Sau đó, bà vắt liền 2 quả chanh vào chậu nước tắm bé tẹo, giục Diệu tắm cho con. Diệu khó chịu trách bà ngoại là da cháu còn non, bà cho nhiều chanh thế thì cháu xót nên đổ bớt nước tắm trong chậu, pha thêm nước ấm vào. Bà ngoại vùng vằng, giận dỗi con gái: “Từ giờ mày muốn làm gì thì làm. Tao chẳng hơi đâu mà quan tâm” rồi bà lên giường nằm, cũng không thèm nấu cả cơm tối.
Những mâu thuẫn vụn vặt tích tụ, trong khi bà ngoại lại bảo thủ, hay dỗi khiến Diệu nhiều khi stress, sữa cho con bú ít hẳn. Đỉnh điểm là một lần xung đột, Diệu đùng đùng ôm con về nhà riêng của mình luôn.
“Biết là bà thương con thương cháu nhưng là phụ nữ, ai chẳng thích chăm con theo ý mình. Giờ mình cũng đã hết đau rồi, thôi về hai vợ chồng dồn sức nuôi con, kiểu gì chẳng xong. Vất vả một tý nhưng được cái nhẹ đầu. Chứ cứ ở với bà ngoại, thấy mệt mỏi quá rồi” – Diệu chia sẻ.
Cùng cảnh, Hân (Cầu Giấy, Hà Nội) phải khóc sụt sùi, ôm con về nhà mình vì không thể ở thêm với mẹ đẻ nữa. “Bà ngoại tính hay quên, lại hay để thứ này lẫn thứ kia rất lộn xộn. Mình đã để quần của con, áo của con rồi mũ, bao tay, bao chân, khăn xô... mỗi thứ một túi riêng cho dễ lấy khi cần, nhất là ban đêm. Thế mà bà ngoại hay bới tung lên rồi làm mọi thứ lộn tùng phèo. Lúc bà tìm không ra cái áo gilet cho cháu là bà chửi mình ở bẩn như ‘ổ lợn’. Mình thì vặc lại là lỗi tại bà, thành ra mẹ đẻ - con gái lại xung đột” – Hân kể.
Cháu bị hăm đỏ, bà ngoại bảo là: “Lúc nào cũng bỉm chả hăm. Đừng đóng bỉm nữa, cho nó mát tý”. Hân làm theo, chỉ cuốn tã vải cho con. Bà vừa tắm gội sạch sẽ xong bế cháu thì bị cháu tè ướt cả, Hân lại bị mắng: “Sao không đóng bỉm cho nó?”. Những lúc chăm con, bế cháu mệt, mẹ đẻ Hân hay kể chuyện ngày xưa phải “lết” dậy tự nấu cháo mà ăn, chứ không như Hân có người cơm bưng tận miệng. Lúc mệt mỏi, căng thẳng bà lại mắng con, chửi chồng rất khó nghe.
“Mẹ đẻ mình bực là nói bậy nên nghe chối tai lắm. Chưa kể kiểu gì cũng nói được, lại suốt ngày đổ lỗi cho mình không biết chăm con” – Hân cho biết.
Một lần xung đột nặng, Hân cương quyết: “Con tự nuôi con của con cho đến khi cháu đi học, không bao giờ nhờ cậy tới bà nữa. Khi nào sinh đứa thứ hai, con sẽ bỏ tiền thuê người”. Sau đó, Hân đưa con về nhà mình.
Tìm sự phân giải
Xưa nay, người ta hay đề cập tới mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu về chuyện chăm con – chăm cháu. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa hai “nội tướng” khác trong nhà (mẹ đẻ - con gái) cũng có thể nảy sinh trầm trọng vì chuyện chăm con nhỏ. Chính khoảng cách thế hệ đã tạo nên hai quan điểm khác nhau trong cách nuôi dạy con nhỏ. Hơn nữa, người già thường hay bảo vệ ý kiến của mình, cho là mình đúng, dạy con cái mà con cái không biết nghe lời. Còn con gái thì cũng thấy mẹ đẻ có nhiều ý kiến không phù hợp nên không tán thành.
Tuy nhiên, không vì thế mà để xung đột trầm trọng, gây rạn nứt tình mẫu – tử hoặc làm không khí trong nhà kém vui. Mẹ đẻ - con gái nên học cách hiểu nhau, thông cảm và lắng nghe nhau. Có quan điểm trái ngược nào thì cần bình tĩnh trao đổi. Sau đó, có thể hỏi thêm ý kiến của người thân trong nhà, người ngoài, chuyên gia, bác sĩ... Hai mẹ con cùng nghiên cứu tài liệu, kiến thức về việc chăm nuôi con mọn để tìm được tiếng nói chung. Bởi suy cho cùng, cả hai người phụ nữ trong nhà đều muốn tốt cho con, cho cháu mình. Con gái nên trân trọng công sức và tình cảm của mẹ đẻ dành cho. Trong khi đó, mẹ đẻ nếu biết tâm lý và chịu khó tiếp thu những cái mới thì sẽ được không khí vui vẻ trong nhà.
Trường hợp vợ chồng có thể tự xoay sở để nuôi con mà không cần trợ giúp từ ông bà nội (ngoại) thì cũng tùy ở quyết định mỗi cặp vợ chồng.