Hồng Huệ (25 tuổi, Bạch Mai, Hà Nội) là bà mẹ trẻ của hai nhóc tì rất nhanh nhẹn, thông minh và đáng yêu. Vì sinh hai bé rất sát nhau, một bé sinh năm 2011, một bé sinh năm 2012 nên chị rất có kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe cho con đặc biệt là chăm mũi. 

Vào thời điểm này, trẻ dễ bị chảy nước mũi, viêm họng… Chị chia sẻ: "Mình là người lớn, nếu bị nghẹt mũi, mình đã thấy khó chịu rồi chứ chưa nói là con trẻ. Có đôi lần con bị viêm họng, thở khò khè mà mình xót ghê gớm". 

Ngay từ khi có bầu, Huệ đã dành nhiều thời gian nghiên cứu những cách chăm sóc con từ sách vở, báo chí, internet, người thân trong gia đình rồi bạn bè. Chị hiểu chất nhầy trong mũi chính là chiến tuyến đầu tiên giúp con chống lại vi trùng, vi khuẩn. 

Tuy nhiên, trong không khí khô và lạnh như hiện nay, các chất nhầy trong mũi của bé dày lên, khó di chuyển. Và đây chính là nguyên nhân khiến mũi bé dễ bị nhiễm bẩn. Sau nhiều lần "chinh chiến" với mũi con, chị có trong tay kha khá kinh nghiệm, chị chia sẻ một trong những bí quyết để tối đa hóa khả năng miễn dịch của bé đó là xông hơi.
 
Xông hơi: chăm sóc mũi xinh của con

“Bạn có thể lấy một cốc nước nóng, cho gần mũi bé để hơi nóng bốc lên nghi ngút. Cách làm sạch bằng hơi nước này rất tốt cho đường hô hấp của con trong mùa đông. Một điều lưu ý rằng mình cần đảm bảo phòng lúc đó sạch sẽ, thoáng khí”, chị chia sẻ. 

Chuyển mùa là khoảng thời gian bé dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp: sổ mũi, nghẹt mũi là những triệu chứng phổ biến. Chị chia sẻ rằng tuy sổ mũi không quá nghiêm trọng nhưng điều này sẽ khiến con rất khó chịu, ăn không ngon, ngủ không yên và nếu không được can thiệp kịp thời thì có thể mau chóng kéo theo các bệnh khác như viêm họng, viêm phế quản, ho, cảm sốt…

Mẹ Nhím chia sẻ cách chăm sóc mũi con ngày lạnh 1
Khi bé Nhím có triệu chứng sổ mũi, chị Huệ dùng dụng cụ hút mũi để làm sạch cho con

Thi thoảng vào mùa lạnh, chị lại chăm mũi bé bằng phương pháp này, chị nói: "Cách này hơi mất thời gian nhưng rất đơn giản mà con lại rất thích". 

Hút mũi

Khi bé Nhím có triệu chứng sổ mũi, chị Huệ dùng dụng cụ hút mũi để làm sạch cho con. Chị chia sẻ rằng: “Dụng cụ dạng cao su mềm như quả bóng tròn giúp lấy dịch mũi khá ổn, dễ dàng lại không làm bé đau và sợ”. 

Chị nói, ban đầu các mẹ có thể nhỏ (hoặc xịt) nước muối sinh lý vào mũi con để làm ẩm và làm lỏng các chất nhầy trước khi cố gắng hút chúng ra.“Lúc hút, mình để con nằm nghiêng sau đó dùng chai nhỏ giọt hoặc bình xịt xịt trực tiếp dung dịch vào mũi bé, sau vài giây, nước muối cùng nước mũi đi ra ngoài theo mũi bên kia. Lúc này mình sẽ hút sạch đờm nhớt trong mũi con”. 

Chị chia sẻ, những lần đầu bé Nhím tỏ ra khó chịu, không thích cách này nhưng sau khi bị mẹ huấn luyện cho vài lần, bé quen và chịu cho mẹ làm hơn. 

Sau một thời gian ngắn, hút rồi rửa mũi liên tục như vậy, bé hết nhanh đờm nhớt, nghẹt mũi, "giọng lại trong veo líu lo". 

Chăm chỉ nhỏ nước muối sinh lý đều đặn

Khi bé bị nhẹ, chị Huệ có thể chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý là bé cũng có thể khỏe nhanh rồi. Ngoài ra, chị dùng lọ xịt nước muối biển để vệ sinh mũi cho bé. Để lọ xịt gần mũi bé, ấn mạnh, nước muối sẽ vào sâu bên trong mũi bé. Những bụi bẩn sẽ theo nước muối này chảy ra ngoài. Sau đó, dùng giấy ăn mềm hoặc giấy ướt lau cho bé thật sạch. 

Chị nói: "Có nhiều ông bố bà mẹ cứ thắc mắc tại sao con hay bị bệnh về mũi họng, mình nghĩ đó là do cách chăm con chưa chuẩn thôi. Có thể ban đầu bé chưa chịu hợp tác cho mình nhỏ mũi, hút mũi nhưng nếu mình làm nhẹ nhàng, khuyên nhủ con, mình tin con sẽ nghe theo". 

Các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý vệ sinh tay trước và sau khi vệ sinh mũi cho bé bằng giấy ướt hoặc xà phòng. Ngoài ra, để bảo vệ mũi bé, bố mẹ nên giữ phòng của bé luôn được ấm áp vào mùa đông. 

Chị nói thêm, các mẹ nên lưu ý là không nên hút mũi cho bé nhiều hơn 3 lần/ngày, vì lực hút từ dụng cụ hút mũi sẽ làm kích ứng niêm mạc mũi của bé. Và nên làm nhẹ nhàng vì nếu hút quá mạnh, các mô mũi có thể bị viêm.

Sau khi chăm sóc mũi cho con, chị Huệ luôn chú ý làm sạch dụng cụ hút mũi và giữ chúng ở nơi khô thoáng, sạch sẽ. Bởi “nếu không làm sạch kỹ thì vi khuẩn rất thích lưu trú trong những ‘ngôi nhà’ như thế này”. 

Một điểm chị muốn lưu ý đó là các bậc phụ huynh nên rửa mũi cho con tốt nhất là trước bữa ăn và trước khi đi ngủ. Trong giấc ngủ dài ban đêm, nếu mũi bé có nhiều bụi bẩn, nước mũi,… sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển thì việc rửa sạch sẽ khiến “vi khuẩn chưa kịp hình thành đã bị ‘tiêu diệt”. 



Những đợt gió lạnh trở trời có thể làm bé bị sổ mũi, ho, viêm họng, cảm cúm… Với những triệu chứng ốm ban đầu, mẹ có thể chặn đứng ngay bằng các biện pháp trị liệu dân gian.
Mẹ Nhím chia sẻ cách chăm sóc mũi con ngày lạnh 2