Bạn có thể massage cho con vào buổi sáng khi bắt đầu một ngày mới, khi trẻ ngủ quá 2,5 giờ chưa thấy dậy ăn hoặc trước khi tắm cho bé và lúc chiều tối giúp trẻ ngủ ngon hơn. Không nên làm khi trẻ vừa ăn no (ít nhất sau khi ăn 1 giờ), da đang bị thương, vết thương bị rỉ nước hoặc đang có ban dị ứng nhiễm trùng.
Để massage, bạn phải chuẩn bị phòng ấm, thoáng, không có gió lùa. Hai bàn tay rửa sạch và xoa ấm, không được để móng tay và đồ trang sức làm xước da trẻ. Bạn hãy đặt trẻ nằm trên mặt chăn phẳng, mềm, sạch, không kê gối, có thể dùng dầu massage.
Massage là giây phút tiếp xúc thể hiện tình yêu thương của hai mẹ con. Do vậy, trong khi làm bạn nên giữ sự trao đổi bằng mắt với trẻ, luôn nhìn trẻ mỉm cười hoặc hát nhẹ nhàng cho bé nghe.
Khi mới bắt đầu, bạn chỉ chạm nhẹ vào trẻ, sau đó các động tác có thể mạnh dần bé bắt đầu có cảm giác thoải mái và quen dần với các động tác xoa bóp. Không nên tiếp tục làm nếu trẻ khóc hoặc không muốn.
Các vị trí massage:
- Chân: Hai tay vuốt nhẹ hai đùi trẻ, nắn bóp nhẹ chân từ trên xuống dưới, gập duỗi chân nhẹ nhàng, vừa lắc vừa vuốt bàn chân và cổ chân.
- Bụng: Xoa bụng trẻ theo đường đi của cung đại tràng từ phải sang trái (cùng chiều kim đồng hồ). Các ngón tay di chuyển nhẹ nhàng theo đường đi của cung đại tràng như đang đi bộ trên bụng trẻ.
- Tay: Hai tay nắn bóp nhẹ từ gốc cánh tay đến ngọn cánh tay. Gập mở hai cánh tay trẻ, làm đều đặn, từ từ.
- Lưng: Hai tay vuốt dọc 2 cơ thẳng lưng ngược chiều nhau, hai ngón cái day xoắn ốc dọc 2 bên cột sống, khum bàn tay vỗ nhẹ nhàng hai bên bả vai trẻ.
Điều dưỡng trưởng Lê Thị Hòa Bình
Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương
Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương