xay nhuyễn, và loãng. Mỗi lần mẹ chỉ cho con ăn ít một, để con hấp thụ tốt, tránh đầy hơi và nôn trớ.
Cháo cà rốt thì các mẹ nên nấu cháo kỹ, sau đó ép cà rốt lấy nước sau đó nấu chín cùng cháo. Cháo phải loãng, cà rốt làm cho cháo ngọt nên các mẹ không cần cho mắm muối. Có thể cho thêm chút đường để cháo ngọt. Như vậy con dễ ăn, và có cảm giác thèm ăn hơn rất nhiều. Bé sẽ có sức khỏe hơn khi ăn cháo này mà không sợ con đi ngoài. Mỗi lần mẹ chỉ nên cho con ăn nửa bát cơm, và hai tiếng ăn một lần.
- Bé đi ngoài sẽ bị nóng trong, có thể do uống kháng sinh gây ra nữa, kéo theo đó sẽ bị nhiệt họng và miệng. Lúc này các mẹ nên bình tĩnh giải quyết nhé, chỉ cần cho con ăn đồ mát hoặc mua thuốc bôi theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Điều quan trọng nhất là mẹ phải vệ sinh thật cẩn thận cho bé trong thời gian này, trước khi ăn uống và đi vệ sinh, bắt buộc cả người chăm sóc trẻ và bé đều phải rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ. Phòng luôn khô thoáng và được lau chùi sạch. Bé phải truyền dịch nên cơ thể sẽ lạnh, các mẹ chú ý mồ hôi trộm của con, mặc đủ ấm để bé không bị lạnh dẫn đến cảm lạnh và ho thậm chí là viêm phế quản.
- Trong thời gian này, các mẹ vẫn phải tắm rửa cho con bình thường để con luôn sạch sẽ và virut không lây lan. Nước tắm nên cho vài giọt dầu hoặc gừng giã nát. Các mẹ luôn có sẵn nước trà xanh đặc, nước muối sinh lý để vệ sinh cho con tránh bị hăm, tấy đỏ khiến con khó chịu.
- Các mẹ cũng nên lưu ý sức khỏe của bản thân vì virut Rota lây cả sang người lớn. Bản thân mình sau khi chăm hai bé xong cũng bị lây.
Trên đây là những điều mình đã làm khi chăm con bị tiêu chảy do virut Rota. Trộm vía hai bé nhà mình chỉ bị đi nhiều đỉnh điểm trong hai ngày đầu, còn những ngày sau bé đi ít hơn: dưới 10 lần/ ngày. Con số này giảm đi và ít hơn trong những ngày sau đó.
Khi bé khỏi, thì từ 2-4 ngày bé không đi ngoài và lúc này các mẹ vẫn nên duy trì thuốc cầm và men tiêu hóa cho con uống đến khi bé đi phân bình thường. Lúc này mẹ nên nấu các món đầy đủ dinh dưỡng và rau xanh để bé lại người và không bị táo bón. Đồ tanh thì các bác sĩ khuyên sau một tuần mới nên ăn lại. Các món tốt sau khi bé ốm là: cháo gà ác hạt sen, cháo thịt bò gừng, cháo chim bồ câu, cháo thịt nạc vai...
Riêng về phòng của các con và nhà cửa thì các mẹ nên quét dọn sạch sẽ, lau rửa đồ đạc gọn gàng, đồ chơi của con luôn sạch sẽ để bé chơi không bị nhiễm khuẩn lại.
Hy vọng những kinh nghiệm của mình sẽ giúp ích phần nào để các mẹ chăm con đang bị tiêu chảy do virut Rota tốt hơn.