“Người ta nói trai mồng 1, gái hôm rằm. Chị bạn tôi sinh con gái đúng ngày rằm nên thông minh tuyệt đỉnh, lại còn xinh như thiên thần nữa. Bé nhà tôi mà sinh vào đúng mồng 1, mà lại mồng 1 Tết nữa thì còn gì bằng. Biết đâu sau này cháu thành…. Thủ tướng cho bố mẹ thơm lây” - Chị Thuận hóm hỉnh chia sẻ.
Chính vì tư tưởng này, chị hồi hộp con sẽ chọn đúng mồng 1 Tết để chào đời dù chồng chị cầu trời khấn phật cho chị sinh sau Tết… 1 tuần.
Nhưng cuối cùng, bác sĩ siêu âm lại đúng. Đúng đêm 30, chị trở dạ vào bệnh viện. “Hành hạ” mẹ cả ngày trời, đến thời khắc cuối cùng của ngày mồng 1, bé Kem mới chịu ra đời.
“Kể câu chuyện thì có vẻ đơn giản chứ trải qua nó mới thấy kinh khủng. Tôi thuộc dạng đau đẻ dữ dội và đẻ khó. Ấy thế mà, ngày mồng 1, bác sĩ xuất hiện lèo tèo nên vừa đẻ vừa lo".
Đến bây giờ nghĩ lại, chị vẫn thấy sợ cảnh sinh nở ngày mồng 1 Tết. Thế nhưng, có lẽ là do… số phận, năm nay chị Thuận lại bầu bí. Và theo bác sĩ siêu âm, chị lại sinh vào đúng mồng 1 Tết. Lúc này, chị đang đau đầu nghĩ cách đối phó.
Không sợ bị bác sĩ bỏ mặc, chị Trà lại hồi hộp vấn đề tuổi của bé yêu. Ông thầy bói phán nếu là tuổi rắn, bé cực kỳ hợp với vợ chồng chị, sẽ giúp chồng chị sớm được gắn mác… đại gia. Nhưng nếu là tuổi rồng, bé sẽ khiến gia đình chị kiệt quệ.
Vốn là người mê tín nên chị lo sốt vó thời điểm chào đời của con. Bác sĩ dự báo bé yêu của chị sẽ được sinh trong ngày mồng 2 Tết. Nhưng bác sĩ lại khuyến cáo chị là người có cơ địa đặc biệt, dễ sinh non.
Ảnh minh họa.
Muôn nẻo cách đối phó
Năm nay, chị Thuận nằng nặc bảo chồng dù có chết chị cũng không sinh con trong những ngày Tết. Chị ra tối hậu thư với chồng: “Phải tìm cách để em hoặc sinh trước, hoặc sinh sau những ngày ít bác sĩ ở bệnh viện".
Nhưng ngược lại với chị, chồng chị lại không quá căng thẳng vì anh tin rằng đẻ trước hay đẻ sau mồng 1 cũng không khác nhau là mấy. Trước Tết, bác sĩ lo chuẩn bị Tết, sau mồng 1, mọi người phải lo thăm thú họ hàng nên không toàn tâm toàn ý cho bệnh viện được.
“Công bằng mà nói, ngành nào cũng vậy chứ không riêng gì ngành y tế, sát Tết ai cũng bị cuốn vào chuẩn bị Tết và đi chơi. Thời gian đâu mà toàn tâm toàn ý cho công việc được” - Anh Tư, chồng chị Thuận nêu lý do chị không cần lo nghĩ chuyện sinh đúng mồng 1 hay không.
Thế nên anh quyết định không dùng biện pháp can thiệp nào cho việc sinh nở. Anh tin rằng trẻ em chào đời một cách tự nhiên sẽ tốt hơn là đẻ mổ hay dùng các biện pháp kích thích khác. Chính vì việc này, hai vợ chồng chiến tranh lạnh suốt cả tháng nay.
Trong khi đó, vợ chồng chị Trà cùng mê tín nên cả hai cùng toát mồ hôi khi nghĩ tới viễn cảnh con sẽ mang tuổi rồng.
Thế là anh chị lên kế hoạch kiềm chế mong muốn nhìn thấy ánh nắng mặt trời sớm của bé yêu. Anh gợi ý chị nghỉ việc ở nhà một tháng, chỉ nằm yên một chỗ. Cơm nước có người nấu nướng mang đến tận giường. Công việc hàng ngày của chị chỉ đơn giản là ăn uống, đi vệ sinh và nằm ềnh trên giường xem phim.
Không chỉ có vậy, chị còn nhờ một bác sĩ đến tiêm thuốc “giữ thai”. Chị kể trước đây chị gái chị cũng bị dọa sinh non và tiêm một mũi “giữ thai”. Chẳng biết thuốc “giữ thai” là thuốc gì nhưng từ việc năm lần bảy lượt phải đi bệnh viện vì suýt sinh non, chị gái chị chuyển sang… chạy bộ thúc thai ra vì quá ngày sinh mà bé vẫn nằm trong bụng mẹ.
Với hai biện pháp kể trên, chỉ còn hơn 1 tuần nữa là tới Tết mà bụng dạ chị Trà có vẻ “bình yên” lắm. Chị đang hồi hộp tới đau tim.