Cu Bim sau khi vào nhà vệ sinh chợt phát hiện ra trò chơi bể bơi và té nước rất vui nên cậu bé rón rén đưa tay mở hết công suất của vòi nước, lấy cái khăn mặt nhét vào bịt kín miệng ống cống, nước xối xả cứ thế dâng dần lên và cậu bé bắt đầu bùng bơi trong cái “bể” tự tạo của mình một cách khoái chí.

Đang rất hào hứng vùng vẫy, chị Mai mẹ cu Bim bước vào, thấy nền nhà vệ sinh nước lênh láng, chan hòa thì đỏ lựng mặt, dậm chân, bực mình quát lớn: “Trời ơi! Không còn trò gì để nghịch nữa phải không? Này thì nghịch này, nghịch này…” vừa quát mắng con, chị vừa lấy tay, nện lấy nện để vào mông thằng bé khiến cu Bim khóc ré lên. Cơn khóc của cu Bim dường như khiến chị càng nóng nảy hơn: “Đã bảo bao nhiêu lần rồi vẫn không chừa. Vào nhà, lại chỗ cũ, úp ngay mặt vào tường cho mẹ”. Cu Bim thấy mẹ phán vậy thì xanh lét mặt, nín bặt lầm lũi đi vào góc tường đứng không nhúc nhích.

Hóa ra để trừng phạt mỗi lần con nghịch ngợm, chị Mai bắt cu Bim phải đứng úp mặt vào tường khoảng hai tiếng đồng hồ sau khi đã được ăn vài cái tét vào mông. Tuy nhiên với bản tính trẻ con, mải chơi và chóng quên, vừa mới phạt được lúc trước, lúc sau cu Bim lại đã vi phạm “luật” của mẹ, thế là cu Bim lại lũn cũn khóc khóc mếu mếu, chạy đến làm bạn với bức tường thêm lần nữa.
 

Hay như bé Thảo, do lười ăn nên cứ đến mỗi bữa cơm, chị Linh đặt một cái roi bên cạnh, nếu bé bắt đầu lảng tránh ăn, lập tức cái roi sẽ vung lên cùng với khuôn mặt giận dữ của mẹ… Mỗi lần như vậy, bé Thảo dù có sắp nôn trớ ra ngoài vì lượng thức ăn mẹ đút cho chưa kịp nuốt vẫn cố há miệng để nuốt miếng cơm tiếp theo…

Mỗi khi con cái phạm lỗi, những người làm cha làm mẹ thường dùng các biện pháp bạo lực như đánh mắng thậm chí nhiếc móc nặng nề để trừng phạt trẻ. Điều này khiến cho trẻ không những không tiến bộ mà còn làm cho trẻ suy nghĩ tiêu cực và có ý chống đối lại với cha mẹ.

Việc cha mẹ thường xuyên áp dụng kiểu giáo dục “thương cho roi cho vọt” có thể lần một, lần hai sẽ khiến trẻ sợ nhưng dần dần nếu vẫn áp dụng cách thức đó để trừng phạt con, trẻ sẽ trở nên lì đòn và không sợ nữa.

Hơn thế, việc trừng phạt trẻ có thể dẫn tới tình trạng trẻ bị tổn thương trầm trọng cả thể xác lẫn tinh thần và điều đó chắc chắn là điều cha mẹ không hề mong muốn. Khi cha mẹ trừng phạt con trẻ bằng đòn roi đồng nghĩa với việc cha mẹ trừng phạt khi cha mẹ nổi giân và điều đó làm cho trẻ thấy rằng xung quanh con lúc nào cũng là đòn vọt và những lời mắng nhiếc, từ đó trẻ sẽ có cái nhìn bi quan với cuộc sống xung quanh, điều đó cũng có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm, trầm uất.

Để dạy con cái cư xử tốt, và tránh phạm lỗi, cha mẹ hãy giúp con nhận thức vấn đề bằng việc phân tích, chỉ ra cho trẻ thấy hành động của chúng là không đúng. Đừng tự mình đặt ra những nguyên tắc để trừng phạt trẻ mà cha mẹ hãy cùng nhau thỏa thuận với con những nguyên tắc trong quá trình dạy dỗ để có hiệu quả nhất, hãy dạy con đưa ra được những lựa chọn cho hành động đúng, tích cực, hãy nỗ lực duy trì mối quan hệ gần gũi với con. Có như vậy thì trẻ mới sống khỏe mạnh và phát triển một cách toàn diện, biết quan tâm để ý tới suy nghĩ của người khác.